Người bệnh gút, loét dạ dày, viêm đại tràng... nên tránh dùng đậu nành và các chế phẩm của nó.
Uống một ly sữa đậu nành mỗi ngày rất quan trọng với người coi trọng chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách dùng sữa đậu nành thế nào cho tốt nhất và cả những điều cấm kỵ.
Nghiên cứu cho thấy đậu nành có hàm lượng protein rất cao, khoảng 35% đến 40%, gấp 3 lần các loại thịt. Ngoài canxi, sắt, các nguyên tố vi lượng và khoáng chất khác, loại đậu này còn chứa sterol thực vật, axit béo không bão hòa và lecithin là các chất giúp giảm lượng cholesterol xấu trong máu, ngăn ngừa nhiều loại bệnh tim mạch, mạch máu não và các bệnh mạn tính khác.
Ngoài ra, sữa đậu nành giàu sắt, thích hợp cho các bệnh nhân thiếu máu. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng quá nhiều các sản phẩm đậu nành thay thế thịt có thể gây ức chế sự hấp thu sắt. Do đó cần bổ sung sắt, dùng xen kẽ các sản phẩm từ đậu nành và thịt.
Sữa có nhiều tác dụng nhưng không phải là thuốc, hàm lượng hoạt chất trong sữa rất thấp, chỉ nên dùng như một loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, nếu bạn mong muốn có hiệu quả tức thời thì rất khó mang lại tác dụng rõ ràng trong thời gian ngắn. Ngoài ra, lượng canxi, photpho và lactose trong sữa đậu nành thấp nên không thể thay thế sữa bò trong chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Không có loại thực phẩm nào là thập toàn thập mỹ, sữa đậu nành cũng vậy. Trong loại sữa này có một số nhân tố kháng dinh dưỡng không có lợi cho tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể. Ví dụ trong hạt đậu có chứa chất ức chế trypsin, saponin hormone và lectin không tốt cho cơ thể. Cách tốt nhất để đối phó với chúng là phải nấu chín sữa hoàn toàn. Thường đậu nành khi nấu đến 80 độ C sẽ có hiện tượng sôi giả, nhiều người tưởng lúc này sữa đã chín, nhưng thực tế phải đun thêm từ 3 đến 5 phút nữa mới vô hiệu hết các chất độc hại.
Người có vấn đề về đường tiêu hóa không nên uống quá nhiều sữa đậu nành để tránh kích thích dạ dày tiết axit gây đầy hơi. Đậu nành chứa một số oligosaccharides với hàm lượng nhất định có thể gây ợ hơi, chướng bụng. Người bị loét dạ dày, viêm đại tràng không nên ăn.
Bệnh nhân suy thận cần chế độ ăn chất lượng cao nhưng lượng protein thấp và giàu axit béo thiết yếu. Đậu nành giàu protein nhưng chứa hàm lượng cao các axit amin thiết yếu và chất chuyển hóa làm tăng gánh nặng thận. Vì vậy các bác sĩ khuyên bệnh nhân sỏi thận nên ăn ít đậu nành nhưng không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn.
Đậu nành thuộc loại thực phẩm purine cấp trung, người bệnh gout nên tránh ăn các chế phẩm của nó. Nếu bị sỏi thận, sỏi canxi hoặc sỏi axit uric càng cần hạn chế. Bệnh nhân bị sốt thương hàn, viêm tụy cấp tính và phenylketonuria cũng phải hạn chế uống sữa đậu nành hoặc sử dụng với lượng vừa đủ theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
Theo Vnexpress