Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25: Gia tăng kết nối Tây Nguyên-Nam Trung Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 10-7, Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25 đã khởi công xây dựng. Dự án kỳ vọng góp phần mang đến sự cải thiện không nhỏ trong hạ tầng giao thông, gia tăng liên kết giữa các tỉnh Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ.
Giải quyết nhu cầu cấp bách
Quốc lộ 25 dài hơn 180,8 km, bắt đầu từ xã Hòa An (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đến thị trấn Chư Sê, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai dài gần 112 km. Sau nhiều năm khai thác, tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng nhu cầu giao thương cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là đoạn từ thị xã Ayun Pa đến thị trấn Phú Thiện. 
 Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với đại diện chính quyền địa phương và đơn vị thi công dự án. Ảnh: L.H
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với đại diện chính quyền địa phương và đơn vị thi công dự án. Ảnh: L.H

Ông Ksor Nai (buôn Sô Ma Lơng B, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) nhận xét: “Đường nhỏ hẹp, lại hư hỏng nhiều năm rồi nên đi lại khá nguy hiểm. Mình sợ nhất là mùa thu hoạch nông sản, xe tải lớn choán hết lối đi. Vào giờ học sinh đến lớp hay tan trường, mình nhìn các cháu đi bộ hoặc đạp xe đạp mà lo lắng”.

Chị Phạm Thị Thu Nhàn (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cũng chia sẻ, mỗi lần đi lại trên tuyến quốc lộ 25 từ thị trấn Phú Thiện về Ayun Pa, chị rất ngại vì đường hẹp, nhiều đoạn xuống cấp và mật độ xe cộ nhiều. “Ngại nhất những hôm có việc phải đi lại khi trời tối. Xe cộ nhiều, đường hẹp, chưa kể nhiều người tham gia giao thông từ các tuyến đường nhánh cứ thế phóng ra hết sức nguy hiểm”-chị Nhàn nói.

Trước yêu cầu cấp bách đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đây là một trong 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách. Dự án được bố trí nguồn kinh phí trong phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31-7-2018 của Quốc hội. Theo đó, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã phê duyệt đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25. Dự án có tổng mức đầu tư 730,2 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 2 năm (2020-2021).
Quốc lộ 25 đoạn nối từ thị xã Ayun Pa đến thị trấn Phú Thiện hiện đã xuống cấp, năng lực vận tải không đáp ứng tốt nhu cầu. Ảnh: Lê Hòa
Quốc lộ 25 đoạn nối từ thị xã Ayun Pa đến thị trấn Phú Thiện hiện đã xuống cấp, năng lực vận tải không đáp ứng tốt nhu cầu. Ảnh: Lê Hòa
Công trình gồm 3 dự án thành phần, trong đó tại địa bàn tỉnh Gia Lai thuộc Dự án thành phần 3. Dự án thành phần 3 có mức vốn đầu tư 349 tỷ đồng, triển khai trên phạm vi chiều dài 21 km (từ Km 126 thuộc địa phận thị xã Ayun Pa đến Km 147 thuộc địa phận thị trấn Phú Thiện).
Theo thiết kế, đoạn đường được cải tạo, nâng cấp lên quy mô đường cấp III theo tiêu chuẩn TCVN 4054-2005, vận tốc thiết kế 60-80 km/giờ, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Trong đó, các đoạn qua thị trấn, thị xã sẽ có bề rộng nền đường 12 m (2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, lề đất); đoạn ngoài đô thị có bề rộng nền đường 9 m (2 làn xe cơ giới, lề 2 m). Trong phạm vi thi công dự án có 7 cây cầu (xây dựng mới 3 cầu và sửa chữa 4 cầu). Dự án thành phần 3 dự kiến thực hiện trong 2 năm (2020-2021) do Sở GT-VT tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư.
Gia tăng liên kết vùng
Quốc lộ 25 cùng với quốc lộ 19 là hai tuyến giao thông chính kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; đồng thời, là cầu nối trung chuyển giữa đường Hồ Chí Minh và đường Trường Sơn Đông.
Ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở GT-VT-cho biết: “Cùng với các đoạn đã được cải tạo, nâng cấp trước đó, Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25 sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, gia tăng tính kết nối cũng như hạn chế tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ nguyên nhân hạ tầng giao thông không đảm bảo. Đặc biệt, phần lớn địa bàn tuyến đường đi qua là các vùng điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, khi được cải tạo, nâng cấp sẽ không chỉ giúp cải thiện việc đi lại mà còn tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa bàn vùng khó”.
 Đoạn Km 126 là điểm đầu của Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25. Ảnh: L.H
Đoạn Km 126 là điểm đầu của Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25. Ảnh: Lê Hòa
Ông Đoàn Hữu Dũng-Phó Giám đốc Sở GT-VT: “Đối với việc triển khai dự án, Sở GT-VT chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phải thường xuyên bám sát tình hình để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình, tiến độ. Nếu xảy ra trường hợp đơn vị thi công không đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết, sau khi nhắc nhở vẫn không cải thiện thì chúng tôi sẽ xem xét chuyển khối lượng”.

Trao đổi với P.V, ông Trịnh Văn Sang-quyền Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-thông tin: Ngay khi có chủ trương triển khai dự án, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực tổ chức đo đạc, thống kê để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
“Huyện Phú Thiện có 10 xã, thị trấn với khoảng 80.000 dân, trong đó 60% là người dân tộc thiểu số. Huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 9/9 xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Tôi tin rằng, với việc đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 đoạn qua địa bàn huyện sẽ góp phần quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; là nguồn lực quan trọng giúp huyện đạt được mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025”-ông Sang phấn khởi bày tỏ.
Chia sẻ niềm vui khi dự án được triển khai, ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-khẳng định: Mặc dù Dự án thành phần 3 triển khai chỉ có một phần đoạn tuyến thuộc địa phận thị xã Ayun Pa nằm trong phạm vi cải tạo, nâng cấp nhưng cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc giao thương, đi lại, hạn chế tai nạn giao thông bởi đây là tuyến huyết mạch nối liền các huyện, thị xã phía Đông Nam với trung tâm hành chính của tỉnh.
“Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai, Bộ GT-VT và các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư đối với các đoạn còn lại hiện cũng đã xuống cấp để người dân Ayun Pa được hưởng lợi nhiều hơn từ tuyến đường này”-ông Lộc đề cập.
Ngay sau khi được bàn giao mặt bằng, các nhà thầu đã sẵn sàng bắt tay vào triển khai dự án. Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 510 và Công ty TNHH Trung Kiên chịu trách nhiệm thi công gói thầu 3.14, thực hiện xây dựng mới 3 cầu và sửa chữa 4 cầu với tổng vốn 44,5 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã nhận đầy đủ mặt bằng và dự kiến từ ngày 20-7 tới sẽ bắt đầu triển khai thi công”-ông Nguyễn Văn Quảng-Chỉ huy trưởng thi công thuộc Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 510-cho biết.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.