(GLO)- Toàn tỉnh hiện có 164 hợp tác xã (HTX); trong đó có 75 HTX nông nghiệp và 89 HTX phi nông nghiệp. Hoạt động của HTX thu hút 26.084 xã viên, giải quyết việc làm cho 9.026 lao động. Tổng doanh thu từ hoạt động của HTX từ đầu năm đến nay đạt gần 249 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của 75 HTX nông nghiệp chỉ đạt 3,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ quá thấp so với tổng doanh thu gần 249 tỷ đồng đạt được.
Lý giải sự mất cân đối trong doanh thu giữa hai loại hình HTX, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Số lượng HTX nông nghiệp nhiều nhưng có quá ít cán bộ quản lý năng động, mạnh dạn mở rộng loại hình dịch vụ kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp của địa phương. Nói ít là vì thực tế chỉ có HTX Tân Hợp Thành (huyện Krông Pa) gắn hoạt động chế biến với nông dân trồng mì trên địa bàn; HTX Tân An (huyện Đak Pơ) xây dựng mô hình sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; HTX Linh H’Nga (huyện Chư Sê) và Kon Gang (huyện Đak Đoa) đầu tư phát triển cao su tiểu điền...
Hàng mỹ nghệ của HTX Linh H’Nga Chư Sê. |
Sự bứt phá của các HTX trên cũng chỉ là điểm sáng trong thực trạng hầu hết các HTX nông nghiệp chỉ dựa vào dịch vụ dẫn nước vào ruộng; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thú y; làm đất; chăn nuôi gia súc... đã gắn với hoạt động HTX nông nghiệp từ ngày đầu chuyển đổi mô hình hoạt động.
“Sức ỳ” trong hoạt động của các HTX nông nghiệp là điều thấy rõ. Nguyên nhân-theo ông Nguyễn Văn Tiếp-Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-xuất phát từ năng lực của đội ngũ quản lý, điều hành HTX hạn chế; thiếu vốn đầu tư mở rộng quy mô, loại hình dịch vụ sản xuất kinh doanh. Vẫn biết những hạn chế trên tồn tại trong thời gian dài, song không dễ khắc phục.
Với vai trò của mình, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn cho HTX, củng cố các HTX hoạt động kém hiệu quả. Đặc biệt, từ nguồn vốn dự án nâng cao năng lực hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh do Trung tâm phát triển HTX Thụy Điển tài trợ, tỉnh đã mở 8 lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp và chăn nuôi, tín dụng nội bộ, xử lý thông tin...
Giải ngân vốn cho các HTX triển khai mô hình sản xuất lúa giống, cá nước ngọt, ươm giống cây cao su... làm nền tảng để các HTX khác học tập, mở rộng cải thiện hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, quá trình nhân rộng, các HTX không thể xoay được nguồn vốn. Khó khăn trên một phần do nguồn vốn điều lệ các HTX nông nghiệp đăng ký là 44,7 tỷ đồng, nhưng đến nay thực nộp chỉ đạt 17,3 tỷ đồng; trong khi đó việc vay vốn ngân hàng đầu tư lại vấp phải nút thắt về cơ chế. Ông Tiếp nói: Theo Luật HTX thì tài sản của HTX không được chia, không được vay nên dù hầu hết các HTX được cấp đất xây dựng nhà kho, trụ sở nhưng không thể mang đi thế chấp ngân hàng để vay vốn hoạt động.
Về vấn đề con người, ông Tiếp cho rằng năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX nông nghiệp hiện nay hãy còn thấp. Thế nhưng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lại đối diện tình cảnh kinh phí tỉnh cấp cho công tác đào tạo hàng năm phải chuyển sang năm sau. Điển hình, kinh phí đào tạo nâng cao năng lực cán bộ HTX năm 2012 gần 200 triệu đồng, nhưng đến nay chưa mở được lớp đào tạo nào chỉ vì quy định của cơ quan chức năng về mức thù lao đứng lớp cho giảng viên quá thấp.
Theo đó, giảng viên là chuyên viên chính, Phó Giám đốc các sở, ngành truyền đạt kiến thức cho đội ngũ cán bộ công chức được nhận mức thù lao 600.000 đồng/buổi thì đối với HTX con số này tối đa là 250.000 đồng nên khó tìm được người đứng lớp. Tiếp đến, mức hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp tham gia tập huấn là 50% tổng chi phí ăn, ngủ; còn HTX phi nông nghiệp không được hỗ trợ nên đội ngũ cán bộ HTX không mặn mà với việc tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cán bộ quản lý, điều hành hoạt động HTX nặng “tư duy nhiệm kỳ” dẫn đến thiếu chiến lược phát triển HTX dài hạn và bền vững. Và chính những tồn tại trên đã làm cho hoạt động của HTX nông nghiệp không tạo được sự bứt phá trong sản xuất kinh doanh.
Quang Văn