Các hãng xe ô tô điện tăng tốc vào thị trường Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thị trường ô tô điện tại Việt Nam đang được các công ty nghiên cứu đánh giá rất nhiều tiềm năng và nhiều dư địa để phát triển. Nguyên nhân, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam còn mức thấp trong khi năng lượng xanh đang được toàn cầu đẩy mạnh.

Do đó, những người đi sau sẽ chiếm được nhiều lợi thế sở hữu xe ô tô điện ngày càng chất lượng và giá cả bình dân.

Hãng BYD giới thiệu mẫu xe ô tô điện tại thị trường Việt Nam.

Hãng BYD giới thiệu mẫu xe ô tô điện tại thị trường Việt Nam.

Sôi động thị trường xe ô tô điện

Hiện rất nhiều hãng xe ô tô điện của các nước đang “nhòm ngó” Việt Nam, trong đó các hãng xe đến từ Trung Quốc đánh giá Việt Nam rất nhiều tiềm năng để khai thác. Cụ thể, đầu tháng 4/2024, hãng Chery Automobile tuyên bố sẽ là công ty Trung Quốc đầu tiên xây dựng một nhà máy xe điện tại Việt Nam. Nhà máy lắp ráp trị giá 800 triệu USD, liên danh với tập đoàn Geleximco của Việt Nam tại tỉnh Thái Bình, sẽ có công suất sản xuất 200.000 xe mỗi năm sau khi hoàn thành vào quý 1/2026.

Trong khi đó, hãng xe điện đến từ Trung Quốc - BYD đang xây dựng một nhà máy tại Thái Lan trị giá 504 triệu USD để xuất khẩu xe điện sang Việt Nam với mức thuế nhập khẩu 0%, áp dụng cho tất cả các nền kinh tế ASEAN. Song song đó, ngày 15/6, BYD đã chính thức khởi động sự hiện diện ở thị trường Việt Nam bằng sự kiện lái thử 3 dòng sản phẩm chủ lực BYD SEAL, BYD DOLPHIN và BYD ATTO 3. Sự xuất hiện của bộ ba này hứa hẹn mở ra thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng, làm phong phú thêm thị trường xe năng lượng mới cũng như góp phần thúc đẩy lối sống xanh.

Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Việt Nam chia sẻ kế hoạch BYD tại Việt Nam.

Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Việt Nam chia sẻ kế hoạch BYD tại Việt Nam.

Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Việt Nam chia sẻ: “BYD sẽ chính thức bán 3 dòng xe trên tại Việt Nam vào tháng 8 tới đây. Mặc dù việc ra mắt hơi muộn ở Việt Nam nhưng chúng tôi luôn xem đây là thị trường quan trọng, nhiều tiềm năng của BYD ở ngoài Trung Quốc. Đặc biệt, với cam kết của Việt Nam tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các mẫu xe năng lượng mới từ BYD sẽ góp phần mang đến các phương tiện di chuyển xanh, các giải pháp năng lượng sạch, từ đó góp phần hướng đến một tương lai bền vững”.

Năm 2023, doanh số xe BYD đạt mức 3,02 triệu chiếc, tăng 61,9% so với năm 2022. Mức doanh số kỷ lục này giúp BYD trở thành thương hiệu xe NEV có doanh số cao nhất thế giới. Cũng trong năm này, tổng lượng xe xuất khẩu của BYD đạt 242.675 chiếc, tương đương mức tăng trưởng hơn 334% so với năm 2022. Mục tiêu của BYD trong 6 tháng cuối năm 2024 là bán khoảng 5.000 xe, tương đương 900 xe/tháng.

Một cái tên khác từ Trung Quốc cũng nhận được chú ý năm qua là Haval H6 hybrid, được ra mắt thị trường Việt lần đầu tiên với 1 lựa chọn động cơ duy nhất. Trong khi đó, mẫu xe Trung Quốc Wuling Hongguang Mini EV gây nhiều tranh cãi được lắp ráp tại Việt Nam, hiện là ô tô rẻ nhất thị trường khi có giá khởi điểm 239 triệu đồng, bản cao cấp nhất giá 279 triệu đồng.

Dòng xe điện VF9 đang là mẫu mới nhất được VinFast cho ra mắt trong năm 2024. Ảnh: VinFast

Dòng xe điện VF9 đang là mẫu mới nhất được VinFast cho ra mắt trong năm 2024. Ảnh: VinFast

Tuy nhiên, dòng xe ô tô thuần điện đến Việt Nam sớm nhất phải kể tới VinFast. Xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm, năm 2023, VinFast đã xây dựng nhà máy sản xuất xe điện nội địa đầu tiên tại Việt Nam và chính thức hoàn thiện dải sản phẩm xe điện của mình ở nhiều phân khúc, vươn lên chiếm lĩnh vị trí số một thị trường Việt Nam. Nhiều dự đoán rằng, với kế hoạch nâng công suất mỗi năm từ 250.000 xe lên 1 triệu xe, VinFast có thể sau này sẽ trở thành nhà xuất khẩu xe điện hàng đầu sang các nước còn lại trong ASEAN. Hiện nay, các dòng xe ô tô điện mới nhất của hãng này đang được hãng đẩy mạnh bán ra thị trường như: VF5, VF6, VF7, VF8 và VF9.

Phân khúc xe sang của ô tô điện tại Việt Nam cũng sôi động không kém với sự hiện diện của bộ ba đến từ thương hiệu Mercedes Benz gồm: EQB 250, EQE 500 4MATIC và EQS 500 4MATIC. Ngoài ra, thương hiệu BMW cũng gia nhập thị trường với các sản phẩm i7, i4 và iX3. Volvo Việt Nam cũng sẽ chào đón những mẫu xe mới với sự góp mặt của EX30 hoặc C40 Recharge.

Với những dòng ô tô lai điện và xăng (hybrid), nhiều thương hiệu tên tuổi cũng đã có mặt tại Việt Nam như Honda, Toyota, Huyndai… Trong đó, hãng xe Honda vừa mới ra mắt mẫu xe gầm cao cỡ C, CR-V thế hệ mới có thiết kế mới, nhiều công nghệ và tính năng an toàn, lần đầu có bản AWD và hybrid.

Hãng Toyota thì có thêm chiến binh hybrid Toyota Yaris Cross và Toyota Innova Cross. Với động cơ hybrid trên các mẫu xe mới ra mắt, Toyota kỳ vọng mở ra một xu hướng tiêu dùng xanh, văn minh hơn trong nhịp sống hiện đại. Hyundai thì có dòng xe SUV 7 chỗ ngồi SantaFe, được TC Motor bổ sung thêm phiên bản hybrid với mức giá là 1,45 tỉ đồng.

Ngoài ra, Xpander HEV và Xpander Cross HEV cũng đang chiếm sóng tại thị trường xe ô tô điện, góp phần giúp người tiêu dùng cũng có thêm nhiều lựa chọn đa dạng hơn.

Còn rất nhiều dư địa để khai phá

Trong báo cáo mới đây của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC về “Vietnam At A Glance: Câu chuyện xe điện”, các chuyên gia đánh giá những năm gần đây, chuyển dịch năng lượng đã trở thành trọng tâm ở châu Á và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Sự phát triển của các phương tiện chạy điện đang đóng góp vào mục tiêu cân bằng phát thải carbon và thúc đẩy nguồn lực phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn cho Việt Nam. Vì vậy, các chuyên gia dự đoán, xe máy điện sẽ tiên phong trong công cuộc phát triển xe điện của Việt Nam.

Wuling Hongguang Mini EV hiện là ô tô rẻ nhất thị trường khi có giá khởi điểm 239 triệu đồng, bản cao cấp nhất giá 279 triệu đồng. Ảnh: CTV

Wuling Hongguang Mini EV hiện là ô tô rẻ nhất thị trường khi có giá khởi điểm 239 triệu đồng, bản cao cấp nhất giá 279 triệu đồng. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, đến cuối những năm 2030, HSBC kỳ vọng doanh số bán xe máy điện sẽ đi ngang ở Việt Nam khi thị trường xe máy trong nước bão hòa. Ước tính, tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm của Việt Nam có thể tăng từ dưới một triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036.

Còn theo BMI Research, sản lượng tiêu thụ xe điện trong ngành ô tô tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép tới 26% trong giai đoạn 2023 - 2032, tương đương với sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt 65.000 xe vào năm 2032. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam thì dự đoán, đến năm 2040, Việt Nam sẽ có 3,5 triệu ô tô điện lăn bánh trên đường.

Với những dự đoán và kỳ vọng trên cho thấy, dư địa phát triển xe ô tô điện tại thị trường Việt Nam rất lớn. Nguyên nhân Việt Nam có hơn 100 triệu dân, chủ yếu là dân số trẻ nên thị trường xe ô tô điện sẽ được người dùng trẻ quan tâm và đón nhận, đặc biệt là các công nghệ mới và ý thức bảo vệ môi trường vì một tương lai bền vững. Tuy nhiên, để thị trường ô tô điện Việt Nam bùng nổ và xanh hóa ngành ô tô trong tương lai, điều này còn phụ thuộc vào việc sản xuất pin điện và các trạm sạc điện.

Theo nhận định của SSI Research, điểm yếu của xe điện tại Việt Nam chính là ngoài vấn đề giá cả thì thiếu phạm vi hoạt động trong 1 lần sạc, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc và thiếu trung tâm sửa chữa dịch vụ. Chính vì vậy, trong nửa đầu năm 2024, thị trường xe ô tô điện vẫn khó khăn do người mua có tâm lý chờ đợi các mẫu xe mới và chờ phản hồi thực chất của những người “tiên phong” mua xe ô tô điện.

Để có thể tạo niềm tin và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, công ty mẹ VinFast đã hợp tác với công ty Gotion High-Tech của Trung Quốc để phát triển một số loại pin LFP (Lithium sắt phốt phát) và xây dựng hai nhà máy sản xuất pin lithium ở tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến khánh thành vào quý 3/2024. Mới đây, công ty TMT Motors của Việt Nam công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược với liên doanh GM và SAIC-Wuling để sản xuất và phân phối xe điện mang thương hiệu Wuling ở Việt Nam.

Thế nhưng, theo bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC ước tính, chỉ riêng lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới theo dự báo sẽ cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư và 14 tWh năng lượng cộng dồn trong giai đoạn 2024 - 2040. Với sự đầu tư lớn và tiêu tốn năng lượng, việc tận dụng các trạm sạc điện lẫn nhau là bài toán nhiều hãng ô tô điện hướng đến.

Việc tận dụng các trạm sạc điện lẫn nhau là bài toán nhiều hãng ô tô điện hướng đến.

Việc tận dụng các trạm sạc điện lẫn nhau là bài toán nhiều hãng ô tô điện hướng đến.

Chính vì vậy, khi hãng BYD vào Việt Nam đã không đặt nặng vấn đề xây dựng các trạm sạc mà mục tiêu là nâng cao trải nghiệm chất lượng xe ô tô điện. Ông Võ Minh Lực cho biết, hãng sẽ bán kèm thêm thiết bị sạc cầm tay, bộ sạc treo tường 7 kW, thiết bị chuyển đổi nguồn điện (tất cả đều là sản phẩm chính hãng của BYD) khi khách hàng mua xe ô tô điện. Tuy nhiên, nếu khách hàng đặt cọc mua trước khi xe điện bán chính thức tại Việt Nam sẽ được tặng ngay bộ 3 trên. Bên cạnh đó, hãng xe này sẽ tận dụng các trạm sạc đang và sẽ có tại Việt Nam để sạc điện.

Có thể nói, hành trình của Việt Nam trong việc chuyển đổi thành công của xe điện mặc dù đầy hứa hẹn nhưng vẫn đối mặt với một số thách thức cần được giải quyết. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, giảm giá thành xe ô tô điện, từ đó kích thích việc chuyển đổi từ xe xăng qua xe điện, dần dần xanh hóa ngành ô tô tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

Tới thời của xe 'xanh'

Tới thời của xe 'xanh'

Ứng dụng công nghệ xanh là xu hướng tất yếu, buộc các hãng xe bảo thủ như Subaru, Honda... cũng phải nhanh chóng chuyển đổi.

36.585 xe ô tô được bán ra trong tháng 9

36.585 xe ô tô được bán ra trong tháng 9

(GLO)- Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 9-2024, tổng doanh số ô tô của các đơn vị thành viên bán ra thị trường Việt Nam đạt 36.585 xe (tăng 45% so với tháng 8-2024).