(GLO)- Công ty TNHH Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai đang quản lý, khai thác 32 công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho gần 25.000 ha cây trồng. Diện tích trong vùng tưới của các công trình thủy lợi do Công ty quản lý, khai thác hiện chiếm hơn 50% tổng diện tích trong vùng tưới của 331 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Xuất phát từ thực tế trên nên mục tiêu khai thác tối đa năng lực tưới thiết kế hồ chứa, đập dâng, trạm bơm để mở rộng vùng tưới gắn với việc đảm bảo an toàn công trình, nhất là mùa mưa bão luôn được Công ty chú trọng đúng mức.
Thực hiện đồng bộ 2 nhiệm vụ quan trọng trên trong điều kiện nguồn vốn duy tu, sửa chữa vừa và nhỏ năm 2012 cân đối từ nguồn thu thủy lợi phí để lại chỉ có 1,6 tỷ đồng là việc khó. Trước thực trạng đó, Công ty xác định rõ mục tiêu sử dụng nguồn vốn 1,6 tỷ đồng đầu tư duy tu, sửa chữa công trình theo hướng hạng mục nào cấp thiết làm trước, ít cấp thiết hơn làm sau.
Hồ chứa Ia Mláh huyện Krông Pa. Ảnh: Đức Phương |
Đến nay, Công ty đã tiến hành sửa chữa 60 mét kênh mương bị sạt lở hoàn toàn tại công trình thủy lợi Hà Ra Nam và 300 mét kênh mương bị bồi lấp gây ách tắc dòng chảy tại công trình thủy lợi Hà Ra Bắc (huyện Mang Yang). Xây dựng tràn tải nước tại công trình hồ chứa nước Biển Hồ đảm bảo yêu cầu thoát nước trong mùa mưa lũ và duy tu, sửa chữa nhiều hạng mục không đảm bảo độ an toàn trên toàn hệ thống công trình đơn vị quản lý, khai thác. Tận dụng tối đa nguồn thu từ việc cung cấp nước cho các nhà máy đường, nhà máy chế biến cao su hoạt động khoảng 500 triệu đồng tăng vốn đầu tư duy tu, sửa chữa công trình.
Huy động toàn bộ lực lượng công nhân ra quân nạo vét, phát dọn hệ thống kênh mương để khơi thông dòng chảy, hạn chế tối thiểu tình trạng thất thoát nước và đảm bảo an toàn hệ thống kênh mương trong mùa mưa lũ. Ước tính, tổng giá trị quy đổi từ ngày công lao động thực hiện phần việc này thành tiền gần 1 tỷ đồng. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, đến nay tổng nguồn vốn Công ty TNHH Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai đầu tư duy tu, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi do đơn vị quản lý lên đến 3,1 tỷ đồng.
Cùng với đầu tư duy tu, sửa chữa, công tác xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa, đập dâng và trạm bơm trong mùa mưa bão năm 2012 cũng được chủ động thực hiện. Trước mùa mưa, Ban Chỉ huy Phòng-chống lụt bão Công ty, các phòng chuyên môn, xí nghiệp trực thuộc tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình; vật tư, thiết bị đáp ứng yêu cầu ứng phó với bão lụt.
Bên cạnh đó, Công ty tổ chức diễn tập phòng-chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn; nâng cao kỹ năng vận hành thiết bị và thao tác xử lý sự cố; hoàn thành việc xây dựng quy trình vận hành điều tiết và quy trình kỹ thuật quản lý vận hành cho toàn bộ công trình đang quản lý, khai thác; tăng cường công tác bảo vệ, ngăn ngừa nguy cơ gây hư hại công trình.
Trên cơ sở dự lường tác động bão lụt, Công ty bố trí vật liệu, phương tiện, huy động lực lượng tham gia phòng-chống bão lụt cho từng công trình phù hợp cục diện diễn biến của thời tiết. Đối với các công trình lớn, đơn vị đã bố trí đủ cơ số nguyên-vật liệu, phương tiện đi lại, áo phao, đá hộc, rọ thép, pa lăng xích 5 tấn, đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng toàn bộ lực lượng cán bộ, công nhân đang làm việc tại các công trình giữ vai trò nòng cốt xử lý kịp thời hệ quả tác động bão lụt gây ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, đơn vị thành lập các tổ thông tin cảnh giới, vận hành tràn xả lũ, cứu hộ-cứu nạn, quan trắc, hậu cần, xử lý sự cố, vận chuyển vật tư, đặc biệt là lên kế hoạch sẵn sàng di dời các hộ dân vùng trũng, vùng dễ ngập, ven sông, suối đến nơi an toàn...
Quang Văn