Ý kiến chỉ đạo trên đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đưa ra khi kết luận Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, chiều 10-2.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị |
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 8 điểm cần lưu ý, trong đó nêu rõ đây là sự kiện trọng đại của năm 2011, đặt ra những yêu cầu mới, do đó tinh thần phải thật sự cầu thị, lắng nghe, triển khai sớm, kịp thời điều chỉnh những vấn đề nảy sinh, quán triệt các nội dung đặc thù của cuộc bầu cử.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, kinh nghiệm của nhiều cuộc bầu cử cho thấy yếu tố quan trọng là phải nắm rất chắc những quy định của luật pháp, văn bản hướng dẫn của Trung ương, các quy chế, quy trình... Do vậy, cần nghiên cứu kỹ qua thực tiễn để phát hiện những vấn đề đặt ra, các điểm chưa hợp lý để xây dựng các văn bản hướng dẫn, đề xuất những điểm cần sửa. Các cơ quan cũng cần sớm trao đổi, thảo luận, khẩn trương sửa các văn bản, đồng thời rà kỹ lại toàn bộ các nội dung để đảm bảo phù hợp với luật pháp.
Quang cảnh Hội nghị. |
Sau hội nghị này, theo đúng quy trình, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần sớm hình thành các tổ chức chỉ đạo bầu cử như Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử... đảm bảo hoạt động thiết thực và hiệu quả.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý , cần làm tốt công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử, làm cho nhân dân, cử tri hiểu rõ yêu cầu, tính chất của cuộc bầu cử thật sự là ngày hội, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự..
Cũng trong buổi làm việc chiều 10-2, các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan tới cuộc bầu cử sắp tới.
Theo đó, lịch trình thời gian và các công việc phải thực hiện trong cuộc bầu cử, các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ diễn ra lần lượt trong các ngày: 26-2; 20-3 đến 23-3; 13-4 đến 17-4.
Ngày 17-4, danh sách chính thức người được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ được lập.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số đại biểu của mỗi đơn vị được tính căn cứ theo số dân của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước vào ngày 13-3.
Thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ của những người ứng cử và tự ứng cử đại biểu Quốc hội vào 17 giờ ngày 18-3. Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử được thực hiện từ ngày 24-3 đến 31-3.
Ngày 12-4, tiến hành xong việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân toàn quốc được ấn định vào 22-5, với thể thức bỏ phiếu. Tổ bầu cử có thể quyết định thời gian bắt đầu và kết thúc bỏ phiếu nhưng không được trước 5 giờ sáng và quá 10 giờ đêm...