(GLO)- Ngày 9-12, tại trang trại hoa lan bên hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), Công ty TNHH Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng độc quyền sáng chế của Cục Sở hữu Trí tuệ cấp cho công trình “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô”. Sự kiện này có thể xem là một bước tiến dài, một bước tiến hết sức quan trọng của một cơ sở nuôi trồng hoa lan do một nhà sư làm chủ-nhà sư Thích Huệ Đăng (thế danh Nguyễn Văn Sáu, sinh năm 1940).
Cách nay khoảng 10 năm, cơ sở sản xuất hoa lan Đà Lạt của nhà sư Thích Huệ Đăng đã khá nổi tiếng với “vườn lan Thanh Quang” ở 26/6 đường Tô Hiến Thành, Đà Lạt và cả trang trại hoa lan hồ Tuyền Lâm của Công ty TNHH Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang. Đến khoảng 5 năm trở lại đây, nhà sư Thích Huệ Đăng tiếp tục thành công trong việc nghiên cứu nhân giống sâm Ngọc Linh và trồng thành công ở Đà Lạt và một số nơi thuộc miền núi phía Bắc.
Nhà sư Thích Huệ Đăng với những cây sâm nhân giống vô tính. Ảnh: K.D |
Hành trình tìm cây giống đưa về phòng thí nghiệm
Nhà sư Thích Huệ Đăng kể lại: “Ấy là năm 2008, khi biết được trên đỉnh núi Ngọc Linh vẫn đang tồn tại những cá thể sâm Ngọc Linh, tôi cùng một vài cộng sự và đệ tử đã lên đường đến tận nơi với hy vọng di thực giống cây này về trồng ở Đà Lạt. Hành trình đi tìm cây giống ngày ấy thật gian nan, nhưng mừng là đã thành công…”. Nói rằng “đi Ngọc Linh” cứ tưởng dễ nhưng sự thực thì không phải thế. Bởi lẽ, đó là cả một liên sơn chứ không phải một đỉnh núi; hơn nữa, cây sâm Ngọc Linh chỉ phân bố hẹp ở một vùng có độ cao đến trên 2.500 mét thuộc khối núi này.
“Trong chuyến đi ấy, vì tuổi đã cao và sức yếu, tôi không dưới một lần bị ngất xỉu. May mà có các cộng sự và các đệ tử bên cạnh…”-thầy Thích Huệ Đăng nói thêm. Mặc dù phải nếm trải không ít gian nan trên hành trình lên đỉnh Ngọc Linh nhưng khi nhìn thấy những cây giống của loại “thần dược” này, nhà sư gần như quỳ xuống để phát tâm nguyện: Đưa bằng được cây sâm Ngọc Linh vào phòng thí nghiệm và nhân giống nhằm tạo ra nguồn dược liệu dồi dào cho mọi người.
Chuyến đi khá trắc trở nhưng đã thành công như ước nguyện của vị sư già với kết quả là 10 cây giống được di thực về miền đất mới Đà Lạt-Lâm Đồng. Nhưng từng ấy vẫn chưa đủ, tiếp đến, năm sau đó (2009), nhà sư Thích Huệ Đăng lại tiếp tục khăn gói lên đường đến với Ngọc Linh liên sơn thuộc vùng Quảng Nam tìm thêm 100 cây giống đem về Đà Lạt.
Có thể nói, bắt đầu từ đây, công cuộc nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh của nhà sư Thích Huệ Đăng và các cộng sự được bắt đầu triển khai với một quyết tâm cao. Cùng với việc di thực giống sâm Ngọc Linh từ núi Ngọc Linh (Kon Tum-Quảng Nam) về Đà Lạt (Lâm Đồng), đích thân nhà sư Thích Huệ Đăng còn cất công sang tận Hàn Quốc để tìm hiểu, nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống giống cây này bằng nhiều phương pháp.
“Và cuối cùng, tôi đã chọn phương pháp nhân giống vô tính cho cây Ngọc Linh”- thầy Huệ Đăng nói. Nhưng, không phải chỉ nói suông rằng “nhân giống” là có thể… nhân giống mà để làm được điều này, nhà sư Thích Huệ Đăng đã phải huy động trí lực của khá nhiều người cùng với việc bỏ ra hàng tỷ đồng để lập phòng thí nghiệm và nuôi cấy mô. Và rồi kết quả thật bất ngờ: Sau nhiều năm nghiên cứu, Công ty TNHH Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang đã thành công trong việc nhân giống hàng loạt và trồng thử nghiệm thành công (tỷ lệ cây sống đạt khá cao-khoảng 60%) cây sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt.
Thành công nối tiếp thành công
Nhà sư Thích Huệ Đăng phát biểu như “tuyên ngôn”: “Hành đạo mà chẳng giúp gì được cho đời thì vô nghĩa. Hành đạo không thể xa rời thực tế. Bởi vì đạo Phật là của con người, từ chân tâm của con người phát ra. Bởi vậy, muốn hiện thực được đạo thì phải từ nơi con người tự chứng…”.
Với phương châm này, ngay từ những ngày đầu lên Đà Lạt sinh sống (nhà sư được sinh tại Sài Gòn, xuất gia tại Đồng Nai, thọ giới Sadi ở núi Cấm-Châu Đốc-An Giang), Thượng tọa Thích Huệ Đăng đã lấy cây hoa lan để “sinh sống”: Từng chở cả xe tải chậu hoa lan xuống TP. Hồ Chí Minh để triển lãm và bán lấy tiền. Có tiền, lại tiếp tục đầu tư trồng hoa lan và in sách! Con số 100.000 chậu hoa lan hầu hết thuộc bảng A của nhà sư tại vườn lan Thanh Quang ở hồ Tuyền Lâm là con số khiến không ít người thuộc giới kinh doanh lan ở Đà Lạt… giật mình và thán phục.
Hơn thế, cách nay gần 10 năm, một nghiên cứu tuy không lớn nhưng có một ý nghĩa hết sức quan trọng của vị sư già này đã được ghi nhận: Thay thế giá thể trồng hoa lan từ cây dớn (lấy trong rừng) bằng vỏ cà phê-một thứ phế thải gây ô nhiễm môi trường. Như một sự lý giải, nhà sư Thích Huệ Đăng phát biểu: “Tình đời nóng lạnh để trừng tâm. Gió sương bên đường để hiểu tâm. Điều quan trọng là làm ra đồng tiền có đúng tâm và sử dụng đồng tiền đó có mất tâm hay không!”.
Như trên đã đề cập, nhà sư Thích Huệ Đăng không những thành công trên lĩnh vực hoa lan mà gần đây, ông còn là một trong những người được ghi nhận là có công lớn trong việc nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh ở Việt Nam; đặc biệt là việc di thực giống cây này từ Ngọc Linh về Đà Lạt. Cũng có thể kể ra đây một vài “công trạng” của Công ty TNHH Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang: Đến cuối năm 2010 đã sản xuất hơn 50.000 cây giống sâm Ngọc Linh; trong số đó có một phần được “chở ngược” về Kon Tum-quê hương của sâm Ngọc Linh-để cung cấp cho một công ty chuyên trồng sâm Ngọc Linh.
Chưa hết, một lượng cây giống cũng được đưa ra Quảng Nam (cũng là quê hương của sâm Ngọc Linh) để cung cấp cho nhiều hộ dân (vì tại Quảng Nam, tuy vẫn có đơn vị cung cấp cây giống nhưng đó là cây giống ươm bằng hạt nên tỷ lệ cây sống là rất thấp, khác với cây giống được sản xuất bằng nuôi cấy mô của Thanh Quang). “Đến tháng 12-2012 này, vườn sâm Ngọc Linh của Thanh Quang chúng tôi đã có cả hàng triệu cây giống!”-nhà sư không giấu.
“Tôi muốn ngày càng có nhiều người “sở hữu” những dược phẩm được bào chế từ sâm Ngọc Linh. Và điều đó chỉ có được khi cây sâm Ngọc Linh trở nên phổ biến chứ không phải là thứ “thần dược” như trong lúc này”-nhà sư Thích Huệ Đăng đã nói như vậy bên lề buổi lễ đón nhận bằng độc quyền sáng chế “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô” do Công ty TNHH Xuất khẩu hoa lan Thanh Quang tổ chức vào sáng 9-12 tại vườn hoa lan Thanh Quang bên hồ Tuyền Lâm-Đà Lạt.
Khắc Dũng