(GLO)- Tại xã Hòa Phú (huyện Chư Pah), nhiều cá nhân thản nhiên xây nhà, tường rào, tập kết máy móc, nhân công để khai thác cát trái phép. Hậu quả là cuộc sống và sản xuất của nhiều hộ dân địa phương bị đảo lộn, nhiều diện tích cây cối, hoa màu bị băm nát, cuốn trôi xuống suối...
Trải dài theo suối Ia Doal (thôn 2, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah) có đến 4 xưởng cát của 4 ông chủ phân chia “lãnh thổ” ngày đêm khai thác hết tốc lực. Mỗi bến bãi đều có bãi đất “tập kết” từng đống cát khổng lồ để bán dần.
Ảnh: Trần Đức |
Lần theo tiếng máy nổ rền xuống dòng suối chúng tôi dễ dàng bắt gặp bãi cát thứ nhất, 2 nhân công đang miệt mài xúc cát lên xe tải. Từ dưới lòng suối, máy hút cát nổ ầm ầm, mấy cái vòi rồng vươn lên phun cát và nước liên hồi chất thành từng đống to. Nhân công xúc đến đâu cát dưới suối lại được vòi rồng hút lên đến đó. Có lẽ phải đến ngàn mét khối cát đã được tập kết sẵn để chờ xe tải đến chở đi. Chủ bãi cát này là ông Nguyễn Văn Tâm, sống ở tỉnh Kon Tum. Để phục vụ cho hoạt động khai thác cát, chủ cơ sở này đã cho xây dựng ngôi nhà xi măng cốt thép cho nhân công ăn ở và tập kết máy móc, xăng dầu.
Cách bãi đầu tiên chưa đầy 2 km là bãi thứ hai do ông Vương Nhất Thắng làm chủ. Giữa bãi là một căn nhà tạm được dựng sẵn, xung quanh cây cối ngã rạp, đất đai sạt lở vì ông chủ ở đây dùng máy Kobelco đào cát, xịt vòi rồng thẳng vào vách núi hút cát. Nhiều đống cát cao như núi mọc lên càng nhiều. Đã có một số vườn cao su của các hộ dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát bị thu hẹp từng ngày.
Nghiêm trọng hơn là bãi cát thứ ba do ông Nguyễn Ngọc Tuấn sở hữu cũng ở dưới suối Ia Doal. Bãi cát ở đây như một “công trường” được hình thành từ hai bãi cát to gộp lại. Nhiều máy hút cát, vòi rồng, dây nhợ vươn xa từ lòng suối tha hồ hút cát. Những thửa ruộng xung quanh bị bồi lấp nham nhở, cháy khô khốc vì bị chặn dòng, thiếu nước tưới.
Ông L.T.B.-người dân thôn 2, than thở: Những bãi cát đã làm sạt lở hơn 2.000 m2 đất rẫy của gia đình, nhiều hộ dân khác cũng chung số phận. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền chỉ hứa suông. Thấy chính quyền không giải quyết, người dân cũng không dám lên tiếng vì sợ “cát tặc” trả thù.
Hoạt động rầm rộ, quy mô lớn hơn cả là bến bãi của ông Nguyễn Văn Phương (tên thường gọi là Tý). Thời điểm P.V xâm nhập, máy hút cát nổ ầm ầm, các ống vòi rồng đua nhau “đục khoét” suối Ia Doal. Những đống cát vừa hút lên ướt đẫm nước, cạnh chiếc xe tải đợi sẵn chờ cát được bốc lên đưa đi tiêu thụ. Quanh ngôi nhà, những vòi rồng, máy hút cát, máy nổ cũ chất thành từng đống.
Ông H.B. (trú thôn 2, xã Hòa Phú) cho hay, nước từ suối Ia Doal sau khi tưới vườn cà phê thì đọng lại ở gốc cây một lớp đất sét. Bón phân cây không hấp thụ được, tưới cũng chết mà không tưới cũng chết. “Vườn cà phê, cao su héo queo quắt, ruộng lúa phải bỏ hoang bởi nạn “cát tặc”, thiệt hại vô cùng lớn”-ông H.B. nói.
Tại bãi cát thôn 3 (thị trấn Phú Hòa), cách quốc lộ 14 chừng 150 mét, ông chủ tên Thương khẳng định, ai muốn mua bao nhiêu, lúc nào cũng có. Đồng thời không quên cho P.V số điện thoại để dễ liên lạc và giới thiệu cho những ai có nhu cầu.
Trên địa bàn có tình trạng khai thác cát trái phép-đó là khẳng định của ông Lê Xuân Dũng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pah. Ông Dũng cho rằng: “cát lậu” xuất hiện nhiều vì Phòng Tài nguyên và Môi trường không đủ cán bộ để theo dõi địa bàn. Trong khi đó, ông Hồ Mậu Long-Trưởng phòng Tài nguyên-Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, huyện nào để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép thì Chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm, bị xử lý.
Những “công trường” cát mà P.V xâm nhập đều hoạt động 4-5 năm nay, mặc dù UBND tỉnh đã nghiêm cấm khai thác cát trái phép. Chúng tôi nhận thấy ở nhiều nơi, các chủ bãi cát hoạt động trái phép thường thản nhiên xây tường gạch xung quanh để hạn chế tầm nhìn của người ngoài và làm bãi tập kết phục vụ khai thác cát.
Trần Đức