(GLO)- Ra đời trong điều kiện khó khăn của đất nước những năm sau giải phóng, 35 năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai không ngừng nỗ lực vượt khó, tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo được xã hội đánh giá cao.
Trưởng thành trong gian khó
Được điều động về Hội CTĐ tỉnh từ năm 2004, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh-bác sĩ Ksor H’Nhan cho biết, khi ấy công tác Hội đã được những người tiền nhiệm nỗ lực gầy dựng, phát triển nên có nhiều thuận lợi. “Khi ấy, Hội CTĐ được lãnh đạo tỉnh, Trung ương Hội CTĐ dành nhiều sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để hoạt động. So với các tỉnh bạn trong khu vực, chúng tôi có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ hơn. Thế hệ đi trước đã gánh vác phần lớn những khó khăn, gian khổ, đến lượt chúng tôi được thừa kế những thành quả để phát triển các hoạt động nhân đạo”-bà Ksor H’Nhan kể.
Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh- bàKsor H’Nhan tặng quà cho người nghèo-đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Hội CTĐ. Ảnh: H.N |
Tuy được thừa kế từ thế hệ đi trước nền móng vững vàng, nhưng theo bà H’Nhan, khó khăn cũng không ít khi hoạt động nhân đạo không ngừng đòi hỏi sự đổi mới để theo kịp sự phát triển của xã hội. Bà H’Nhan nhớ lại: “Khi tôi về Hội, cơ quan chỉ vỏn vẹn 6 biên chế, duy nhất một người biết sử dụng thành thạo vi tính.
Các hoạt động của Hội còn khá đơn điệu, chủ yếu thực hiện các dự án của Trung ương Hội như giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và bệnh nhân phong. Bản thân tôi xuất phát từ ngành Y, khi về Hội cũng chỉ có khái niệm là Hội CTĐ làm công tác nhân đạo, còn làm những gì và làm như thế nào thì hoàn toàn mù mờ. Tài liệu về hoạt động Hội CTĐ khi ấy cũng chỉ có duy nhất một cuốn đã cũ, xuất bản từ những năm 80 thế kỷ trước”.
Bà H’Nhan đúc kết: “Hiểu về hoạt động nhân đạo rồi mới thấy làm tốt công tác nhân đạo là thử thách không nhỏ, nhưng đây cũng là công việc đầy ý nghĩa, giúp ích rất lớn cho cộng đồng, cho mọi đối tượng không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc”.
Từ chỗ chỉ thực hiện những hoạt động, dự án phân bổ từ Trung ương, Hội CTĐ tỉnh đã chủ động triển khai thêm nhiều hoạt động mới: thành lập được Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh, tổ chức thường niên chương trình “Tết cho người nghèo”, “Mùa xuân cho em”, xây nhà “Chữ thập đỏ” cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, xây phòng học, làm các công trình nước sạch ở vùng sâu, vùng xa…
Bên cạnh đó, Hội CTĐ đồng thời cũng đánh giá, mở rộng, phân loại đối tượng, tìm hiểu nhu cầu cụ thể để có sự giúp đỡ đúng và trúng. So với những ngày đầu, đối tượng nhân đạo mở rộng không giới hạn: người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trẻ mồ côi, nạn nhân thiên tai thảm họa… Bà H’Nhan cho biết: “Với từng đối tượng, chúng tôi luôn có cách giúp đỡ thực tế.
Chẳng hạn với bệnh nhân phong, ngoài việc giúp đỡ vật chất, chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với ngành Y tế phục hồi chức năng để họ có thể tự lao động, vươn lên trong cuộc sống. Song song với đó là cấp bò, cấp giống tiêu để họ có thể tự lực trong vấn đề kinh tế. Đối với trẻ em nghèo hiếu học, chúng tôi vận động các tổ chức, cá nhân tặng học bổng, sổ tiết kiệm giúp các em có điều kiện đến trường. Đối với nạn nhân của thảm họa như bão lũ, lốc xoáy, chúng tôi có hoạt động cứu trợ khẩn cấp, giúp họ làm lại nhà, hỗ trợ vốn để tái sản xuất, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh…”.
4 “T” trong hoạt động nhân đạo
Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh đúc kết: “Người làm công tác nhân đạo nhất thiết cần 4 “T”, đó là tâm huyết, trí tuệ, tình cảm và tiền. Cái tâm của người hoạt động trong lĩnh vực này chính là không ngại khó, làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ người kém may mắn một cách nhanh chóng, kịp thời, tạo được niềm tin nơi người được giúp đỡ. Trí tuệ chính là đánh giá và dự báo được đối tượng của công tác nhân đạo để có thể cứu trợ kịp thời”.
Nói về tình cảm của người hoạt động nhân đạo, bà H’Nhan luôn tâm niệm: “Không thiên về hình thức, tránh thái độ ban ơn” theo lời khuyên dạy của Bác. Của cho không bằng cách cho, cho làm sao để người được cho thấy được động viên, được chia sẻ để cố gắng vươn lên, đó chính là tình cảm nhân đạo.
Đồng hành cùng các hoạt động nhân đạo của Hội trong những năm qua, có sự góp sức của nhiều nhà hảo tâm. Theo bà H’Nhan, sự ủng hộ nhiệt tâm, gắn bó của các nhà hảo tâm vô cùng quan trọng để các hoạt động nhân đạo có sự phát triển rộng khắp và đến được với nhiều đối tượng cần giúp đỡ hơn. Điều này cũng cho thấy các hoạt động ý nghĩa của Hội được nhiều người biết đến và được cộng đồng xã hội đánh giá cao.
Hoàng Ngọc