Phát biểu tại buổi họp báo ngày 8-3 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định mức tăng giá xăng, dầu lần này là mức điều chỉnh hợp lý và đã được tính toán kỹ.
Trước một số ý kiến cho rằng mức điều chỉnh giá xăng, dầu vừa rồi quá cao, thậm chí khi xăng, dầu đạt đỉnh điểm 138 USD/thùng năm ngoái, mức giá cũng không cao như hiện tại, Thứ trưởng Mai khẳng định mức giá 138 USD/thùng kia chỉ mang tính thời điểm.
Thứ trưởng Mai cung cấp thêm thông tin mức giá bình quân 30 ngày thời điểm đó chỉ là 118,7 USD/thùng. Trong khi hiện tại, giá xăng, dầu thành phẩm ở thị trường thế giới đã lên tới 130 USD/thùng.
“Đợt tăng này đã xem xét dựa tính trên giá cơ sở 30 ngày. Nhà nước đã chia sẻ với người dân khi giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu về 0%, quỹ bình ổn giá thời điểm hiện tại cũng không còn nên cần phải điều chỉnh phù hợp”, bà Mai nói.
Về nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thứ trưởng Mai cho biết, hiện nay năng lực sản xuất của nhà máy này chỉ đảm bảo được 30% nhu cầu trong nước.
“Sản lượng này chỉ góp phần ổn định lượng cung còn giá thì phải đảm bảo theo thị trường, theo thế giới”, bà Mai nói.
Trả lời cho lo ngại của nhiều người cho rằng, mức tăng quá cao của giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng lớn mức mặt bằng giá cả chung, Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp kiểm soát để tránh tình trạng "té nước theo mưa".
Theo tính toán của tổ điều hành liên Bộ, lần tăng giá này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng cả năm nay khoảng 0,85%; trong đó tác động trực tiếp là 0,24% và tác động gián tiếp là 0,61%
Ông Thỏa lấy ví dụ về ngành vận tải: chi phí cho xăng, dầu chiếm khoảng 40% toàn bộ chi phí vận tải. Như thế, tính ra, với mức giá xăng, dầu tăng khoảng 7,3% như vừa rồi, giá cước vận tải chỉ được tăng khoảng 3%.
“Các doanh nghiệp vận tải không thể áp dụng mức tăng xăng, dầu để đẩy cước vận tải lên tương đương. Những vấn đề như thế phải kiểm tra chặt chẽ để tránh tình trạng lan tỏa trong xã hội”, ông Thỏa nói.
Theo TTXVN