Bộ GTVT kiến nghị 2 dự án cao tốc Bắc-Nam chuyển sang đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam không lựa chọn được nhà đầu tư theo hình thức đối tác công-tư gồm Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu đã được kiến nghị chuyển sang dùng vốn đầu tư công.

Huy động máy móc triển khai thi công đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Huy động máy móc triển khai thi công đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua nội dung dự thảo báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.
Theo đó, 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư sau đấu thầu theo hình thức đối tác công-tư (PPP) gồm Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu.
Theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, việc chuyển đổi phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với hai dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu không chọn được nhà đầu tư hiện nay rất cấp thiết bởi khi chuyển sang đầu tư công, hai dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi đó, đến nay, cả hai dự án đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt khoảng 92%.
Mặt khác, khi chuyển đổi sang đầu tư công, hai dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.
Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn Nhà nước. Dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài, cơ chế này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.
Đề cập đến phương án chuyển đổi, dự thảo báo cáo nêu rõ: Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi từ đầu tư PPP sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước đối với 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu; trong đó mục tiêu đầu tư, phạm vi, quy mô đầu tư của dự án không thay đổi, không tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52/2017.
Về nguồn vốn đầu tư, hai dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn (tổng mức đầu tư 5.201 tỷ đồng) và Nghi Sơn-Diễn Châu (tổng mức đầu tư 7.300 tỷ đồng) khi chuyển sang đầu tư công sẽ sử dụng nguồn vốn Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tại Nghị quyết 52/2017 và Nghị quyết 117/2020.
Cụ thể, tổng nguồn vốn Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án cao tốc Bắc-Nam là 78.461 tỷ đồng gồm 55.000 tỷ đồng (Nghị quyết 52/2017) và 23.461 tỷ đồng (Nghị quyết 117/2020).
Kết quả rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư toàn bộ 11 dự án thành phần đến thời điểm hiện nay là 89.201 tỷ đồng gồm Nguồn vốn Nhà nước (77.940 tỷ đồng) và nguồn vốn nhà đầu tư huy động để triển khai 3 dự án thành phần tiếp tục đầu tư theo phương thức PPP (11.261 tỷ đồng)./.
Theo dự thảo, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư có 6 dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước (Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu giây) và 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP (Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo).
Đến nay, cả 6 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công đều đã được triển khai xây dựng; trong đó hai dự án Cam Lộ-La Sơn và Cao Bồ-Mai Sơn khởi công từ cuối năm 2019, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2021; dự án cầu Mỹ Thuận 2 khởi công đầu năm 2020, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Còn lại, 3 dự án đầu tư công khác gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây đã khởi công đồng loạt từ 30/9/2020, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2022.
Đối với 5 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP, trải qua hơn một năm tổ chức sơ tuyển và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (cả đấu thầu quốc tế và trong nước) từ tháng 5/2019 đến nay có 3 dự án có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật (Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo) và đang được bên mời thầu đánh giá về đề xuất tài chính thương mại, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.
Còn lại, 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư sau đấu thầu gồm Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu.
Việt Hùng (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.