Điểm sáng Chàng Riệc
Tân Lập là xã biên giới nằm phía Tây Bắc huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), có đường biên giới dài 32,2km với 14 mốc chính, 51 mốc phụ và 16 cột dấu đặc trưng. Không những là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, mà Tân Lập còn có 2 cửa khẩu giao thương là Cửa khẩu quốc tế Xa Mát và Cửa khẩu Chàng Riệc. Dân số của xã là 3.080 hộ/10.922 nhân khẩu, được chia thành 5 ấp, trong đó có 2 ấp giáp biên giới với 7 dân tộc, chủ yếu là Kinh, Nùng, Thái, Hoa, Mường, Khmer và Tày.
Năm 2010, UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt đầu tư dự án Khu dân cư (KDC) Chàng Riệc, giáp biên giới Vương quốc Campuchia, tổng diện tích 643ha với 500 căn nhà, mức đầu tư khoảng 23 tỷ đồng. Dự án dành cho hộ nghèo, gia đình chính sách, nhằm bố trí dân cư trên tuyến biên giới, phát huy lợi thế biên mậu, từng bước xây dựng khu vực phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc. Để khuyến khích bà con, ông Nguyễn Mạnh Tường, nguyên cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Tân Biên, được Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Biên vận động dẫn đầu cùng một số hộ đầu tiên vào KDC mới để lập ấp, vỡ đất, khai hoang một vùng đồi núi, tạo kế sinh nhai lâu dài.
Bí thư Huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ (bên phải) cùng ông Nguyễn Mạnh Tường, Bí thư chi bộ đầu tiên của KDC ấp Chàng Riệc. Ảnh: XUÂN TRUNG |
Ông Nguyễn Mạnh Tường cũng là Bí thư Chi bộ ấp đầu tiên của KDC Chàng Riệc, là một trong 4 cán bộ khung ngay khi lập ấp, là hạt nhân chính trị quan trọng ngay tại cơ sở, đã nỗ lực đồng hành cùng các cư dân mới vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó với vùng đất biên giới. Để làm điểm tựa tinh thần cho bà con, ông Tường cùng người con trai lên sinh sống tại KDC, có những cách làm kinh tế mới để người dân làm theo, như trồng điều, tiêu, cau… nhằm tăng giá trị kinh tế trên thửa đất. Ông Nguyễn Mạnh Tường tâm sự: “Thời gian đầu thiếu thốn, nhiều hộ dân chưa quen thời tiết, tập quán canh tác ở vùng đất mới, tỏ ra ái ngại, không muốn gắn bó. Tuy nhiên, nhờ công tác vận động của xã, huyện; cán bộ xã, huyện, tổ nhân dân đến từng nhà thuyết phục, hướng dẫn bà con canh tác nên bà con thay đổi cách nghĩ, dần gắn bó với vùng biên, tạo nên sức sống mới cho khu dân cư non trẻ này”.
Thực tế cho thấy, để các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo cuộc sống người dân vùng biên giới có hiệu quả, giúp cư dân gắn bó, ổn định cuộc sống nơi đây, có sự đóng góp lớn của những đảng viên tiên phong, gương mẫu vượt khó như ông Nguyễn Mạnh Tường. Giờ đây, xã Tân Lập, huyện Tân Biên đã được bổ sung thế hệ lãnh đạo mới, trưởng thành từ những cư dân đầu tiên tới vùng biên sinh sống. Tiêu biểu như anh Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Tân Lập, vốn xuất thân từ cư dân vùng biên, được tín nhiệm bầu làm trưởng ấp, rồi được tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ, kinh qua nhiều vị trí công tác… Sau hơn 10 năm hình thành, KDC Chàng Riệc đã có nhiều đổi thay, không chỉ đời sống kinh tế được cải thiện, trẻ em được đến trường, mà không ít con em vùng đất này đã trưởng thành, tiếp bước thay thế hệ cha anh xây dựng “biên cương xanh”.
Bí thư Huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ nhấn mạnh, thế trận lòng dân với các mô hình đồn biên phòng, chốt dân quân thường trực, trạm biên phòng, cùng với đó là các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đã góp phần tạo thế liên hoàn, vững chắc, tăng cường lực lượng, nâng cao sức mạnh bảo vệ biên giới quốc gia; đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, từng bước hình thành các KDC, phát triển thành thôn, ấp trải đều trên toàn tuyến để mỗi người dân là một nhân tố tích cực giữ vững biên cương Tổ quốc.
Bí thư Huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ tâm tình: Lãnh đạo huyện luôn trăn trở tìm kiếm giải pháp để bà con yên tâm, làm giàu từ thửa đất dọc đường biên. Đầu tiên là hoàn thiện hệ thống chiếu sáng bằng nguồn điện lưới quốc gia; đường sá được đầu tư khang trang với kết cấu đường nhựa và đường bê tông; các điểm sinh hoạt thể dục thể thao, nhà văn hóa được xây dựng với cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng cư dân. Cùng với đó, mạng lưới trường lớp, trạm y tế cũng sớm được tỉnh Tây Ninh đầu tư khá bài bản, với mục tiêu mọi trẻ em đều được đến trường và chăm sóc sức khỏe ban đầu… Mặt khác, việc động viên những người từng là lãnh đạo chủ chốt của huyện lên sống cùng bà con là cách làm sáng tạo của lãnh đạo từ khi thành lập khu dân cư biên giới cho đến nay, bởi khi đảng viên cùng sống, cùng sinh hoạt và làm việc với người dân thì điều hay, lẽ phải rất dễ thấm.
Phát huy vai trò già làng, trưởng bản
Bình Phước hiện có khoảng 199.000 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm gần 20% dân số của tỉnh, trong đó có 364 người có uy tín, 94 già làng. Thành phần người có uy tín, già làng ở Bình Phước rất đa dạng, có cả cán bộ hưu trí, cán bộ thôn, ấp, chức sắc, chức việc các tôn giáo, người sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhiều năm trở lại đây, già làng, trưởng bản, người có uy tín ở Bình Phước đã trở thành cầu nối - là hạt nhân góp phần trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Ông Khằm Thanh Sơn (dân tộc Nùng, thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) là người uy tín trong cộng đồng, đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con không cầm cố đất, không bán đất. Gia đình anh Điểu Xen đông con, ít đất sản xuất, cây trồng kém năng suất nên kinh tế eo hẹp. Anh Xen có ý định bán nương rẫy nhưng được ông Khằm Thanh Sơn khuyên: “Đất của đồng bào là tài sản vô giá, nếu cầm cố cho người khác, lãi mẹ đẻ lãi con, thì có ngày mất cả nhà cửa”. Nghe vậy, anh Xen hiểu ra, chú tâm làm ăn, giữ được đất sản xuất. Già làng Điểu Nắng (ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh - còn gọi là Sóc Ông Nắng) là đồng bào dân tộc bản địa S’tiêng định cư tại địa phương từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cho biết, nơi đây lúc đầu chỉ có vài ba hộ nhưng nay có hơn 30 hộ dân làm lúa, ăn “lộc rừng”. Già làng Điểu Nắng cho hay: “Cuộc sống giờ khá lắm rồi, hộ nào cũng có cái ăn, cái để rồi. Già vui lắm, già thường khuyên bà con trong sóc chịu khó làm lụng, biết giúp nhau lúc khó khăn, lúc hoạn nạn, luôn che chở đùm bọc lẫn nhau, sống chan hòa với bà con Campuchia”.
Chúng tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Duy Dương, Chính ủy Đoàn kinh tế - Quốc phòng 778 (Đoàn 778, Quân khu 7) và được anh thông tin: Đơn vị có nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và đầu tư các dự án cơ bản bàn giao cho địa phương. Nhưng vấn đề dân vận là cốt lõi nên Đoàn 778 phải phân công cán bộ trực tiếp, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, của quân đội đến người dân và kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con vùng biên. Hàng năm, Đoàn 778 phối hợp các bệnh viện khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người, mở 2-3 lớp dạy cạo mủ cao su cho các hộ đồng bào DTTS… Hiện đã có hơn 100 hộ dân có công ăn việc làm nhờ cạo mủ cao su, thu nhập 7,5 triệu đồng/người/tháng nên cuộc sống bà con ngày càng đủ đầy. Mặt khác, Đoàn 778 nhận đỡ đầu 62 con em đồng bào DTTS, hỗ trợ 300.000 đồng/tháng/em (gồm gạo và nhu yếu phẩm) và đầu năm học, đơn vị trao tặng sách vở, quần áo để nâng bước các em đến trường. Đoàn 778 cũng thường gặp chức sắc, chức việc và hơn 30 già làng, trưởng thôn nắm bắt tâm tư và nguyện vọng; đồng thời hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, công trình tôn giáo và tổ chức đón tết cổ truyền với bà con đồng bào DTTS để tình quân dân thêm bền chặt, tạo nên “thành lũy lòng dân”, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuyết Minh, đánh giá cao vai trò của già làng, người có uy tín vùng đồng bào DTTS trong tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước - là cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. Tỉnh Bình Phước sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư trong vùng đồng bào DTTS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Chính phủ đề ra.