Bình Định muốn sớm làm cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, sân bay quốc tế Phù Cát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Trung ương vào ngày 15-2, lãnh đạo tỉnh Bình Định kiến nghị muốn sớm được đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku (160km) và sân bay quốc tế Phù Cát.
Hôm ngày 15-2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Trung ương, Quân khu 5 đến thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, năm 2021 dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt tác động đại dịch Covid-19, tỉnh phấn đấu đạt được 15/19 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, GRDP tăng 4,11% (tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2020), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp…
Trong đó, sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 3,1% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 7,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay 1,33 tỷ USD; hàng hóa thông qua cảng biển đạt trên 13,6 triệu tấn (tăng 61% so với năm 2020); tổng thu ngân sách đạt trên 14.550 tỷ đồng, vượt gần 37,9% dự toán năm và tăng trên 13% so với cùng kỳ.
Năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển địa bàn tỉnh khá cao, đạt gần 42.400 tỷ đồng, vốn đầu tư công giải ngân đạt gần 92% (trên 7.100 tỷ đồng)… Thu hút đầu tư có 93 dự án trong nước được phê duyệt với tổng vốn hơn 104.300 tỷ đồng; 4 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 80,3 triệu USD; toàn tỉnh có 8.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký gần 90.000 tỷ đồng…
Xác định năm 2022 là năm chuyển tiếp giai đoạn mới của thời kỳ thích nghi an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bình Định ưu tiên cho chăm lo sức khỏe, tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt ra 9 nhiệm vụ trong tâm để phát triển KT-XH, phấn đấu chỉ tiêu GRDP tiếp tục tăng 6 – 6,5% so với cùng kỳ. 
Dịp này, tỉnh Bình Định kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế; đầu tư xây dựng dự án tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku với chiều dài 160km (điểm đầu Tuy Phước (Bình Định) điểm cuối giao tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây TP Pleiku (tỉnh Gia Lai).
Bình Định xác định cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy các lợi thế về vị trí địa kinh tế, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên – giữa Bình Định với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Khi hình thành, cao tốc Quy Nhơn – Pleiku sẽ tạo thành trục Đông – Tây kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan với Biển Đông thông qua Cảng Quy Nhơn…
Tỉnh kiến nghị Bộ VH-TT-DL quan tâm, hỗ trợ tỉnh đầu tư, tôn tạo các công trình văn hóa, lịch sử, nhất là tháp Chăm. Quan tâm hỗ trợ sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận Võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm đầu tư, nâng cấp hồ Định Bình tăng thêm 150 triệu m3 (dung tích hiện tại 226 triệu m3), hồ Núi Một thêm 40 triệu m3 (dung tích hiện nay là 110 triệu m3) để tăng dự phòng tích nước giảm lũ hạ du, chống hạn mùa nắng nóng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Định. Chủ tịch nước nhấn mạnh đến những tiềm năng, lợi thế của Bình Định khi có vị trí chiến lược ở Trung Bộ, Tây Nguyên.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch nước cho biết, trở lại Bình Định trong vài năm trở lại đây đã thấy một diện mạo phát triển từ hạ tầng sân bay, cảng biển, đường bộ, đô thị... Gần như Bình Định trở thành một "Việt Nam thu nhỏ" với sản vật tươi tốt, con người nghĩa hiệp, tiềm năng phát triển rất lớn. Qua đó, Chủ tịch nước mong muốn Bình Định cần tiếp tục đột phá hơn nữa trong thời gian tới, tập trung các nguồn lực để phát triển.
Trong đó cần chú ý để có sự phát triển bền vững, tránh "phát triển nóng" dẫn đến làm sai như nhiều tỉnh ở miền Trung vừa qua. Cần có sự chuyển biến từ nhân dân đến các cấp ủy Đảng, dùng sức mạnh nhân dân để phát triển, sau đó lấy sự phát triển đó phục vụ trở lại nhân dân... 
Chủ tịch nước đặt yêu cầu, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Bình Định phải xây dựng được một khí thế mới, đột phá mới, tinh thần mới, trách nhiệm mới để đưa tỉnh tiến bước, có những đột phá hơn nữa.
Trong phát triển chung, Chủ tịch nước nhấn mạnh tỉnh cần lấy Quy Nhơn làm trung tâm, điểm nhấn phát triển thành điểm đến du lịch hấp dẫn của châu Á, tầm nhìn ra toàn cầu. Muốn đạt được cần phát triển cảng biển, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn TP Quy Nhơn phát triển thành điểm đến hấp dẫn châu Á
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn TP Quy Nhơn phát triển thành điểm đến hấp dẫn châu Á
Trong đó chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội, để người dân Bình Định sống hạnh phúc, ấm no không ai bị bỏ lại phía sau... Chủ tịch nước cũng đánh giá cao sự phối hợp của Bộ VH-TT-DL hỗ trợ Bình Định xây dựng hồ sơ công nhận Võ cổ truyền Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định
Chủ tịch nước ghi nhận, đồng ý cao với các kiến nghị của tỉnh Bình Định. Qua đây đề nghị các bộ, ngành Trung ương, như: Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, Bộ NN-PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an... cần quan tâm, hỗ trợ tỉnh về các kiến nghị trên. Đặc biệt, Bộ GTVT cần quan tâm hỗ trợ tỉnh đầu tư, xây dựng sân bay quốc tế Phù Cát, mở rộng cảng Quy Nhơn, nghiên cứu sớm đưa vào đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, hạ tầng đường bộ…
NGỌC OAI (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.