Biến vỏ và lá cà phê thành thức uống hấp dẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tận dụng nguồn phụ phẩm lá và vỏ hạt cà phê, nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương đã tạo ra sản phẩm trà túi lọc có ích cho sức khỏe với hương vị độc đáo. Dự án này vừa đạt giải nhì tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V” năm 2023 ở lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội.

Xuất phát từ đam mê

Sinh ra trong gia đình kinh doanh trà và cà phê lâu năm nên em Đặng Lê Gia Hân (lớp 11C2A) đã rất yêu thích 2 loại thức uống đặc trưng này. Vì vậy, khi biết đến cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Hân đã nghĩ ngay đến những sản phẩm liên quan.

Trao đổi cùng những người bạn có chung đam mê, Hân vui mừng nhận được sự đồng thuận hợp tác từ các bạn: Nguyễn Chí Khang (lớp 12A), Trịnh Mỹ Anh (lớp 11C3A), Nguyễn Hà Bảo Khanh (lớp 10C1) và Nguyễn Thị Thanh Nga (lớp 11C2A). Sau nhiều lần thảo luận cùng thầy Mai Ngọc Linh (giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương), cả nhóm quyết định tạo ra các sản phẩm trà túi lọc từ lá và vỏ hạt cà phê với thương hiệu KHAN Tea & Coffee.

Em Đặng Lê Gia Hân (bìa trái) cùng Nguyễn Thị Thanh Nga thử nghiệm pha chế 2 loại trà túi lọc từ vỏ và lá cà phê. Ảnh: Mộc Trà

Em Đặng Lê Gia Hân (bìa trái) cùng Nguyễn Thị Thanh Nga thử nghiệm pha chế 2 loại trà túi lọc từ vỏ và lá cà phê. Ảnh: Mộc Trà

Chia sẻ về dự án, Hân cho hay: Trên thế giới, nhất là tại một số quốc gia phát triển, mọi người rất ưa chuộng những thức uống được chế biến từ vỏ và lá cà phê bởi chúng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong khi đó, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, Gia Lai cũng là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ tư cả nước, song lại chưa thể sản xuất phổ biến những loại đồ uống tương tự. Vì thế, chúng em đã quyết định nghiên cứu và cho ra đời 2 dòng sản phẩm là Trà vỏ cà phê Cascara và Trà lá cà phê Kuti dạng túi lọc, vừa tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp, vừa gia tăng lợi ích kinh tế cho người dân địa phương và bảo vệ môi trường.

Tháng 8-2022, cả nhóm bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng. Hân giữ vai trò trưởng nhóm, phụ trách chính về dự án và kế hoạch quản lý dòng tiền; Mỹ Anh nghiên cứu để tìm ra ưu-nhược điểm của các loại trà liên quan trên thị trường; Khang tiến hành khảo sát thị trường, nhu cầu và thói quen uống trà của mọi người; Nga phối hợp cùng Khanh vạch ra phương án kinh doanh theo từng giai đoạn và kế hoạch truyền thông-marketing cho sản phẩm.

“Với lợi thế chứa ít caffein hơn các loại trà thông thường, trà từ vỏ và lá cà phê đã được chứng minh mang lại lợi ích không nhỏ cho sức khỏe người sử dụng như: giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, Parkinson, Alzheimer và có thể sử dụng để hỗ trợ quá trình giảm cân, bảo vệ gan. Đây là lựa chọn thích hợp để thay thế lần lượt các sản phẩm như cà phê hay trà xanh. Hai loại trà này trên thị trường Việt Nam chủ yếu đều nhập khẩu, do đại lý phân phối bán ra với giá cao gấp 6-7 lần so với trà lá thông thường. Vì vậy, mục tiêu chúng em đặt ra là sản xuất được loại trà từ phụ phẩm tương tự nhưng với chất lượng cao hơn và giá thành rẻ hơn”-Mỹ Anh cho biết.

Nhóm tác giả dự án thảo luận về ý tưởng khởi nghiệp sản xuất và kinh doanh trà từ vỏ và lá cà phê. Ảnh Mộc Trà

Nhóm tác giả dự án thảo luận về ý tưởng khởi nghiệp sản xuất và kinh doanh trà từ vỏ và lá cà phê. Ảnh Mộc Trà

Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm học sinh đã đưa ra quy trình kỹ thuật sản xuất cơ bản của từng loại trà túi lọc với rất nhiều lần thử để có thể cho ra sản phẩm với hương vị thơm ngon, đậm chất nhất. Theo đó, sản phẩm trà được làm từ 100% vỏ cà phê nguyên chất phơi khô và 100% lá cà phê lên men nguyên chất. Nguồn nguyên liệu đầu vào được chọn lựa từ những vườn cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay chăm sóc hữu cơ.

Sản phẩm được chế biến theo kỹ thuật trà đen với việc áp dụng công nghệ ủ truyền thống tạo ra nhiều hậu vị khác nhau tùy theo cách ủ, tạo ra trải nghiệm mới mẻ cho người dùng. Nhóm cũng hợp tác với đơn vị gia công tại tỉnh với máy móc, công nghệ phù hợp nhằm kiểm soát được quy trình sản xuất đảm bảo đúng kỹ thuật đã nghiên cứu và đáp ứng dây chuyền sản xuất hàng loạt.

“Trước lúc chuẩn bị triển khai dự án, chúng em đã khảo sát và thu được kết quả trên 70% người từ 15 đến 35 tuổi có nhu cầu thưởng thức một loại trà mới. Khi có thành phẩm, chúng em mời nhiều người dùng thử và nhận được phản hồi rất tích cực. Đây là tín hiệu vui bước đầu để cả nhóm tự tin tham gia cuộc thi và tiến tới thương mại hóa sản phẩm”-Khang phấn khởi nói.

Quyết tâm chiếm lĩnh thị phần

Để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, nhóm bắt tay vào thiết kế bao bì mang dấu ấn riêng theo từng loại trà riêng biệt; xây dựng website bán hàng với tên miền là khanteco.vn; đồng thời, tiến hành đăng ký bản quyền cho bao bì và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dự án của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương đã đạt giải nhì tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V năm 2023. Ảnh NVCC

Dự án của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương đã đạt giải nhì tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V năm 2023. Ảnh NVCC

Nga thông tin: “Chúng em đã vạch ra phương án kinh doanh theo từng giai đoạn. Giai đoạn 2022-2023 là thời gian để hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu; giai đoạn 2024-2026 sẽ bước vào kinh doanh chính thức. Trong quá trình đó, chúng em sẽ luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ khách hàng để tiếp tục cải tiến, hoàn thiện sản phẩm. Nhóm dự kiến sẽ mở một điểm bán hàng trực tiếp tại TP. Pleiku, cung cấp cho các đại lý và bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Giá bán ra đối với Trà vỏ cà phê Cascara là 110.000 đồng/hộp 100 gram; Trà lá cà phê Kuti là 85.000 đồng/hộp 100 gram; rẻ hơn từ 1/2 đến 1/3 so với sản phẩm tương tự nhập khẩu hiện có trên thị trường Việt Nam”.


Cô Mai Thị Vui-Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương: Nhà trường đánh giá cao ý tưởng khởi nghiệp của các em khi tận dụng được nguồn phụ phẩm của cây trồng chủ lực ở địa phương để tạo ra sản phẩm hữu ích. Ban Giám hiệu đã phân công giáo viên hướng dẫn, cố vấn và tạo mọi điều kiện để các em hoàn thành đề tài này. Sắp tới, nhà trường dự kiến tổ chức một ngày hội tại trường nhằm góp phần giúp các em giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo mọi người.


Cũng theo nhóm tác giả dự án, đối tượng khách hàng mà các em hướng tới là học sinh, sinh viên, nhân viên công sở, những người có đam mê với đồ uống từ cà phê và các quán cà phê… trong nước và quốc tế. Khanh kỳ vọng: Tuy ở Việt Nam việc uống loại trà Cascara và Kuti còn rất mới nhưng với thức uống tuyệt vời này, chúng em hy vọng sẽ chinh phục được khách hàng và sau 5 năm hoạt động sẽ chiếm khoảng 20% thị phần cho Trà Cascara, trên 50% thị phần cho Trà Kuti.

Ngoài ra, chúng em cũng mong muốn, sản phẩm Trà Cascara sẽ là cầu nối giữa trà và cà phê, còn Trà Kuti sẽ đánh dấu sự ra đời của một loại trà mới ở Việt Nam. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu của người dùng mà 2 loại trà này sẽ mang lại được giá trị xã hội khi tận dụng được trên 85% nguồn vỏ, lá cà phê thải ra tại địa phương cũng như khu vực Tây Nguyên trong 3 năm đầu và mở rộng mô hình xử lý nguồn phụ phẩm này lan rộng toàn quốc sau 6 năm.

“Đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 3-2023, chúng em dự kiến sẽ thu hồi vốn (387 triệu đồng) vào tháng 11 năm nay và tiếp tục mở rộng kinh doanh trong những năm tiếp theo. Theo đó, mục tiêu đặt ra là sẽ bán được 10 ngàn sản phẩm mỗi loại trong năm 2023 và tăng thêm 20% ở các năm liền kề. Đến năm 2026, nhóm sẽ có 18 ngàn sản phẩm được bán ra; trong đó, doanh thu cho Trà vỏ cà phê Cascara là 1,9 tỷ đồng, Trà lá cà phê Kuti là 1,4 tỷ đồng”-Hân tự tin nói.

Thầy Mai Ngọc Linh cho hay: Trà từ vỏ và lá cà phê là thức uống khá quen thuộc ở các nước Đông Âu, Nam Phi và một số quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, giá nhập khẩu về Việt Nam khá đắt, trong khi nguồn nguyên liệu sản xuất ở nước ta rất dồi dào. Vì vậy, khi nghe các em trình bày ý tưởng, tôi thấy khá thú vị. Sau thời gian nỗ lực nghiên cứu, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của những phụ huynh có chuyên môn về trà và cà phê, nhóm đã hiện thực hóa ý tưởng với các sản phẩm đạt chất lượng.

Niềm vui của thầy trò không chỉ dừng ở giải nhì tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V” năm 2023 mà còn bởi những lời ngỏ hợp tác đầu tiên. Đơn cử như Trường Đại học Mở Hà Nội đã quyết định đầu tư gian hàng cho KHAN Tea & Coffee tại đơn vị để bày bán sản phẩm trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.

Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Đôi bạn trẻ ở Đắk Nông đã dồn hết tiền mừng cưới cho công cuộc khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Trải qua bao khó khăn, cặp đôi đã chứng minh đam mê sẽ không viển vông nếu có kiến thức và “đồng vợ, đồng chồng”.
Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

“Hoa sen là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết trong văn hóa Á Đông. Lā SEN hay “Là Sen” được xây dựng và phát triển dựa trên nét văn hóa truyền thống ấy”, chị Nguyễn Thị Kim Loan mở đầu cuộc trò chuyện về hành trình khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Người trẻ trở về

Người trẻ trở về

(GLO)- Gần đây, có một sự dịch chuyển từ ít đến nhiều, từ âm thầm đến sôi nổi đang diễn ra tại Gia Lai, đó là “làn sóng trở về” của những người trẻ.
Vợ chồng “khoa bảng”

Vợ chồng “khoa bảng”

(GLO)- Là tôi đang nói đến vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Vân và anh Nguyễn Văn Long. Chị là Tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Lâm nghiệp-Phân hiệu tại Gia Lai.
15 tuổi thực tập tại tờ báo của ĐH Harvard

15 tuổi thực tập tại tờ báo của ĐH Harvard

Không bằng lòng với những gì đạt được, mỗi bạn trẻ đã thực hiện những ước mơ, khát vọng của mình với những nỗ lực không mệt mỏi ngoài năng lực thiên bẩm để 'bản đồ' thế giới trong từng lĩnh vực đều có tên Việt Nam.