(GLO)- Hiện nay, trước cổng các trường tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đều đã đặt biển tuyên truyền giảm tốc độ khu vực trường học. Trong đó có 10 trường được đặt biển báo hạn chế tốc độ, người tham gia giao thông cần hiểu rõ tác dụng của từng loại biển này.
Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” do Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á tài trợ được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt, triển khai tại 31 trường tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku. Trọng tâm của Dự án là cải tạo hạ tầng đường bộ, giảm tốc độ ở khu vực trường học, triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh và cộng đồng về an toàn giao thông, xây dựng định nghĩa mô hình “khu vực trường học an toàn” cho TP. Pleiku. Mục tiêu nhằm nâng cao an toàn giao thông, phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông khu vực trường học.
|
Dự án triển khai gia cố lề và sân cổng trường bằng bê tông xi măng, xây mương đậy đan chịu lực, vạch cho người đi bộ, vạch vị trí đỗ xe… Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Hằng |
Đến nay các hoạt động của Dự án đã cơ bản hoàn thành theo tiến độ, trong đó có đặt biển báo hạn chế và hết hạn chế tốc độ tại các trường học tiểu học: Nguyễn Lương Bằng, Phan Đăng Lưu, Chu Văn An, Lê Lai, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bùi Thị Xuân. Thời gian hạn chế tốc độ theo 4 khung giờ cao điểm học sinh đến lớp và tan trường.
|
Biển báo hạn chế tốc độ, người điều khiển xe cơ giới không được phép vận hành ở tốc độ cao hơn vào 4 khung giờ trên. Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Hằng |
Bên cạnh đó, tại khu vực cổng các trường tiểu học tại TP. Pleiku, Dự án triển khai đặt biển tuyên truyền về giảm tốc độ. Biển này chỉ mang tính tuyên truyền về giảm tốc độ khu vực trường học. Người tham gia giao thông tránh hiểu nhầm với biển báo hạn chế tốc độ phải chấp hành.
|
Biển tuyên truyền, tránh hiểu nhầm với biển báo hạn chế tốc độ. Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Hằng |
Theo theo Thông tư 31/2019/TT-BGTVT ngày 29-8-2019 của Bộ Giao thông-Vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trong các trường hợp: qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung nhiều người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ; hiện trường xảy ra tai nạn giao thông;…
Ngoài ra, một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, nếu giảm tốc độ 5% thì sẽ giảm số tai nạn giao thông nghiêm trọng tới 30%. Một người đi bộ chỉ có 10% khả năng sống sót khi va chạm với phương tiện đang di chuyển vận tốc 60 km/giờ nhưng có đến 90% khả năng sống sót khi va chạm với phương tiện di chuyển vận tốc 30 km/giờ.
NGUYỄN THỊ THANH HẰNG