Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Thực hiện tốt giải pháp liên tỉnh để quản lý tài nguyên rừng, nguồn nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 14-10, tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên đã có bài phát biểu tham luận với nội dung: Giải pháp quản lý sử dụng rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước tại tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo Gia Lai điện tử xin trân trọng đăng toàn văn tham luận của đồng chí.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị. (Ảnh: ĐĂNG KHOA/NDO)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: ĐĂNG KHOA/NDO

Trước hết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhất trí rất cao với nội dung Nghị quyết số 23, ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo quan điểm của cá nhân tôi, nói đến Tây Nguyên là nói đến đất, nước, rừng, không gian văn hóa các các dân tộc thiểu số. Đây cũng là những vấn đề mà đến đây các cấp, ngành, các tỉnh Tây Nguyên và Trung ương, Bộ Chính trị quan tâm, chỉ đạo.

Theo gợi ý của Ban tổ chức Hội nghị, Gia Lai tham luận với nội dung: Giải pháp quản lý sử dụng rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước tại tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xin phát biểu một số nội dung sau:

Về thực trạng tài nguyên rừng, nguồn nước

Về tài nguyên rừng: Gia Lai có tổng diện tích tự nhiên hơn 15.510 km2, trong đó diện tích rừng tự nhiên lớn với diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 723.156,38 ha (chiếm 46,62% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh); diện tích đất có rừng là 631.281 ha (trong đó rừng tự nhiên hơn 478.820 ha, rừng trồng hơn 152.470 ha), tỷ lệ che phủ rừng và cây công nghiệp thân gỗ đạt 47%; là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Tây Nguyên, chiếm 25,2% diện tích toàn vùng và chiếm 4,3% diện tích cả nước. Trên địa bàn tỉnh có Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, có nhiều loại cây quý hiếm với hệ động, thực vật đa dạng và phong phú, có nhiều loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ và mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại cao nguyên Kon Hà Nừng-nơi vừa được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.


Về tài nguyên nước: Gia Lai nằm ở đầu nguồn của nhiều lưu vực sông lớn chảy xuống phía Đông là vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ và phía Tây là lưu vực sông quốc tế Mê Kông; tổng trữ lượng nước bề mặt ở Gia Lai khoảng 23 tỷ m3 phân bố trên các hệ thống sông chính là hệ thống sông Ba, sông Sê San và các phụ lưu của hệ thống sông Sêrêpôk. Ba lưu vực sông này chiếm tỷ lệ 96% diện tích nước bề mặt của khu vực Tây Nguyên.

Ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (màn hình trung tâm) phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh TTXVN



Có 354 hồ chứa, đập, hệ kênh mương thủy lợi (chưa kể các hồ thủy điện); hệ thống sông, suối, hồ đập đa dạng và diện tích mặt nước có thể nuôi trồng và khai thác thủy sản. Trên địa bàn tỉnh có sông Sê San, là một trong ba con sông có đóng góp lớn vào tổng sản lượng điện của Việt Nam; chiếm 11,3% tổng số tiềm năng thủy điện của toàn quốc. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 49 dự án thủy điện đang vận hành, tổng công suất 2.246 MW vừa đóng góp sản lượng điện cho ngành công nghiệp vừa phục vụ cho phát triển nông nghiệp.

Khó khăn, thách thức:

Nguy cơ mất cân bằng sinh thái và cạn kiệt tài nguyên; hệ sinh thái cảnh quan tỉnh Gia Lai đã có nhiều thay đổi, diện tích và trữ lượng rừng suy giảm đã tác động mạnh đến hệ sinh thái toàn vùng; đồng thời, ảnh hưởng rõ rệt đến các khu vực hạ du, cộng với những yếu tố bất lợi của biến đổi khí hậu như mùa khô kéo dài, sự biến đổi thất thường của thời tiết làm cho lũ lụt, hạn hán trở nên trầm trọng hơn.

Tài nguyên nước đang bị khai thác quá mức vào mùa khô nên ngày càng có nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng không những cho nội vùng mà đối với cả khu vực rộng lớn ở hạ lưu. Lượng nước sử dụng (chủ yếu cho nông nghiệp) không được hoàn lại và bị tổn thất khá lớn ước tính trên 20%. Về mùa khô, mực nước ngầm tụt sâu gây thiếu nước nghiêm trọng...

Từ thực trạng và những khó khăn, thách thức nêu trên, Gia Lai đã và đang, sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp quản lý rừng, nguồn nước tại tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:

Một là, phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu (đây cũng là 1 trong 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra)

Theo đó, tỉnh xác định phải quản lý chặt diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng; phát triển lâm nghiệp xã hội, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng; chú trọng việc giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình; phát triển rừng gỗ lớn, nâng cao hiệu quả trồng rừng, lâm đặc sản, phát triển dược liệu dưới tán rừng đảm bảo có nguồn thu từ việc quản lý, bảo vệ rừng. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 47,75% và đến năm 2030 là trên 49,2%.

Ảnh nguồn VOV
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai tham dự hội nghị tại Hà Nội. Ảnh nguồn VOV


Hai là, cơ cấu lại kinh tế theo hướng khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, kể cả nước mặt và nước ngầm.

Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước, tỉnh tập trung nghiên cứu, ban hành các quy chế, quy định chặt chẽ đối với những công trình sản xuất công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ, du lịch trong việc sử dụng nguồn nước. Quy định bắt buộc đối với một số ngành sản xuất, kinh doanh phải xử lý rác, nước thải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh trước khi đổ vào nguồn nước chung (sông, suối, hồ, đập...) nhằm giữ gìn chất lượng nguồn nước. Ưu tiên khai thác sử dụng nước mặt, quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng nước ngầm, tập trung xây dựng các công trình thủy lợi có ảnh hưởng quan trọng đến cấp nước, trữ nước về mùa khô theo lưu vực sông. Áp dụng sử dụng nước tưới tiết kiệm trong phát triển nông nghiệp.

Ba là, thực hiện tốt giải pháp liên tỉnh để quản lý tài nguyên rừng, nguồn nước, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Tây Nguyên và các vùng lân cận

Theo đó, tỉnh sẽ phối hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, nhất là các khu rừng giáp ranh với các địa phương. Phối hợp sử dụng tài nguyên nước theo các lưu vực sông: sông Sê San, sông Ba, sông Sêrêpốk bảo đảm cân đối sử dụng nước hợp lý giữa các địa phương ở thượng nguồn và hạ lưu; hạn chế tác động của các công trình thủy điện, nhất là các công trình thủy điện có chuyển dòng bảo đảm thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa đã được phê duyệt.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã đề ra, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong vùng, tỉnh Gia Lai đề xuất Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số vấn đề trọng tâm:

Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết-phát triển vùng; sớm ban hành quy định, cơ chế liên kết vùng để cùng phát triển; quy hoạch không gian phát triển và xác định các lĩnh vực trọng tâm để đột phá giúp Tây Nguyên khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; tăng cường phân cấp, phân quyền để cho các địa phương chủ động triển khai ngay các nhiệm vụ đã nêu tại Nghị quyết.

Hai là, sớm đầu tư kết nối giao thông vùng như Nghị quyết đã xác định, làm tiền đề, động lực cho các địa phương phát triển như: triển khai các tuyến đường cao tốc, nâng cấp các Cảng hàng không, triển khai nghiên cứu việc xây dựng tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên. Rất thống nhất với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải, giao thông thông suốt thì Tây Nguyên mới cất cánh, Tây Nguyên mới phát triển được. Rất mong đồng chí Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo, tiếp tục có ý kiến giúp cho các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Ảnh: P.V
Quang cảnh hội nghị tại Hà Nội. Ảnh TTXVN



Ba là, nghiên cứu, đầu tư kinh phí để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; có cơ chế, quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân, cộng đồng giữ rừng, trồng rừng, sống được nhờ rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước bằng việc đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi lớn, khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt trong mùa khô. Xem xét có cơ chế đối với diện tích đất lâm nghiệp nhưng không có rừng thì được đưa một phần diện tích ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng khác để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Bốn là, đối với các địa phương Tây Nguyên còn có diện tích rừng lớn-đây đều là các tỉnh còn nghèo, ngân sách còn nhiều khó khăn, đề nghị Bộ Chính trị và Trung ương quan tâm ưu tiên phân bổ các nguồn lực để các địa phương yên tâm giữ rừng, giữ gìn và phát huy không gian, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, góp phần giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh khu vực biên giới phía Tây của Tổ quốc.

Với sự quan tâm đặc biệt và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị cho sự phát triển của Tây Nguyên và các vùng trong cả nước, cùng sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan Trung ương; sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương trong vùng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tin rằng Nghị quyết 23 sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống; các địa phương trong vùng sẽ sớm có điều kiện vươn lên, thu hẹp khoảng cách với các vùng miền khác của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được cải thiện và ngày càng nâng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh. Ngay sau Hội nghị này, Tỉnh ủy Gia Lai sẽ quán triệt đến toàn hệ thống chính trị cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết phù hợp với điều kiện của tỉnh để thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.

Xin trân trọng cảm ơn.



---------------
(*) Đầu đề do Báo Gia Lai điện tử đặt


 

 

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĨNH HOÀNG

Không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết công tác PCTN, tiêu cực năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 2-12.