Bí thư 9X giúp dân bản ấm no đón Tết nhờ du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở huyện Tam Đường, Lù Văn Páo không chỉ được biết đến là Bí thư chi bộ trẻ tuổi nhất, mà còn là người say mê làm du lịch cộng đồng, giúp nhiều gia đình từng bước thoát nghèo, ngày một ấm no.
Lù Văn Páo trong một chuyến dẫn khách du lịch leo núi, trải nghiệm du lịch cộng đồng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lù Văn Páo trong một chuyến dẫn khách du lịch leo núi, trải nghiệm du lịch cộng đồng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Những ngày cận Tết, đất trời như giao hòa mừng đón Xuân sang. Trên con đường dẫn lên “cổng trời” xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cây cối đang trút bỏ lớp lá vàng và chuyển mình để bật nhú những chồi non khoe sắc thắm.

Hòa cùng cảnh sắc đó, người dân ở bản Sì Thâu Chải (1 trong 8 bản vùng cao của xã Hồ Thầu) - nơi được biết đến là “bản homestay xóa nghèo” ở vùng cao Tây Bắc, đang tất bật sắm sửa cho một cái Tết sum vầy, khang trang.

Tết ở bản homestay trên lưng chừng núi

Sinh năm 1998, mới hơn 24 tuổi đời, nhưng Lù Văn Páo đã có 5 năm tuổi Đảng, hiện đang giữ chức Bí thư Chi bộ bản Sì Thâu Chải.

Ở huyện Tam Đường, Páo không chỉ được biết đến là Bí thư chi bộ trẻ tuổi nhất, mà còn là người say mê làm du lịch cộng đồng, từ đó giúp nhiều gia đình ở miền sơn cước này từng bước thoát nghèo, ngày một ấm no.

Thời điểm này, Bí thư Páo cùng người dân Sì Thâu Chải đang tất bật sắm sửa đồ đạc, làm món ăn mừng đón Tết; vừa trang trí phòng, làm đẹp bản homestay, để chuẩn bị chào đón những vị khách du lịch đầu tiên trong năm mới Quý Mão, 2023.

Trên chiếc xe ôtô gầm cao, từ trung tâm huyện Tam Đường, chúng tôi lên bản Sì Thâu Chải mất tầm 1 giờ đồng hồ. Dọc con đường dẫn vào bản, từng nếp nhà sàn mang nét đặc trưng của miền sơn cước hiện ra trước mắt chúng tôi như một bức tranh đẹp đến mê mẩn. Đó là những ngôi nhà rợp bóng cờ hoa, nằm lọt thỏm giữa những khu rừng trồng kín cây ăn quả như lê, đào, đang vào độ khoe sắc tươi thắm.

Đến với bản Sì Thâu Chải, du khách không chỉ được mặc những bộ quần áo của đồng bào Dao, sống trong ngôi nhà sàn thơm phức mùi gỗ được thiết kế độc đáo; đi hái lá thuốc về nấu tắm; mà người dân nơi đây còn thết đãi khách những món ẩm thực độc đáo của đồng bào như rau rừng hay thịt lợn gác bếp, gà đồi, lợn mán.

Du khách trải nghiệm dù lượn, cất cánh từ bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải và tiếp đất tại sân vận động thị trấn huyện Tam Đường. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Du khách trải nghiệm dù lượn, cất cánh từ bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải và tiếp đất tại sân vận động thị trấn huyện Tam Đường. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm cùng đồng bào người Dao tham gia vào các lễ hội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa nơi đây như lễ hội cấp sắc, lễ nhảy lửa. Du khách yêu thích du lịch mạo hiểm có thể bay dù lượn ở thung lũng Tam Đường,...

Dẫn chúng tôi dạo bước trên con đường trải dài thảm nhựa, hai bên là bờ tường đá độc đáo với hàng ngàn hòn đá xếp vuông vắn được phủ bởi lớp màu xanh của rêu phong, Bí thư Páo say sưa nói về bản du lịch cộng đồng của mình: “Vào mùa Xuân, hoa lê nở trắng cả một vùng núi đồi, du khách như lạc vào chốn tiên cảnh, không muốn ra khỏi rừng. Cuối Hè, đến Sì Thâu Chải, du khách sẽ được thưởng thức vị ngọt mát của những quả lê ngay trong khu rừng rộng lớn.”

Bí thư 9x cho biết Sì Thâu Chải bắt đầu làm du lịch cộng đồng từ năm 2016; đến năm 2017, bản đã đón nhiều lượt khách từ khắp mọi miền đến tham quan, lưu trú.

Hàng năm, lượng khách đến với bản đông nhất là vào thời điểm mùa Hè và những ngày đầu Xuân năm mới. Đây cũng là thời điểm, cảnh sắc núi rừng đẹp nhất với hoa ban, hoa mận nở trắng.

“Như thời điểm này, dù tất bất với việc gói bánh chưng, làm thịt gác bếp, sắm sửa đón Tết, bà con trong bản còn say sưa trang trí phòng ốc, chỉnh trang homestay, sân vườn,… để sẵn sàng cho một năm mới nhộn nhịp hơn,” Bí thư Páo chia sẻ.

Nhà nhà đổi thay nhờ du lịch cộng đồng

Kể về quá trình xây dựng và phát triển bản du lịch cộng đồng ở bản Sì Thâu Chải, Bí thư Lù Văn Páo cho biết những ngày đầu, chi bộ (với tổng số 4 Đảng viên) và chính quyền, đoàn thể đã rất vất vả, thay nhau đến từng nhà vận động bà con tham gia xây dựng và phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Người dân ở bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải chia sẻ kế hoạch tiếp đón khách du lịch. (Ảnh: LVP/Vietnam+)

Người dân ở bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải chia sẻ kế hoạch tiếp đón khách du lịch. (Ảnh: LVP/Vietnam+)

Bởi lẽ, bà con dân bản nơi đây, với tập quán canh tác nông nghiệp theo kiểu tự cấp, tự túc, chưa bao giờ nghĩ đến việc “biến” các sản phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm du lịch; càng không nghĩ đến việc “biến” nơi ăn chốn ở của mình thành nơi ăn ở của những người xa lạ với lối sống, văn hóa, tín ngưỡng khác nhau.

Dù vậy, với quyết tâm làm giàu cho bản, Bí thư Páo và các cán bộ thường xuyên tuyên truyền về lợi ích cũng như hướng dẫn cách thức làm du lịch cộng đồng nên bà con dần dần đã nghe theo. Ban đầu là việc làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm ra xa khu nhà ở, rồi đến việc tu sửa, chỉnh trang nhà cửa cho gọn gàng.

Cùng với đó, các Đảng viên và cán bộ chính quyền, đoàn thể cũng tích cực tham gia hướng dẫn bà con tạo cảnh quan xung quanh nhà như trồng hoa, làm tường đá, làm cổng nhà bằng các nguyên vật liệu thân thiện môi trường như gỗ, tre, nứa.

Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền từ tỉnh xuống huyện, xã, mỗi hộ dân đã được hỗ trợ 15 triệu để lát nền nhà; những hộ làm homestay được hỗ trợ 50 triệu mua trang thiết bị phục vụ du khách. Đến nay, toàn bản đã có 10 hộ làm homestay, có khả năng đón tiếp 300 khách lưu trú mỗi ngày; trong đó hộ gia đình Lù A San có thể đón lưu lượng khách lớn nhất, khoảng 50-60 khách lưu trú/đêm.

Cũng nhờ làm homestay gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nhiều hộ gia đình ở Sì Thâu Chải đã có thu nhập ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở bản này cũng nhờ đó mà khá giả hơn. Như hộ anh Phàn A Pao, mới đây đã sắm thêm được chiếc tủ lạnh và chiếc xe máy mới…

Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải. (Ảnh: LVP/Vietnam+)

Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải. (Ảnh: LVP/Vietnam+)

Bí thư 9x Lù Văn Páo cho biết để bà con đồng lòng làm du lịch, anh cùng các đảng viên trong chi bộ và chính quyền đã phân công nhau điều phối du khách.

Đối với hộ gia đình có homestay thì sẽ đón khách lưu trú, những hộ không làm homestay thì sẽ cung cấp thực phẩm để đảm bảo có thu nhập đều cho tất cả các hộ trong bản. Các khoản thu được từ các dịch vụ du lịch như biểu diễn văn nghệ, bán lê, đều được chia cho các hộ gia đình nên mọi người đều rất phấn khởi làm theo.

Với những đóng góp giúp dân bản thoát nghèo, phát triển kinh tế, Bí thư chi bộ trẻ Lù Văn Páo đã được khen thưởng về việc Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021; được Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đường khen thưởng vì Hoàn thành xuất sắc trong công tác bầu cử nhiệm kỳ 2021-2022; tập thể chi bộ được khen thưởng Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021; khen thưởng Công tác dân vận khéo…

Nói về người Bí thư Chi bộ 9x, anh Phàn A Pao, đảng viên nhiều tuổi nhất bản Sì Thâu Chải (sinh năm 1976) đồng thời là chủ nhân của homestay lớn nhất bản này nhận xét: “Lù Văn Páo trẻ tuổi nhưng luôn là người mẫu mực, để dân bản tin theo. Páo luôn biết hướng dẫn và cùng bà con làm du lịch cộng đồng để cuộc sống ngày một ấm no hơn. Từ khi Páo làm bí thư đến nay, bản đã đổi mới rất nhiều.”

Theo thống kê của chính quyền xã Hồ Thầu, hằng năm bản Sì Thâu Chải đón trên 11.000 lượt khách du lịch đến thăm quan, trong đó có khoảng 700 khách thuê phòng nghỉ tại các gia đình làm homestay. Đến nay, bản Sì Thâu Chải là một trong những điểm nhấn trong hệ thống các điểm đến du lịch cộng đồng tại tỉnh Lai Châu.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.