"Thổi hồn" nghệ thuật cho mây tre đan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ cửa hàng bày bán các sản phẩm đan lát bằng mây, tre thô sơ của bố mẹ, chàng trai 9X Trần Văn Hoàn (phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã “biến tấu” thành những sản phẩm mây tre đan đầy tính nghệ thuật và bắt kịp xu hướng hiện đại.

Hơn 30 năm nay, gia đình anh Hoàn kinh doanh mặt hàng mây tre đan tại Trung tâm Thương mại Pleiku. Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Hoa Sen), anh trở về Pleiku phụ giúp ba mẹ phát triển cửa hàng. “Mình nhận thấy các sản phẩm như: rổ, rá, nia, thúng, mẹt… rất kén khách hàng. Nhiều người chuộng đồ nhựa có tính tiện lợi hơn so với các sản phẩm thủ công. Hơn nữa, so với đồ nhựa, đồ đan lát bằng mây, tre lại có giá cao hơn. Vì vậy, mình luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho sản phẩm. Sau khi tìm hiểu trên internet về các dòng sản phẩm từ mây tre đan, mình khá ấn tượng với những dòng chữ thư pháp viết trên chiếc mẹt trang trí trong một quán cà phê. Từ đó, mình nảy ra ý tưởng biến mây tre đan thành những sản phẩm đậm chất nghệ thuật”-anh Hoàn chia sẻ.

 Theo anh Trần Văn Hoàn, mây tre là chất liệu dân gian, tạo cảm hứng cho người thợ khi sáng tạo. Ảnh: Mai Ka
Theo anh Trần Văn Hoàn, mây tre là chất liệu dân gian, tạo cảm hứng cho người thợ khi sáng tạo. Ảnh: Mai Ka



Năm 2019, anh Hoàn cùng với một số bạn trẻ viết thư pháp và có năng khiếu trong lĩnh vực trang trí, decor đầu tư thời gian, tâm sức, từng bước biến những chiếc mẹt, nia, rá… thành các sản phẩm mang phong cách khác nhau dùng trong trang trí nội thất, quán cà phê, quán ăn… Những dòng thư pháp nối cùng hoa cỏ trên các sản phẩm mây tre mang vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên kết hợp thiết kế tối giản tạo nên sự sang trọng và không kém phần tinh tế. “Khi nhận thấy các sản phẩm được khách hàng yêu thích, mình đã mạnh dạn chuyển hẳn thành cửa hàng Decor mây tre đan. Mình cũng nhập thêm nhiều sản phẩm mây tre đan ở miền Bắc để đa dạng mặt hàng. Ngoài việc viết thư pháp trên rổ, rá, mẹt…, mình cùng các bạn còn thực hiện trang trí các loại tiểu cảnh trên những bức mành tre. Ngoài ra, cửa hàng còn có thêm các loại đèn trang trí, bình hoa, giỏ đựng quà… cũng làm từ mây tre đan”-anh Hoàn cho hay.

Là người chịu trách nhiệm thiết kế các tiểu cảnh, chị Nguyễn Thị Vân Quỳnh (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: “Từ nhỏ, mình đã rất đam mê các sản phẩm thủ công nên rất hào hứng khi cộng tác cùng anh Hoàn để phát triển dòng sản phẩm này. Tùy theo sở thích, yêu cầu của khách hàng mà mỗi sản phẩm là một sự sáng tạo riêng, rất tinh xảo và đặc sắc. Những món đồ mây tre thoáng nhìn tưởng đơn giản song sẽ là điểm nhấn khiến ngôi nhà, cửa hàng vừa mang dáng vẻ nhẹ nhàng, mộc mạc, gần gũi song cũng không kém phần hiện đại nếu gia chủ có gu nghệ thuật, biết cách bài trí”.

Những sản phẩm giỏ đựng quà, hộp đựng bánh mứt được làm từ mây, tre thân thiện với môi trường. Ảnh Mai Ka
Những sản phẩm giỏ đựng quà, hộp đựng bánh, mứt được làm từ mây, tre thân thiện với môi trường. Ảnh Mai Ka


Theo anh Hoàn, mây, tre là chất liệu dân gian, gắn bó với cuộc sống bình dị, dân dã của người Việt từ bao đời nay. Không chỉ là nguyên vật liệu để làm ra những vật dụng thông thường trong cuộc sống, ngày nay, qua bàn tay khéo léo của người thợ, những sản phẩm từ mây tre đã được nâng tầm nghệ thuật, phù hợp với không gian của nhiều gia đình, nhà hàng, quán xá... “Mình đã lên ý tưởng cho những bức mành tre và trang trí lên đó không gian của ngày lễ Noel hay Tết Nguyên đán. Ngoài việc viết các dòng chữ thư pháp phù hợp, mình kết hợp tông màu đỏ, vàng với bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ. Sản phẩm này được nhiều người yêu thích và đặt hàng”-anh Hoàn cho hay. Hầu hết sản phẩm của anh Hoàn có giá cả vừa phải nên phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Những bức mành tre tiểu cảnh có giá 1,5-5 triệu đồng (tùy kích cỡ); đèn lồng, bình hoa có giá từ 150 đến 300 ngàn đồng/sản phẩm… Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Hoàn thu về khoảng hơn 150 triệu đồng.

Các tiểu cảnh từ mây, tre đan được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Mai Ka
Các tiểu cảnh từ mây, tre đan được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Mai Ka


Chị Nguyễn Ngọc Thanh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi là khách hàng thường xuyên của cửa hàng Decor mây tre đan. Các món đồ nội thất làm từ chất liệu này vừa đem lại cảm giác gần gũi thiên nhiên, thân thiện với môi trường, giúp ngôi nhà và quán cà phê của tôi mang phong cách nhẹ nhàng nhưng không kém phần sang trọng”.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chàng trai 9X Trần Văn Hoàn cho biết, anh sẽ tiếp tục có nhiều ý tưởng mới mẻ, hiện đại để nâng tầm cho các sản phẩm mây tre đan truyền thống với hy vọng đưa những sản phẩm này vươn ra thị trường ngoài tỉnh.

 

 MAI KA

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.