Ngày mai (10.8), gần 300.000 sĩ tử sẽ bước vào ngày thi thứ hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội, gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Những bí kíp "nằm lòng" sau đây sẽ giúp các bạn thí sinh đạt được kết quả tốt nhất với bài thi tổ hợp này.
Đỗ Thị Phương Huệ - Thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2019. Ảnh: Văn Thắng. |
Với kinh nghiệm học tập và ôn luyện của bản thân, bạn Đỗ Thị Phương Huệ - Thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2019 đã chia sẻ về bí quyết để đạt được kết quả tốt nhất trong bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội.
"Bí quyết đầu tiên để đạt điểm cao trong khối ngành khoa học xã hội là phải học chắc kiến thức cơ bản. Đây là nền tảng, bản chất của mọi vấn đề.
Tiếp đến, phương pháp làm bài sẽ quyết định đến kết quả của mỗi sĩ tử. Đối với bài thi trắc nghiệm, mình tin rằng phương pháp loại trừ là phương pháp hữu dụng. Bên cạnh đó, phân bố thời gian từng câu hỏi cũng là điều quan trọng" - Phương Huệ cho biết.
Ở mỗi môn thi, Phương Huệ cũng đưa ra những nhắc nhở để các bạn sĩ tử có thể tự tin, bình tĩnh hơn trong quá trình làm bài: "Một lưu ý quan trọng đối với môn Lịch sử là đa phần những câu hỏi trong đề đều không đề cập đến thời gian diễn ra sự kiện lịch sử, vì vậy, các bạn cần móc nối những sự kiện lịch sử theo logic, theo giai đoạn để có thể dễ dàng ghi nhớ hơn.
Đối với môn Địa lý, đây là một môn rất dễ lấy điểm. Đặc biệt, khi bạn hiểu được tính chất của các biểu đồ và có kĩ năng khai thác Atlat tốt nghĩa là bạn đang có từ 3-4 điểm trong đề thi. Để có được kĩ năng khai thác Atlat tốt, mình thường xuyên xem Altat, đọc bản đồ để vận dụng, trả lời các câu hỏi đặt ra. Bên cạnh đó, các sĩ tử bắt buộc phải nắm được những kiến thức cơ bản khác cùng với kĩ năng liên hệ thực tế"
Bất cứ môn thi nào cũng vậy, việc đọc kỹ cấu trúc đề thi và tiến hành ôn luyện bám sát trọng tâm là hết sức quan trọng. Đối với môn Giáo dục công dân, Phương Huệ cho rằng, môn thi này về cơ bản để kiểm tra kiến thức văn hóa xã hội, luật pháp; các câu hỏi đi sâu vào sự vận dụng vào trong cuộc sống thực tế. Chính vì vậy trong quá trình làm bài nếu không biết chắc chắn đáp án, các sĩ tử cần sử dụng các phương pháp làm bài trắc nghiệm như phán đoán, dự báo, loại trừ… để có thể hoàn thành hết các câu hỏi.
Trước kỳ thi quan trọng của hàng nghìn sĩ tử trên cả nước, PGS.TS. Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng chia sẻ những lưu ý khi làm bài thi tổ hợp này: "Để làm tốt môn tổ hợp khoa học xã hội cũng như các môn khác, điều quan trọng nhất là các em cần bình tĩnh, tự tin, từ đó, các em sẽ đạt kết quả tốt nhất với phong độ ổn định nhất".
HÀ THANH (LĐO)