Bếp tháng chạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau ba tháng mưa tầm tã, khoảng đầu tháng chạp, ở Quảng Ngãi quê tôi, trời bắt đầu tạnh ráo.

Bánh nổ - đặc sản nổi tiếng xứ Quảng ẢNH: TRANG THY
Bánh nổ - đặc sản nổi tiếng xứ Quảng ẢNH: TRANG THY
Có hôm mặt trời ló dạng, chiếu vài tia nắng yếu ớt lên mặt đất ẩm. Trời còn lạnh nhưng lòng người vơi bớt nỗi lo bão lũ. Chút nắng hanh gợi người ta nôn nao nghĩ đến Tết. Tháng chạp -tháng người lớn bận rộn hơn, trẻ con náo nức hơn.
Thời nay nghe chuyện những người phụ nữ dành cả tháng chạp làm bánh mứt chỉ để gia đình ăn Tết, chắc có bạn trẻ không tin. Nhưng chuyện đó có thực với mẹ tôi, với quê tôi vào thập niên 60, nửa đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Đó là thời thơ ấu và niên thiếu của tôi trải qua trong gia đình có ba làm công sở, mẹ nội trợ và đàn con đi học. Mẹ tôi không giỏi nữ công gia chánh hơn người khác mà chỉ là người phụ nữ chịu thương chịu khó, tận tụy lo cho chồng con bữa ăn, cái Tết đủ đầy.
Nhà có vườn nuôi nhiều gà. Tháng cuối năm, mẹ để trứng gà làm các món bánh. Thời đó đường cát trắng hiếm, mẹ dành dụm từng ký. Nhà chỉ ăn đường cục nông dân nấu từ nước mía, rút bớt mật. Kho dự trữ của mẹ còn có nếp, bột mì, bột huỳnh tinh, mè, đậu phộng... phơi khô cất kỹ. Hầu hết nguyên liệu làm bánh mứt không phải mua mà thu hoạch từ đám ruộng nếp, vài sào đất trồng mía và mảnh vườn của gia đình. Mẹ chắt chiu để dành từ khi cái Tết còn xa lắc.
Hai loại bánh Tết truyền thống của quê tôi là bánh nổ và bánh thuẫn. Bánh nổ tốn nhiều công, mẹ làm sớm nhất. Ngày Tết se lạnh, cắn từng miếng từ chiếc bánh vuông vắn, trắng mịn, giòn tan, cảm nhận vị ngọt thanh của đường, vị bùi của nếp nổ, chút gừng giã nát cay cay mà thấm thía nỗi vất vả của người làm nên cái bánh qua khá nhiều công đoạn. Bánh thuẫn ít công hơn. Yêu cầu cần đạt là bánh nở bốn cánh như đóa hoa, được tin là đem lại may mắn cho năm mới. Cũng có cái bánh không nở và đám trẻ con được ăn. Vì thế, không nói ra nhưng bọn nhỏ chúng tôi mừng thầm khi thấy vài cái bánh láng o như cái đầu hói!
Sau đó, mẹ làm bánh in, bánh hạt sen, bánh mè, mì xốp, bánh bó... Hồi đầu mẹ làm cả bánh và mứt. Khi chị ba, chị tư lớn lên, mẹ giao việc làm mứt cho hai chị. Hai món mứt chính là gừng và dừa. Các chị còn làm mứt khoai lang tỉa hình lá. Mứt cà rốt, đu đủ tỉa hình hoa, mứt me vàng ngà, mứt khế xanh xanh... Phần vụn của vừng, dừa, cà rốt... hai chị tỉ mỉ xắt sợi cùng trái thơm rim thành món mứt dẻo vàng óng. Gừng tốn nhiều công xắt, luộc, xả nước lạnh nhiều lần rồi mới rim. Tôi cùng chị sáu, anh bảy bưng đèn, xách rổ giúp chị ba, chị tư xả gừng nơi giếng cuối vườn. Đêm tháng chạp tối đen. Mấy chị em nói cười thật to cho đỡ sợ ma!
Hai chị ra riêng. Việc làm mứt giao cho chị sáu và tôi. Gần Tết, chị sáu học ở Huế mới về. Hai chị em thức đọc báo xuân, canh thau mứt liu riu trong bếp, bên ngoài gió đông rào rạt lạnh buốt. Cứ thế năm tiếp năm, bếp tháng chạp của mẹ thơm lừng mùi Tết. Đi học về tới sân, đám con nít đã hít hà. Chưa thay đồng phục đã chạy vào bếp chờ mẹ sai vặt và dúi cho vụn bánh mứt. Thích nhất là được cạo vét thau vừa rim mứt xong. Lớp mứt dẻo dẻo ở đáy thau không có gì ngon bằng. Đêm, đèn bếp sáng tận khuya. Hàng xóm cũng bận rộn làm bánh mứt, đôi khi chạy qua nhau học kinh nghiệm, xem thành quả của nhau. Và mùa xuân đang nhẹ bước tới gần. Thời gian chờ Tết dường như vui hơn Tết.
Sau 1975, cuộc sống khó khăn, mẹ chỉ làm một ít bánh mứt Tết. Tháng chạp của mẹ bớt rộn ràng. Các con lớn lên, rời quê. Mẹ ngày càng già yếu. Một lần về quê, tôi thấy bánh mứt Tết ở nhà là do mẹ mua. Vẫn là những món truyền thống. Mẹ không hình dung được việc cúng tổ tiên bằng bánh qui, bánh kem trong hộp thiếc và các thứ mứt ngoại nhập.
Ba mẹ lần lượt qua đời. Căn nhà cũ, gian giữa vẫn là phòng khách, có đặt bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà, nay thêm di ảnh ba mẹ. Các phòng hai bên đám con gọi đùa là “khách sạn không đồng” dành cho ai ghé thăm vườn nhà xưa. Tôi về một lần Tết, nhận ra mùi hương tháng chạp không phải từ gian bếp vắng lặng của mẹ mà từ bếp nhà vợ chồng em trai, sát nhà ba mẹ. Cô em dâu trộn đường và gừng trong chiếc thau nhôm, đặt lên hỏa lò. Ba chị em ngồi bên lò than tí tách lửa hồng. Bên kia hàng rào vườn hàng xóm ướt đẫm một cơn mưa lạnh giá. Cậu em ôm guitar đàn hát mấy bản nhạc xuân. “Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người” (Nhớ một chiều xuân - Nguyễn Văn Đông). Không chỉ một người, tôi đang nhớ, rất nhớ những người thân yêu một thời bếp tháng chạp của mẹ rất rộn ràng, rất thơm, rất ấm.
Theo Trần Thị My Ty (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.