Bệnh viện quốc tế quy mô 1.000 giường bệnh ở Gia Lai khi nào thành hiện thực?.

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế. Đặc biệt, Bệnh viện quốc tế quy mô 1.000 giường bệnh là một trong những mục tiêu mà tỉnh hướng đến.

Nằm trong trục Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, tỉnh Gia Lai đang xây dựng TP. Pleiku trở thành "đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe".

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 2 diễn ra chiều 30-11-2023 với chuyên đề về "Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", liên quan đến công tác quy hoạch vùng nói chung, quy hoạch tỉnh Gia Lai nói riêng, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã đề xuất: “Gia Lai mong được cho phép xây dựng một dự án Bệnh viện quốc tế với quy mô 1.000 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho Nhân dân 13 tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đang gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng để chính thức đi vào hoạt động trong tháng 1-2024. Ảnh minh họa: Hà Duy

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đang gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng để chính thức đi vào hoạt động trong tháng 1-2024. Ảnh minh họa: Hà Duy

Đây là đề xuất quan trọng và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh từ nay đến năm 2050 với mục tiêu sẽ là tỉnh “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”; trong đó, TP. Pleiku là thành phố cao nguyên vì sức khỏe.

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, bền vững, theo hướng hiện đại, TP. Pleiku đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu này, như chú trọng đầu tư hệ thống cây xanh đô thị, cải tạo, nâng cấp hệ thống công viên, hoa viên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Công viên Diên Hồng, Lâm viên Biển Hồ, trục cảnh quan dọc suối Hội Phú...

Đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp năng lượng tái tạo nhằm giữ gìn môi trường cũng như tạo nên một thành phố xanh-sạch-đẹp.

Đặc biệt, để trở thành cao nguyên xanh vì sức khỏe, TP. Pleiku không thể thiếu việc phát triển hệ thống y tế. Hiện nay, hệ thống y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố đang có sự phát triển, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Trên địa bàn phố núi Pleiku có 6 bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế TP. Pleiku với 1.620 giường bệnh; 2 bệnh viện quân đội với 650 giường bệnh; 3 bệnh viện tư nhân đang hoạt động cùng với 847 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.

Tuy nhiên, nếu để phục vụ cho mục tiêu trở thành trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, trung tâm của Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, là cao nguyên xanh vì sức khỏe thì vẫn cần đầu tư phát triển thêm hệ thống y tế.

Ông Võ Văn Sung-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch thuật-Du lịch-Thương mại Hữu nghị Việt Nam-Campuchia-cho biết: “Từ trước đến nay cũng đã có rất nhiều người dân Campuchia sang khám, chữa bệnh tại Gia Lai, và hiện tại, nhu cầu này vẫn đang rất lớn. Chúng ta nên xem xét để phát triển, đáp ứng nhu cầu này”.

Còn ông Rơ Châm Tiu-người dân xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) cũng thông tin: “Ia Dom là một trong những xã giáp biên giới Campuchia nên người dân 2 bên qua lại rất nhiều. Tôi được người dân cho biết, nhu cầu đi lại để khám-chữa bệnh, thăm thân của người dân 2 bên biên giới rất lớn”.

Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân hai bên khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh rất lớn. Ảnh: Hà Duy

Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân hai bên khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh rất lớn. Ảnh: Hà Duy

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở khám-chữa bệnh chất lượng cao, theo ông Đinh Cao Cường-cán bộ hưu trí (tổ dân phố 1, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cũng góp ý thêm: “Với định hướng xây dựng Gia Lai trở thành tỉnh “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe” thì việc có một viện dưỡng lão chất lượng cao cũng nên nghĩ tới.

Trong nhiều cuộc trò chuyện giữa tôi với bạn bè đã nghỉ hưu, có nhiều ý kiến mong muốn rằng TP. Pleiku có viện dưỡng lão chất lượng cao. Đó là khu chăm sóc, nuôi dưỡng với đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng. Người già vào đó, ngoài được chăm sóc sức khỏe còn được thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, giải trí.

Chúng tôi vào đó không phải do không muốn gần gũi con cái hay ngược lại, mà đơn giản là chúng tôi có nhu cầu được gặp bạn bè cùng trang lứa để giao lưu, chuyện trò... Viện không chỉ phục vụ cho người già trong tỉnh, mà có thể phục vụ cho nhu cầu của người già ở các tỉnh lân cận”.

Có thể thấy, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe đã không còn giới hạn cho người bệnh, mà còn là của nhiều đối tượng khác. Việc xây dựng khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, viện dưỡng lão chất lượng cao… là những dự án cần có để hoàn thiện hạ tầng của một thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe.

Mà trước mắt, bệnh viện quốc tế chất lượng cao quy mô 1.000 giường bệnh chính là dự án cần thiết và phù hợp với định hướng phát triển của Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.