Bệnh tay chân miệng dễ nhầm lẫn với sốt mọc răng và bệnh khác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều trẻ mắc tay chân miệng nằm trong độ tuổi từ 1-5, một số không có nốt phát ban trên tay chân, do đó nhiều phụ huynh nhầm lẫn con đang sốt mọc răng.
Chủ quan vì cho rằng con sốt mọc răng
Ngày 27.5, ThS.BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bé B.Q.A (18 tháng tuổi, ở TP.HCM) sốt đến ngày thứ 3 thì được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng giật mình, quấy khóc, sốt cao không hạ. Bé được theo dõi đặc biệt tại phòng cấp cứu và được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2B. Theo chị Liên (mẹ bé A.), 4 ngày trước con chị bỏ ăn, tối ngủ lên cơn sốt 39 độ, gia đình cho trẻ uống thuốc thì cắt được cơn sốt. Sáng hôm sau cho con đi khám tại phòng khám gần nhà, nhân viên y tế tại đây cho biết bé Liên đang sốt mọc răng.
“Do tay chân bé cũng không có nốt đỏ nên tôi chỉ nghĩ con bị sốt mọc răng, không biết cháu bị tay chân miệng. Hôm qua con uống hạ sốt nhưng vẫn sốt cao trên 40 độ, giật mình liên tục. Gia đình sợ quá nên cho con đi cấp cứu ngay, may còn kịp thời”, mẹ bé chia sẻ.
Anh P.Đ.H (32 tuổi, sống tại Bình Dương) cũng hốt hoảng khi trên người con trai bỗng xuất hiện nhiều nốt đỏ sau một đêm dù con không sốt, không đau miệng. Do năm trước, con anh H. cũng đã mắc tay chân miệng nên lần này anh rút kinh nghiệm đưa con vào viện khám sớm để tránh biến chứng. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 1, thể nhẹ, có thể điều trị ngoại trú, chỉ cần uống thuốc và bổ sung dinh dưỡng.
“Ở lớp học của con, các cô thông báo đang có dịch tay chân miệng nên tôi cũng lưu ý, nếu con bị thì điều trị sớm sẽ nhanh khỏi chứ để lâu lỡ có biến chứng gì rất nguy hiểm”, anh H. cho biết.
Dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác
Theo ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, bệnh tay chân miệng là một bệnh do siêu vi trùng đường ruột, thuộc hai nhóm là Coxsackievirus và Enterovirus. Vi trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua đường tiêu hóa khi tay chân của bé bẩn hoặc người tiếp xúc, người chăm sóc bé không giữ bàn tay sạch.
Trẻ bị tay chân miệng thường có những biểu hiện điển hình như loét miệng, lòng bàn tay bàn chân có những nốt phát ban hoặc bọng nước. Tuy nhiên có những trẻ chỉ nổi nốt ở ngoài da tay chân mà miệng không có biểu hiện và ngược lại. Một số trường hợp tay chân miệng sang thương có thể nổi cả ở trên mông, trên đầu gối hoặc là ở cùi chỏ.
 
Trẻ có những nốt phát ban trên lòng bàn tay chân. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Trẻ có những nốt phát ban trên lòng bàn tay chân. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Theo bác sĩ Thoa, trẻ mắc tay chân miệng đa số dưới 5 tuổi, trùng vào thời điểm trẻ mọc răng và đôi khi trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng làm cho trẻ chảy nước miếng hay biếng ăn nên nhiều cha mẹ nhầm lẫn trẻ bị mọc răng, không phát hiện bệnh kịp thời. Ngoài nhầm lẫn với sốt mọc răng, nhiệt miệng, tay chân miệng còn hay bị chẩn đoán nhầm với sốt phát ban, thậm chí là thủy đậu do các nốt bóng nước trên cơ thể.
“Đối với những trường hợp khó, đôi khi bác sĩ cần phải có kinh nghiệm về bệnh tay chân miệng mới có thể chẩn đoán bệnh. Do đó, việc phụ huynh nhầm lẫn giữa tay chân miệng và các bệnh khác là điều dễ hiểu”, bác sĩ Thoa nói.
Cũng theo bác sĩ Thoa, tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu và đến nay cũng chưa có vắc xin phòng ngừa nên việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và theo dõi biến chứng. Khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ nên cho trẻ đi khám để có chẩn đoán sớm. Nếu mắc bệnh, trẻ phải được tái khám thường xuyên, thường là cách khoảng 1- 2 ngày để phát hiện kịp thời biến chứng nếu có.
Cha mẹ nên cho trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu trẻ có những dấu hiệu như sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt quá 48 tiếng, hay trẻ có biểu hiện ngủ giật mình chới với, đi không vững như bình thường hoặc có biểu hiện nôn ói, nhợn ói liên tục, thở bất thường, thở mệt hoặc ngủ li li bì không thức dậy, vã mồ hôi lạnh…
Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng
Mặc dù 70% ca tay chân miệng ở thể nhẹ, đa số tự khỏi nhưng cũng có một số trẻ gặp phải biến chứng nặng. Trường hợp biến chứng nặng có thể tấn công vào não gây tổn thương trung tâm hô hấp, tuần hoàn làm cho trẻ dễ diễn tiến tới suy hô hấp và tuần hoàn, có thể tử vong.
Theo bác sĩ Kim Thoa, với trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng, cha mẹ nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi trẻ bị sốt, an toàn nhất là sử dụng paracetamol. Một số trẻ không sốt cao nhưng nếu bé bị đau miệng do loét họng nhiều thì cũng có thể sử dụng thuốc paracetamol để giảm đau miệng.
 
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVĐK TÂM ANH
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVĐK TÂM ANH
Tại nhà, các bậc phụ huynh nên lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng. Phụ huynh nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, mềm, không cho trẻ ăn thức ăn chua, quá nóng hay cay. Nếu cần, có thể xay nhuyễn thức ăn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm đến vệ sinh răng miệng cho trẻ vì những trẻ bị tay chân miệng rất ngại đánh răng và dễ ứ đọng nước miếng do trẻ bị đau miệng, không dám nuốt.
Nếu cha mẹ không giữ vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ, trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng răng miệng, đặc biệt là viêm nướu răng, làm cho thời gian điều trị kéo dài và nguy cơ trẻ bị sụt cân.
Đối với vấn đề chăm sóc da, phải thường xuyên tắm rửa cho trẻ, để trẻ ăn mặc thoáng mát, không ủ trẻ quá kín, tránh không bôi hoặc đắp các loại lá cây hay thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
Theo Lê Cầm (TNO)

Có thể bạn quan tâm

4 lợi ích của rau chân vịt khi ăn vào mùa đông

4 lợi ích của rau chân vịt khi ăn vào mùa đông

Rau chân vịt (còn gọi cải bó xôi, rau bina) được xem là siêu thực phẩm vào mùa đông vì chứa đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể ngăn ngừa các bệnh theo mùa và thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, loại rau này có lượng calo thấp nên rất phù hợp cho chế độ ăn giảm cân.

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.