"Báu vật" làng biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hình ảnh rừng cây phi lao phòng hộ dọc ven biển miền Trung là khá phổ biến. Thế nhưng, rừng phi lao phòng hộ hàng trăm năm tuổi, phần thân cổ thụ phải mấy người ôm mới xuể như ở ven biển xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là rất hiếm gặp. Người dân nơi đây luôn xem rừng cây này như “báu vật”, là biểu tượng, tài sản, niềm tự hào chung của cả làng.

 Các em nhỏ dưới tán rừng phi lao cổ thụ ở xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
Các em nhỏ dưới tán rừng phi lao cổ thụ ở xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh


Lá chắn xanh

Giữa tháng 6-2022, chúng tôi về Kỳ Nam - xã ven biển - trong cái nắng rát bỏng. Ông Nguyễn Đình Thoại (73 tuổi, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam) dẫn chúng tôi đến “mục sở thị” khu rừng phòng hộ ven biển. Ở nơi đây, cái nắng bỏng rát dường như được xua tan bởi màu xanh mướt của rừng phi lao cổ thụ với gió biển thổi rì rào mát lộng. Tiếng chim ca ríu rít hòa quyện với tiếng sóng vỗ tạo nên bản hòa ca giữa quang cảnh thơ mộng, yên bình. “Có được rừng phi lao cổ thụ này chính là nhờ công lao của nhiều thế hệ người dân xã Kỳ Nam ra sức gìn giữ, bảo vệ. Dọc ven biển miền Trung hiếm có rừng phi lao nào được như vậy”, ông Thoại hào sảng giới thiệu với chúng tôi.

Rừng phi lao phòng hộ ven biển xã Kỳ Nam bắt đầu từ Mũi Đọc cửa sông Xích Mộ, nằm dưới chân dãy Hoành Sơn (thôn Minh Đức) đến Mũi Đao gần quốc lộ 1 (thôn Quý Huệ) với chiều dài gần 3km, rộng khoảng 100m. Trong rừng có hàng ngàn cây cổ thụ sừng sững, cao 20-35m, tán rộng, rất nhiều cây nguyên sinh có đường kính thân phải 2-3 người ôm mới xuể. Gốc cây gân guốc, lớp vỏ sần sùi và chi chít ụ nổi lồi lõm. Nhiều cây vẫn còn mang đầy những dấu tích “vết thương” do sự tàn phá của các đợt thiên tai bão tố.

Theo ông Thoại, hiện nay trong thôn không còn ai biết chính xác rừng phi lao này được trồng từ bao giờ. Thế hệ như ông khi sinh ra đã thấy rừng cây phát triển xanh tốt, sừng sững ở đó. Ngoài tác dụng ngăn sạt lở đất, cát bay, chống biến đổi khí hậu, rừng còn che chắn sóng, gió bão bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân thôn Minh Đức nói riêng và xã Kỳ Nam nói chung. “Từ trước, chúng tôi được nghe cha ông kể lại rằng, rừng phi lao này đã tồn tại ít nhất là 200 năm. Trong những năm chiến tranh ác liệt, rừng bao bọc, che chở cho dân quân địa phương, bộ đội đóng quân chiến đấu bảo vệ bờ biển Kỳ Nam. Sau hòa bình lập lại, nhờ có rừng cây này che chắn, bảo vệ vững chãi trước tác động của bão tố, gió chướng nên cuộc sống, sản xuất của người dân trong vùng được ổn định và phát triển. Rừng cũng làm “lá chắn xanh” tạo cảnh quan môi trường sinh thái, thu hút người dân đến nghỉ ngơi, ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm và là nơi các đàn chim tự nhiên bay về trú ngụ, sinh sôi nảy nở”, ông Thoại chia sẻ.

Bảo vệ rừng cho tương lai

Theo ông Thoại, điều kiện thời tiết ở Kỳ Nam rất khắc nghiệt. Đất nơi đây khô cằn sỏi đá, nhiễm mặn, bão tố ngày một mạnh hơn. Nếu không có rừng phi lao cổ thụ này bao bọc thì 80 hộ dân với 245 nhân khẩu trong thôn sẽ rất khó sinh sống, sản xuất - kinh doanh. Ngày trước, rừng rậm rạp gấp nhiều lần so với bây giờ nhưng trải qua các đợt bão lớn tàn phá vào năm 1987, 2010... làm nhiều cây không trụ vững mà bật gốc, đổ ngã. “Bao đời nay, không chỉ người dân ở thôn Minh Đức mà các thôn khác trong xã đều quý trọng, xem rừng như “báu vật”, là tài sản vô giá, là biểu tượng, niềm tự hào. Chúng tôi luôn nhắc nhở, giáo dục các thế hệ con cháu chung tay gìn giữ, bảo vệ, phát triển rừng của tương lai quê hương”, ông Thoại cho hay.

 

Xã Kỳ Nam nằm dưới chân dãy Hoành Sơn hùng vĩ, phía Đông giáp biển. Đây là địa phương ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, cách trung tâm TP Hà Tĩnh trên 80km. Hiện toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên là hơn 18km2, dân số gần 3.000 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm nghề biển.

Vừa đi hái lá vằng trên dãy Hoành Sơn trở về qua khu rừng, bà Bùi Thị Vách (79 tuổi, ngụ thôn Minh Đức) chia sẻ: “Rừng phi lao đã gắn bó như máu thịt với các thế hệ người dân xã Kỳ Nam. Nhờ có rừng mà ruộng vườn sản xuất, nhà cửa không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự tàn phá của sóng biển hay gió bão. Vì vậy, chúng tôi luôn ra sức gìn giữ, bảo vệ, không chặt phá”.

Năm nay ở tuổi 93 tuổi, sức khỏe yếu, sự minh mẫn giảm hơn so với trước nhưng khi hỏi về rừng phi lao thì ông Mai Lương Dụ (ngụ thôn Minh Đức) rất hào hứng. Ông Dụ cho hay, cuộc đời ông đã gắn bó với khu rừng này. Ngày trước trong làng có quy ước bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt, bất cứ người nào dù là già hay trẻ nếu phát hiện đi vào rừng chặt phá, làm tổn hại đến cây rừng đều bị dân làng đem ra xử phạt rất nặng nên không ai dám vi phạm. Mỗi lần gió bão càn quét qua, nhiều cây bị đổ ngã, sau bão trong thôn nhà dân cũng bị thiệt hại nhưng nhiều người dân chưa vội khắc phục mà mang theo các vật dụng chạy thẳng ra khu rừng cùng nhau chống đỡ, dựng lại từng cây đổ rồi mới trở về nhà khắc phục thiệt hại nhà mình. “Ý thức quý rừng, gìn giữ và bảo vệ rừng như máu thịt luôn được các thế hệ người dân trong làng tiếp nối nhau. Ngày nay, khi đời sống càng được nâng cao thì người dân nơi đây lại càng quý rừng hơn”, ông Dụ chia sẻ với niềm tự hào về rừng cây.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, cho biết, rừng phi lao phòng hộ ven biển của xã này có diện tích trên 25ha với khoảng 40.000-50.000 cây, trong đó chủ yếu là cây nguyên sinh cổ thụ. Để gìn giữ, bảo vệ, phát triển rừng, chính quyền địa phương đã giao lại cho người dân thôn Minh Đức quản lý, chăm sóc và hàng năm người dân trong thôn đều tổ chức trồng thêm cây phi lao nhằm bổ sung, thay thế những cây bị gió bão làm gãy đổ. Trong đó, riêng giai đoạn từ năm 2012-2015 có trên 3.000 cây phi lao được trồng mới. Nhờ vậy, rừng cây luôn phát triển xanh tốt, rậm rạp.


Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, sắp tới có một số dự án về triển khai đầu tư gần khu vực rừng phi lao phòng hộ, nhưng phía nhà đầu tư cam kết sẽ giữ lại rừng để tạo môi trường sinh thái, khai thác phát triển du lịch. Quan điểm của địa phương là luôn ưu tiên giữ rừng, bởi đây là vốn quý của tự nhiên cũng như là bảo vệ cuộc sống của người dân.

Theo DƯƠNG QUANG (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.