Bát nháo phân lô, bán nền tại Nam Trung bộ - Tây Nguyên - Bài 2: Hiểm họa từ xẻ núi, bạt đồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ nạn xẻ đất nông nghiệp, đất đìa mà nạn phân lô bán nền còn xảy ra tại các điểm, dự án trên đất rừng, trên núi gây nguy hiểm đến các khu dân cư phía dưới. Nhiều vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại các dự án như thế, nhưng không hiểu vì sao tình trạng này vẫn có dấu hiệu ngày càng phình to. 
Phá núi, phá rừng
Thời gian qua, TP Nha Trang (Khánh Hòa) nổi lên tình trạng phân lô bán nền tràn lan trên các vị trí đồi núi nhạy cảm. Xã Phước Đồng nằm cách trung tâm TP Nha Trang chỉ một cây cầu, nhưng tình trạng phá núi, phá rừng phân lô lại nhộn nhịp như cả đại công trường. Phước Đồng có diện tích tự nhiên rất lớn, lại có nhiều núi, đồi, sườn đồi… là nơi lý tưởng để “nậu” đất nhảy vào thu gom, phân lô trái phép.
Ban đầu, việc phân lô bán nền diễn ra ở các vị trí bằng phẳng, ít dốc, nhưng rồi quỹ đất cạn dần nên nhiều đối tượng xẻ cả núi, đất rừng để lấy mặt bằng phân lô. Phước Đồng dần trở thành “điểm nóng” của tình trạng xẻ núi, phá rừng phân lô trong thời gian dài.Theo chỉ dẫn của người dân, len lỏi qua những con đường nhỏ, dốc ngoằn ngoèo, chúng tôi phát hiện hàng chục hécta đất đồi, núi ở xã Phước Đồng bị đào bới, san ủi, phân lô bán nền. 
Đến thôn Phước Lợi, nằm cách trung tâm xã trong bán kính một cây số, chúng tôi thật ngỡ ngàng thấy tình trạng san ủi đất nền quá rầm rộ. Tại một số điểm, xe múc, xe tải thi công rầm rầm giữa ban ngày. Đã nhiều lần đến đây thị sát, chúng tôi chứng kiến xe múc vẫn miệt mài khoét núi, còn xe tải thì vô tư chở đất đi nơi khác. Núi bị khoét không lâu, một khu dân cư đã hình thành với hàng chục hộ xây nhà kiên cố và thậm chí có người đến ở. Một số người dân ở đây thừa nhận, biết xây nhà ở đây là vi phạm, nhưng vì nghèo nên phải mua đất rẻ để cất nhà. 
Tại thôn Phước Hạ có cả tình trạng san ủi, phân lô, xây tường bao trái phép trên đầu khu dân cư. Người dân địa phương cho biết, khu đất này là rừng sản xuất được ông Ph. mua lại rồi thuê máy múc, máy ủi về đào núi, san phẳng, chia thành từng lô chừng 100m²/lô. Để giữ đất cho khu dân cư trên cao này, ông Ph. làm một kè đá tạm bợ, dài cả trăm mét, cao gần 10m. Phía dưới kè đá là khu dân cư hiện hữu với hàng chục hộ thấp thỏm sợ hãi mỗi khi có tiếng động lớn từ việc san ủi.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 105 triệu đồng đối với ông Ph. vì làm biến dạng đất; yêu cầu ông khôi phục lại tình trạng ban đầu. Tuy nhiên, việc trả lại hiện trạng như ban đầu là rất khó, bởi theo Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng Bùi Cao Pháp, việc tháo dỡ bức tường này phải có phương án để di chuyển khối đất đá rất lớn ở phía trên. Nếu không tháo dỡ thì phải có biện pháp gia cố chắc chắn bức tường để không gây nguy hiểm. 
Như vậy, vai trò của chính quyền địa phương ở đâu khi để cho xảy ra vi phạm kéo dài và đến nay lại loay hoay tìm giải pháp khắc phục, thậm chí đang dừng lại ở việc kiến nghị, xử phạt hành chính! Trong khi đó, hàng ngàn tấn đất đá đang treo trên đầu dân, khiến người dân ăn ngủ không yên. 
Tại TP Đà Lạt, do địa hình đồi núi, nhiều triền dốc nên để xây dựng được công trình, các chủ đầu tư đã thay đổi hiện trạng đất bằng cách khoét núi. Nhiều tháng sau khi có quyết định đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép xây dựng, mối hiểm họa sạt lở vẫn hiện hữu tại công trình khách sạn Diamon Hill (đường Khe Sanh, TP Đà Lạt).
Tại công trình này, từ một ngọn đồi có độ dốc lớn, chủ đầu tư đã cố tình đưa máy múc vào “bạt” phần đất dưới chân đồi cao khoảng 15m (so với mặt đường) tạo ra khoảng trống lớn. Để gia cố vị trí đã bị biến dạng, chủ đầu tư cho tiến hành xây bờ kè ta luy (không giật cấp) thay vì dựng tường vây cọc khoan nhồi, giật thành 2 cấp. Sau đó, công trình này liên tiếp vi phạm các quy định về trật tự xây dựng, bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép. 
Không chỉ thay đổi hiện trạng đất tại các dự án được cấp phép, gần đây tại Đà Lạt còn xuất hiện tình trạng san gạt đất rừng trái phép để tạo từng lô đất mới. Tính từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn TP Đà Lạt có hơn 70 trường hợp với hàng trăm lô đất được chủ đất đưa máy múc vào múc đất, giật cấp thay đổi địa hình, sau đó bán lại cho người có nhu cầu làm nhà.
Cạo trọc núi để xây biệt thự
Núi Cô Tiên ở phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang) được biết đến là ngọn núi đẹp với vị trí đắc địa, có một mặt hướng thẳng ra vịnh Nha Trang. Núi này còn có chức năng điều tiết hệ sinh thái, chống sạt lở, phòng hộ… Thế nhưng, trước lợi nhuận đem lại từ việc phân lô bán nền, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã nhảy vào đây xẻ núi.

Rừng trên núi Cô Tiên (TP Nha Trang) bị chặt phá trái phép để phân lô bán nền. Ảnh: VĂN NGỌC
Rừng trên núi Cô Tiên (TP Nha Trang) bị chặt phá trái phép để phân lô bán nền. Ảnh: VĂN NGỌC
Chúng tôi men theo chân núi Cô Tiên đến khu vực hồ Suối Tôm - được coi là điểm nóng về tình trạng xây dựng trái phép, đào núi, san ủi đất rừng làm nhà ở. Ngay đối diện hồ nước này là một khoảng đất rộng chừng 1.000m² đã bị san ủi, chia làm 3 bậc từ thấp lên cao rồi kè móng bằng đá chẻ, đổ bê tông cốt thép. Cạnh đó, một khu đất rộng tương tự đã được san ủi bằng phẳng và kè móng kiên cố, chờ phân từng lô nhỏ để bán. Hình thức phân lô kiểu này thường để bán lại cho người thu nhập thấp với giá dao động từ 100 - 300 triệu đồng/lô 100m2, tùy theo vị trí.
Không chỉ xảy ra tình trạng phân lô nhỏ lẻ, mà quần thể núi Cô Tiên còn bị hàng loạt dự án bủa vây. Theo thống kê, núi Cô Tiên hiện có gần 30 dự án bất động sản phân lô bán nền, biệt thự, khu du lịch sinh thái... đã được thỏa thuận đầu tư. Trên thực tế, một số dự án đã hoạt động xẻ núi, san nền phân lô khiến núi bị biến dạng. Vào mùa mưa, đất đá trên núi đổ về gây nguy hại vùng dân cư, nhiều tuyến đê, đường sạt lở tứ bề, nham nhở. Trong số các dự án trên núi Cô Tiên phải kể đến dự án biệt thự của Công ty TNHH Tâm Hương (TP Nha Trang).
Cuối năm 2019, nhiều biệt thự của Công ty Tâm Hương triển khai đồng loạt, khiến cử tri và báo chí lên tiếng. Sau đó, nhiều cơ quan chức năng địa phương, trong đó có Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra và yêu cầu dừng mọi hoạt động xây dựng tại đây. Tại thời điểm kiểm tra, các biệt thự nơi đây đang xây phần thô, nhưng đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng, dù lệnh cấm thi công đã ban hành trước đó. Dư luận thắc mắc, có hay không việc “chống lưng, bảo kê” cho dự án này?
Điều lạ lùng hơn, theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, hiện nay núi Cô Tiên chưa có quy hoạch 1/2000. Trước đây, các cấp chính quyền và TP Nha Trang đã cấp quy hoạch 1/500 nhưng chưa có quy hoạch chung 1/2000. Đây là quy trình ngược, do đó, nhiều công trình xây dựng trên núi Cô Tiên là bất hợp pháp. Thế nhưng, không hiểu sao nhiều dự án tại đây vẫn triển khai, trong đó có hàng loạt dự án biệt thự Tâm Hương đã hoàn thành.
Theo Đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu đô thị phía Bắc núi Sạn - Nam núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa và Vĩnh Hải) tổ chức trục trung tâm hướng biển có kiến trúc đa dạng, tạo điểm nhấn. Dải đô thị dọc triền núi Hòn Sện và núi Cô Tiên có cốt nền khác nhau theo triền núi. Tuy nhiên, không hiểu vì sao hàng loạt dự án trên núi Cô Tiên vẫn được mọc lên? 
Tại Khánh Hòa, trong 3 năm qua đã xảy ra hàng loạt vụ lở núi, trong đó có vụ sạt lở thảm khốc tại núi Cô Tiên năm 2018 làm 4 người trong một gia đình chết thảm. Riêng tại xã Phước Đồng, trong các năm từ 2017 đến nay đã có hơn chục người chết liên quan đến sạt lở núi. Những con số tang thương đó tưởng chừng đã là lời cảnh tỉnh để xem xét thật kỹ lưỡng việc phê duyệt dự án và quản lý tốt hơn nạn phá rừng, đào núi phân lô bán nền.
NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.