(GLO)- Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các nước thành viên trong Uỷ hội sông Mê Kông quốc tế xây dựng các dự án, chương trình hợp tác nhằm bảo vệ và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước dòng sông Mê Kông. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn các nước liên quan hợp tác theo hướng đó để đáp ứng lợi ích, yêu cầu phát triển bền vững của các nước trong lưu vực sông Mê Kông.
Mê Kông là sông quốc tế, bởi vậy việc khai thác dòng sông này cần tính đến lợi ích của các nước trong lưu vực, bảo vệ môi trường, nguồn nước và dân cư sinh sống dọc bờ sông Mê Kông. Là một nước nằm trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, Việt Nam rất quan tâm đến những thông tin về tác hại của việc khai thác sông Mê Kông tới dòng chảy của sông và môi trường sinh thái, đặc biệt là đối với các nước hạ lưu.
Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam diễn ra ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang vào tháng 12 năm 2017. Ảnh: vnmc |
Tại Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam diễn ra tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang vào tháng 12 năm 2017, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam Trần Hồng Hà, nêu rõ: Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cần xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, đặc biệt các thông tin về phát triển thượng nguồn, diễn biến tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực cho các Tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ, ngành liên quan để chủ động bố trí sản xuất, ứng phó với các diễn biến cực đoan, giảm thiểu thiệt hại cho các địa phương. Ủy ban cần tiếp tục triển khai các nghiên cứu chiến lược, dự báo tác động của phát triển thượng nguồn đến Đồng bằng sông Cửu Long và đấu tranh ngoại giao trên cơ sở các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết về các kế hoạch phát triển của các nước thượng nguồn sẽ gây tác hại nghiêm trọng cho hạ du, đặc biệt các kế hoạch phát triển thủy điện dòng chính và chuyển nước. “Ủy ban cần tăng cường sự tham gia vào đánh giá, thẩm định các kế hoạch, quy hoạch, chiến lược của các ngành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo cách tiếp cận tổng hợp, tiếp cận vùng, tiếp cận lưu vực theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 120/NQ-CP, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương; đồng thời xác định rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương thành viên và các ủy viên Ủy ban trong hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban”- Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước dòng sông Mê Kông cũng là một thông điệp chính được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổ chức vào tháng 4 năm 2018 tại Siêm Riệp, Campuchia. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam mong muốn Ủy hội sông Mê Kông quốc tế tập trung cho sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước Mê Kông và các tài nguyên liên quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Sông Mê Kông là con đường giao thông thủy có ý nghĩa đặc biệt trong thúc đẩy thương mại quốc tế, du lịch, kết nối tiểu vùng và là nguồn sinh kế của 65 triệu cư dân hạ lưu vực. Cùng với đó là nguồn tài nguyên nước, phù sa và sự đa dạng sinh học, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau sông A-ma-dôn, là tài sản chung vô giá của các quốc gia trong lưu vực, là nguồn lực to lớn cho xoá đói nghèo, phát triển kinh tế, giao thương, giảm bất bình đẳng, kết nối vùng... Tuy nhiên, hiện nay lưu vực sông Mê Kông phải đối mặt với những thách thức lớn do khai thác thiếu bền vững tài nguyên nước. Hậu quả là nguồn tài nguyên nước Mê Kông đang bị suy kiệt cả về số lượng và chất lượng, lượng phù sa và chất dinh dưỡng bị suy giảm, hệ sinh thái và môi trường bị suy thoái nghiêm trọng.Các dấu hiệu tiêu cực đó thể hiện rõ rệt và trầm trọng hơn ở các quốc gia hạ lưu Mê Kông, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) và lãnh đạo các nước Lào, Campuchia, Thái Lan thể hiện sự đoàn kết tại Hội nghị cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế. Ảnh: vnmc |
Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tăng cường thực hiện một cách đầy đủ, thực chất, hiệu quả Hiệp định Mê Kông 1995, cũng như Bộ các thủ tục, quy định của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, nâng cao hiệu quả vai trò giám sát và điều phối của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế trong thực hiện cam kết của các quốc gia thành viên; xây dựng Khung Quy hoạch phát triển lưu vực hài hoà với quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia thành viên; đề xuất các dự án chung; tăng cường chia sẻ thông tin, số liệu trong lưu vực sông Mê Công, tăng cường mạng giám sát tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực, lập cơ sở dữ liệu, kiến thức chung của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, tăng cường các hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, nhằm giúp các quốc gia trong quyết định về: quy hoạch tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, ứng phó thiên tai, bảo vệ môi trường và các kế hoạch phát triên kinh tế xã hội.
Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động điều phối, hợp tác với các Đối tác đối thoại, Đối tác phát triển trong việc huy động nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ kỹ thuật hiện đại, phối hợp trong các sáng kiến tiểu vùng, trao đổi thông tin số liệu, hợp tác chia sẻ kỹ thuật. Trong đó, chú trọng hợp tác với cơ chế Hợp tác Mê Kông - Lan Thương (MLC) Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc (UN) và các cơ chế khác như Ủy hội sông Mít-xi-xi-pi, Ủy hội sông Đa-nuýp và tìm hiểu kinh nghiệm về điều phối thực hiện các điều ước quốc tế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế.
PV (th)