Nghiên cứu những tác động từ dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông: Việc làm cấp thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc xây dựng và vận hành các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ở vùng Hạ lưu vực sẽ gây ra nhiều bất lợi trên diện rộng tới môi trường, kinh tế-xã hội tại các quốc gia ven sông, trong đó có Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Chính phủ ta với sự tham gia của Chính phủ Lào và Campuchia đã đề xuất tiến hành Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính con sông này đến môi trường tự nhiên cũng như con người ở Châu thổ Mê Kông của Campuchia và Việt Nam.

Những thách thức trong tương lai

Theo báo cáo hiện trạng lưu vực của Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế (MCR), vùng Hạ lưu vực sông Mê Kông có khoảng 60 triệu người sinh sống. Điều kiện sinh kế và an ninh lương thực của người dân nơi đây có mối liên hệ chặt chẽ với dòng sông và những nguồn tài nguyên mà con sông này đem lại. Do vậy, Chính phủ của tất cả các quốc gia Hạ lưu vực Mê Kông đều mong muốn phát triển thủy lợi, xây dựng các công trình thuỷ điện và sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích khác nhằm đem lại lợi ích cho hàng triệu dân nghèo tại các vùng nông thôn. Đồng thờI, họ cũng nhìn nhận được rằng, nhu cầu phát triển nguồn tài nguyên nước và đem lại lợi ích cho người dân nông thôn cần phải được cân bằng với nhu cầu hiện tại của những người nông dân mà ngoài trồng trọt ra còn đang một phần sống dựa vào đánh bắt thuỷ sản hoặc thu lượm lương thực, nguyên liệu từ rừng và các vùng đất ngập nước.

Việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông Mê Kông sẽ ảnh hưởng tới sinh kế hàng chục triệu người. Ảnh: TTO
Việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông Mê Kông có thể sẽ ảnh hưởng tới sinh kế hàng chục triệu người. Ảnh: TTO

Với những tiềm năng của mình, Mê Kông được dự kiến sẽ trở thành vùng phát triển thuỷ điện tích cực nhất trên thế giới. Ở vùng thượng lưu, Trung Quốc đang xây dựng một bậc thang lên tới tám công trình đập thủy điện. Những dự án này có thể phân bổ một lượng nước đáng kể từ mùa mưa sang mùa khô. Ở vùng hạ lưu, các con đập mới đang được lên kế hoạch xây dựng cả trên dòng chính cũng như các dòng nhánh của con sông. Tiềm năng thuỷ điện vùng Hạ lưu vực Mê Kông được ước tính ở mức 30.000 MW, trong đó khoảng 10% đã được khai thác từ các công trình trên các dòng nhánh của sông. Phần lớn các công trình chủ yếu nằm trên lãnh thổ nước Lào và một ít ở Campuchia.

Trong vài thập kỷ tới, các dự án phát triển thuỷ điện, mở rộng mạng lưới thuỷ lợi và hệ thống giao thông đường thuỷ kết hợp với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ có những tác động đáng kể lên điều kiện môi trường của dòng sông và trong một vài trường hợp, sẽ đe dọa đa dạng sinh học của các hệ động thực vật dưới nước ở vùng lưu vực và sinh kế của những dân cư sống dựa vào các hệ thống này. Mặt khác, sông Mê Kông chuyên chở rất nhiều chất phù sa đem lại màu mỡ cho các vùng đất ngập nước-nhân tố quan trọng đem lại sản lượng cao cho các vùng như Biển hồ (Campuchia) và đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). Tuy nhiên, khi xây dựng thủy điện, các đập nước sẽ giữ lại phần lớn lưu lượng trầm tích này, khiến phù sa của sông có thể bị giảm đi trên dòng chính. Ước tính, các đập ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc sẽ giữ lại 90% tổng lượng phù sa; còn những đập khác đang trong kế hoạch xây dựng trên dòng chính của sông ở địa phận Lào cũng như các đập trên dòng nhánh ở hạ lưu sẽ cộng hưởng thêm vào tác động này. Thêm vào đó, đập nước và tất cả các chướng ngại vật khác đều gây cản trở cho việc sinh sản và di cư của các loài cá; sản lượng thủy sản vì thế cũng sẽ bị kéo giảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống cư dân sinh sống ven sông.

Chung tay bảo vệ Châu thổ sông Mê Kông

Năm 2011, công tác phát triển thủy điện dòng chính chính thức bắt đầu trong vùng Hạ lưu vực sông Mê Kông với công trình đầu tiên ở Bắc Lào. Hai năm sau đó, Chính phủ Lào tiếp tục công bố kế hoạch xây dựng đập dòng chính thứ hai ở Nam Lào. Các quốc gia trong vùng Hạ lưu vực sông Mê Kông cũng đã có kế hoạch xây dựng 9 dự án thủy điện dòng chính khác với quy mô và công suất điện năng khác nhau và một số phương án chuyển nước trong vùng Hạ lưu vực sông Mê Kông. Việc xây dựng và hoạt động của 1 hoặc tất cả các dự án này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi rộng lớn đối với kinh tế xã hội và môi trường ở tất cả 4 quốc gia trong vùng Hạ lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt là các vùng đồng bằng ngập lũ ở hạ lưu thuộc Việt Nam và Campuchia.

Để xác định và đánh giá các biến động tiềm tàng lên dòng chảy do phát triển bậc thang thủy điện dòng chính Hạ lưu vực sông Mê Kông và tác động do các thay đổi đó tới môi trường tự nhiên cũng như con người ở Châu thổ sông Mê Kông thuộc Campuchia và Việt Nam, Chính phủ nước ta với sự tham gia của Chính phủ Lào và Campuchia đã đề xuất tiến hành “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông” (viết tắt là MDS). Nghiên cứu này nhằm hướng đến mục tiêu tổng thể là bảo vệ Châu thổ Mê Kông cùng với các tài nguyên, nền kinh tế và các hệ thống tự nhiên ở đó; đồng thời đảm bảo phúc lợi lâu dài và sinh kế của cộng đồng dân cư trong Châu thổ. Ngoài ra, nghiên cứu còn hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường, kinh tế, xã hội ở Hạ lưu vực sông Mê Kông; đánh giá định lượng tác động lên các lĩnh vực và tiến tới đạt được sự đồng thuận về kết quả đánh giá tác động và các khuyến nghị về các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thông qua các hoạt động tham vấn rộng rãi với các bên liên quan.

Khu vực đánh giá tác động của Nghiên cứu MDS. Ảnh: vnmc
Khu vực đánh giá tác động của Nghiên cứu MDS. Ảnh: vnmc

Một đội ngũ chuyên gia tư vấn quốc tế và quốc gia thực hiện nghiên cứu này trong thời gian 30 tháng, gồm 4 giai đoạn: khởi đầu, đánh giá điều kiện nền, đánh giá tác động, xác định các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu và tăng cường. Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá tác động từ các biến động do các công trình thủy điện dòng chính cùng gây ra (về chế độ dòng chảy và ngập lũ, phù sa bùn cát và dinh dưỡng, xâm nhập mặn, và các đập ngăn trên sông) lên 6 lĩnh vực có liên quan là: thủy sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy, nông nghiệp, sinh kế và kinh tế. Trong mỗi giai đoạn, các cuộc hội thảo cấp quốc gia và quốc tế đã được tổ chức nhằm tóm tắt lại và tìm kiếm sự đồng thuận từ các bên liên quan của các nước thành viên, các tổ chức phi chính phủ và các cộng đồng dân cư ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Cùng với đó, nghiên cứu MDS còn xây dựng được một bộ các công cụ đánh giá tác động và thiết lập cơ sở khoa học giúp cho 4 quốc gia ở Hạ lưu vực sông Mê Kông (Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) xem xét những dự án đề xuất xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, bao gồm việc thay đổi quy hoạch, quy mô và thiết kế của các dự án nhằm đảm bảo phòng tránh hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực nghiêm trọng có thể xảy ra ở phía hạ lưu.

Có thể nói, kết quả nghiên cứu MDS chính là cơ sở cho sự hợp tác giữa các nước thành viên MRC nhằm duy trì sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Kông.

M.T (t/h)

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.