Bảo tàng cổ sinh vật hóa thạch giữa lòng phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngồi ở một góc bảo tàng cổ sinh vật hóa thạch, ông Thành say sưa lau chùi từng thớ đá. Quanh ông là hàng ngàn mẫu vật hóa thạch từ ốc, sò, nhuyễn thể đến gỗ hóa đá từ trăm triệu năm về trước. 
 
Ông Thành giới thiệu bảo tàng cổ sinh vật cho khách du lịch. Ảnh: Đức Nhật
Hàng chục năm qua, một người đàn ông ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) luôn cất công tìm kiếm, sưu tập những vỏ ốc, thớ gỗ hóa thạch từ hàng trăm triệu năm trước. Đến nay, bộ sưu tập của ông được xem là bảo tàng tư nhân về cổ sinh vật lớn nhất nước, có giá trị về mặt nghiên cứu, khảo cổ.
Từ câu hỏi của con trẻ
Tiếng là ở phố nhưng nhà ông Hoàng Thành (58 tuổi, P.Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) nằm sâu trong một con ngõ nhỏ. Ngay từ ngoài cổng, những khối đá hóa thạch được sắp xếp như mời gọi, cuốn hút du khách đến tham quan. Đi qua cánh cổng như có từ thuở hồng hoang ấy, cả một khu vườn rộng thênh thang cũng bắt đầu hiện ra. Những thứ cây rừng đặc trưng của Tây nguyên vây quanh khiến cho căn nhà tránh xa khỏi những ồn ào phố thị.
Ngồi ở một góc “bảo tàng”, ông Thành say sưa lau chùi từng thớ đá. Vây quanh người đàn ông luống tuổi ấy là hàng ngàn mẫu vật hóa thạch từ ốc, sò, nhuyễn thể đến gỗ hóa đá từ trăm triệu năm về trước. Ông Thành có khuôn mặt chữ điền, mái tóc đã ngả màu chiều và giọng nói trầm ấm lạ kỳ. Bên chén trà nghi ngút khói, ông kể mình sinh ra và lớn lên ở H.Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) nhưng làm việc cho một công ty cầu đường ở Đắk Lắk.
Từ những ngày rong ruổi theo công trình, ông phát hiện nhiều mẫu đất, đá có hình thù kỳ lạ giống như những vỏ ốc. Nhưng do công việc bận rộn nên ông chỉ nhặt vài ba mẫu vật về trưng ở nhà. Tất cả đều chìm vào quên lãng cho đến khi đứa con đầu của ông Thành hỏi về những phiến đá có hình thù kỳ lạ kia. Câu hỏi làm ông bỡ ngỡ vì chẳng biết trả lời sao.
Cũng từ đây, ông bắt đầu hành trình tìm lời giải cho những phiến đá hàng trăm triệu năm tuổi. Ngoài việc đi tìm tài liệu để giải thích cho con, ông còn nhặt nhạnh thêm những mẫu sinh vật cổ để làm dày lên bộ sưu tập của mình. Sau một thời gian, khuôn viên nhà ông trở thành một bảo tàng thu nhỏ với vô số mẫu vật hóa thạch. Những cổ vật của ông những tưởng vô tri, vô giác nhưng với ông nó gắn liền với những câu chuyện sống động, lạ lùng.
“Tôi không dừng lại được. Cứ có tiền là tôi lại đi khắp nơi, lang thang dọc triền sông Sêrêpôk để nhặt về. Mỗi mẫu vật là cả thông điệp của thời gian, sự sống cách đây cả triệu năm về trước”, ông Thành nói.
 
Những con sò, ốc hóa thạch có niên đại 170 triệu năm. Ảnh: Đức Nhật
Cũng từ những mẫu vật này, dần dần ông Thành nổi tiếng trong phố. Những giáo sư đầu ngành cũng bắt đầu tìm đến nghiên cứu, trao đổi. Sau những giờ trò chuyện với các giáo sư, nhà nghiên cứu và từ những tài liệu của họ, ông Thành dần hiểu được những mẫu vật của mình. Những câu hỏi của đứa con đã có câu trả lời rạch ròi và lúc này, niềm đam mê khoa học bên trong ông Thành bắt đầu được nhen nhóm.
Đắk Lắk từng là biển
“Tôi cứ như người nghiện, hễ biết nơi đâu có dấu tích của những mẫu vật hóa thạch thì đều tìm đến sưu tập. Tôi có một khao khát muốn tìm hiểu sâu hơn nữa về nguồn gốc hình thành của những sinh vật cổ nói riêng và sự hình thành sự sống nói chung”, ông Thành cầm chiếc vỏ sò, vừa mân mê vừa tâm sự.
Thời gian đầu khi thấy ông bỏ tiền ra mua những khối đá vô tri vô giác, vợ ông đã liên tục ngăn cản. Không những thế, một số người hàng xóm còn nghĩ ông bị hâm.
Bỏ ngoài tai mọi lời nói khó nghe, ông Thành vẫn tiếp tục công việc sưu tập và thủ thỉ thuyết phục vợ. Khuyên chồng không được, vợ ông Thành đành quay sang ủng hộ.
“Đừng tưởng chúng chỉ là đá, hàng trăm triệu năm trước chúng từng là chủ của hành tinh này chứ không phải loài người. Hóa thạch của chúng đang kể cho chúng ta câu chuyện hình thành nên trái đất ngày nay. Những dấu tích để lại cho thấy sự hình thành trái đất là vô cùng kỳ diệu”, ông Thành nói rồi nhặt một vỏ ốc hóa thạch lên ngắm nghía.
Đến nay bộ sưu tập của ông Thành được phân làm năm nhóm: nhóm mẫu hóa thạch thuộc lớp cúc đá (ammonoidea, vỏ sò hóa thạch) - chỉ có duy nhất ở Tây nguyên; hóa thạch thuộc lớp hai mảnh vỏ (chân rìu); hóa thạch chân bụng (gastropoda); hóa thạch ngành thực vật hạt trần (gymnospermae) và hóa thạch thực vật thân gỗ bị silic hóa - lần đầu tiên phát hiện ở khu vực Tây nguyên.
Giới thiệu sơ qua một hồi, ông Thành cầm một vỏ ốc hóa thạch lên và phân tích: “Mẫu hóa thạch này chính là minh chứng rõ rệt nhất khẳng định trước đây Đắk Lắk từng là biển. Trải qua các quá trình hoạt động của lớp vỏ trái đất, các mảng lục địa tách rời và kết nối khiến cho khu vực Tây nguyên từng là thềm lục địa được đẩy lên trở thành cao nguyên như ngày nay”.
 
Cây gỗ hóa thạch có chiều dài hơn 22 m trong bộ sưu tập của ông Thành. Ảnh: Đức Nhật
Sẽ cống hiến cho khoa học
Đến năm 2001, số lượng mẫu vật trở nên khổng lồ, ông Thành bán hết đất đai, gom tiền mở quán cà phê để trưng bày đồ hóa thạch. Nhiều chuyên gia đầu ngành, khách Tây du lịch đều bị bất ngờ bởi bộ sưu tập đủ nhóm loài cổ sinh ngành biển mà ông Thành đang có. Quán cà phê của ông trở thành điểm hẹn không phải để thưởng thức cà phê mà... nghe kể về các hóa thạch.
Năm 2007, cố GS-TS khoa học Vũ Ngọc Hải sau khi được tận mắt tham quan, đã về giới thiệu kho tàng của ông Thành cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Ba năm sau đó, bảo tàng này cử một đoàn khoa học vào làm đề án khảo sát, tiếp nhận. Ông Thành quyết định chuyển 11 tấn mẫu vật, cây gỗ hóa thạch ra Hà Nội phục vụ công chúng.
Đến năm 2017, ông Thành tiếp tục chuyển giao cho Bảo tàng TP.HCM 1.595 hiện vật gồm 16 lớp, bộ sinh vật biển với tổng khối lượng hơn 2 tấn. “Tôi vẫn sẽ tiếp tục đi tìm và sưu tập những mẫu vật hóa thạch này. Nếu bảo tàng nào có nhu cầu muốn được trưng bày, tôi sẽ chuyển giao toàn bộ. Với tôi, chỉ cần những công sức cả đời bỏ ra có người công nhận và nghiên cứu là tôi mãn nguyện lắm rồi”, ông Thành chia sẻ.
Rồi ông Thành trăn trở: “Với tôi, mỗi cổ vật là một thời kỳ lịch sử, một câu chuyện riêng. Do đó, tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn để khoanh vùng, bảo vệ những khu vực phát hiện những mẫu hóa thạch này. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học có thể nghiên cứu một cách chuyên sâu, đầy đủ về một thời kỳ trong lịch sử”.
Chia tay với chúng tôi, ông Thành bật mí, hiện đã có một số thầy cô ở các trường THCS tại TP.Buôn Ma Thuột đưa học sinh đến bảo tàng của ông để tham quan. Ông sẵn sàng bỏ ra hàng giờ để giới thiệu về bộ sưu tập của mình, bởi cái kho tàng mà ông đã cả đời góp nhặt, đúc kết đến nay đã có người tiếp thu, học hỏi. Đối với ông, hạnh phúc chỉ giản đơn có vậy. 
Mật mã Tây nguyên
Theo TS Nguyễn Hữu Hùng, một chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực cổ sinh vật của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, các hóa thạch trong bộ sưu tập của ông Thành không chỉ có ý nghĩa địa chất học, địa tầng học nó còn có giá trị cao trong nghiên cứu khảo cổ.
“Bộ sưu tập của ông Thành có giá trị rất lớn, nói về cả một giai đoạn trong kỷ Jura, thời kỳ những loài khủng long sống trên trái đất cách đây trên 170 triệu năm. Lúc đó Tây nguyên chúng ta đang chìm dưới nước, minh chứng là những loài cổ sinh mà ông Thành tìm được, có thể những cổ sinh ấy lớn nhất thời điểm bấy giờ và chỉ có duy nhất ở Tây nguyên. Chính vì thế Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tiếp nhận các mẫu vật về trưng bày. Các mẫu vật này đều rất có giá trị”, TS Hùng nhận định.

Đức Nhật (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.