(GLO)- Quốc lộ 14, 19, 25 là những con đường huyết mạch của các tỉnh Tây Nguyên, mà Gia Lai được coi là giao điểm. Sự xuống cấp trầm trọng của các tuyến đường này thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế-xã hội trong khu vực. Tuy vậy, dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ này vẫn trong tình trạng ì ạch.
Quá chậm...
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn Kon Tum-Pleiku dài gần 35 km, khởi công tháng 11-2010 và dự kiến hoàn thành vào quý IV-2013. Dự án do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Do thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ. Sau khi được bố trí vốn, dự án khởi động trở lại vào tháng 10-2012, tiến độ điều chỉnh hoàn thành phần đường vào tháng 7-2014 và ngày 31-12-2014 hoàn thành phần cầu và đoạn đường hai đầu cầu. Quá trình triển khai cho thấy, nhiều đơn vị thi công năng lực hạn chế khiến nhiều đoạn vừa làm xong đã… xuống cấp. Có đoạn chiều dài chưa đầy 1 km nhưng chằng chịt ổ gà. Sau khá nhiều đốc thúc, đến thời điểm hiện tại, toàn tuyến cơ bản đã xong, chỉ còn 2 cây cầu đang được khẩn trương hoàn thành.
Ảnh: Đức Thụy |
Cũng trong tình trạng tương tự là dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn Pleiku-Cầu 110, chiều dài gần 60 km, được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Tại các cuộc họp có liên quan, Bộ Giao thông-Vận tải đánh giá tiến độ thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 chậm quá nhiều so với kế hoạch. Đây là đoạn đường nhận được nhiều phàn nàn từ phía người dân do có quá nhiều đoạn hư hỏng nặng gây cản trở, khó khăn trong giao thông.
Do được xây dựng từ thời thuộc Pháp, lại có lưu lượng xe lớn nên tuyến quốc lộ 25 đoạn nối từ Gia Lai đi Phú Yên đã xuống cấp trầm trọng. Bộ Giao thông-Vận tải đã quyết định đầu tư cải tạo, nâng cấp đường này với tổng vốn đầu tư 1.380 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án 6 (thuộc Bộ Giao thông-Vận tải) trực tiếp quản lý và được chia thành 10 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu số 8 (thuộc địa phận tỉnh Gia Lai) do Công ty cổ phần Đông Hưng trúng thầu. Đây là tuyến đường có ý nghĩa kinh tế-xã hội rất quan trọng, bởi nó nối liền hai trục quốc lộ xuyên quốc gia là quốc lộ 1A và quốc lộ 14, đồng thời cũng là tuyến đường ngắn nhất nối Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Theo thiết kế, dự án sẽ cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, mặt đường rộng 7 mét, nền đường rộng 9 mét, tốc độ phương tiện tham gia giao thông theo thiết kế là 60 km/giờ. Tuy đã khởi công cách đây gần 4 năm, nhưng hiện tại, tuyến đường này vẫn nguyên lở lói và “nghiêng nghiêng nằm nghe” lời than thở của dân tình đi lại.
Loay hoay tìm chủ đầu tư
Được sự thống nhất của Bộ Giao thông-Vận tải, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 471/UBND-CNXD giao nhiệm vụ chủ đầu tư hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19, đoạn qua địa bàn tỉnh (từ Km 108 đến Km 131+300). Đây là một gói thầu dự án nâng cấp quốc lộ 19 qua hai tỉnh Bình Định, Gia Lai do Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư từ Km 17+027 đến Km 50+00 qua địa phận tỉnh Bình Định dài 33 km và đoạn từ Km 108+00 đến Km 131+300 qua địa phận tỉnh Gia Lai dài 22,6 km. Công trình được thực hiện theo hợp đồng BOT, có tổng số vốn đầu tư trên 2.045 tỷ đồng. Công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2015 và thời hạn kinh doanh, chuyển giao công trình cho Nhà nước dự kiến sau 22 năm một tháng, tính từ ngày bắt đầu thu phí hoàn vốn của dự án.
Tuy nhiên, đáng tiếc là chỉ mới có đoạn từ đèo Yang Mang đến thị trấn Kon Dơng đã tìm được chủ đầu tư, còn đoạn từ đèo An Khê đến đèo Mang Yang vẫn trong tình trạng… chờ đợi. Trong Văn bản số 3571/UBND-CNXD ngày 18-9-2014 UBND tỉnh gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc đề nghị đầu tư sửa chữa khẩn cấp quốc lộ19 có nêu rõ: Đoạn đường dài 49 km có mặt đường hư hỏng nặng, kết cấu rạn nứt, ổ gà nhiều, đi lại không thuận lợi. Hiện dự án đã lập dự toán nhưng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư.
Còn dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 từ Gia Lai đi Phú Yên đã được Bộ Giao thông-Vận tải duyệt và cho triển khai dự án với tổng chiều dài gần 100 km. Dự án đã được khởi công từ tháng 5-2010, nhưng sau đó bị dừng lại do Bộ không bố trí được vốn. Hiện tại, dự án cũng đang trong tình trạng chưa tìm được chủ đầu tư.
Cần thận trọng trong lựa chọn đơn vị thi công
Một cây cầu trên quốc lộ 14 đang khẩn trương hoàn thành. Ảnh: Hà Duy |
Theo nhận định của chính các nhà thầu thì các đơn vị thi công đủ năng lực về tài chính rất hiếm, mà chủ yếu làm việc theo kiểu “lấy mỡ mình rán mình”, tức là đợi lấy vốn được ứng khi dự án bắt đầu triển khai để thi công công trình. Hết số tiền ứng, nhà thầu lâm vào tình trạng đói vốn, từ đó công trình sẽ ì ạch “bò”, thậm chí dừng hẳn. Tất nhiên sau đó sẽ là điệp khúc gia hạn. Điều này phần nào trả lời cho câu hỏi của ông Phan Quang Hiển-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông (Bộ Giao thông-Vận tải) thốt lên trong một cuộc họp: “Tiền không thiếu, mặt bằng cũng đã giải phóng xong gọn ghẽ để thi công nhưng không hiểu sao các nhà thầu vẫn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ toàn tuyến”. Nhiều “tướng” đã bị xử lý mạnh tay khi để công trình đi với tốc độ rùa bò. Đơn cử như quốc lộ 14, bởi sự ì ạch của dự án mà ông Nguyễn Minh Hải-Giám đốc điều hành dự án đường Hồ Chí Minh bị Bộ Giao thông-Vận tải đình chỉ chức vụ, đồng thời Bộ cũng cách chức kỹ sư thường trú tại tỉnh Gia Lai và 3 kỹ sư tư vấn giám sát khác. Sau động thái “mạnh tay” này của Bộ Giao thông-Vận tải, dự án đã có chuyển biến tích cực hơn.
Riêng Tập đoàn Đức Long Gia Lai-chủ đầu tư của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14 Đoạn từ Pleiku-Cầu 110 có lẽ là đơn vị bị ý kiến nhiều nhất khi công trình bị chậm tiến độ. Khởi công hồi đầu tháng 6-2013, nhưng đến nay, việc phải đi qua mấy chục km đường này vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân. Nếu trước kia, những tuyến xe khách vào TP. Hồ Chí Minh luôn phải đặt vé thì nay bất đắc dĩ người dân mới đi xe khách. Hiện nay, nhiều đoạn bị bong tróc, chằng chịt những ổ gà. Hành khách bị giằng xóc, chủ xe thì xót xa, thời gian lưu thông bị kéo dài thêm 1/3. Hiện tại, chủ đầu tư vẫn đang loay hoay tìm cách gỡ.
Hà Duy