(GLO)- Thời gian qua, tình trạng mất sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) đề nghị cấp lại có chiều hướng gia tăng so với những năm trước đây. Không chỉ ở BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước liên tục thông báo danh sách người lao động mất sổ BHXH để làm thủ tục cấp lại mà thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã xuất hiện tình trạng này.
6 tháng đầu năm 2012, các cơ quan BHXH tỉnh đã thực hiện cấp lại sổ BHXH cho 10 trường hợp, trong khi đó cả năm 2009 chỉ có 5 trường hợp, năm 2010 có 10 trường hợp và năm 2011 có 11 trường hợp. Có trường hợp sổ BHXH do đơn vị sử dụng lao động làm mất, còn lại chủ yếu là sổ BHXH do cá nhân người lao động đã làm thất lạc.
Chi trả các chế độ cho người lao động tại BHXH tỉnh. Ảnh: Như Nguyện |
Trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp lại sổ BHXH do mất, thời gian gần đây đã phát hiện nhiều trường hợp có ý đồ lợi dụng việc sơ hở trong quy định để được cấp lại sổ BHXH có cùng một thời gian công tác. Đơn cử như trường hợp ông Cung Văn Chỉnh-giáo viên thuộc Phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã An Khê, đề nghị cấp lại sổ BHXH do mất. Sau khi tra cứu trên chương trình phần mềm của ngành, phát hiện sổ BHXH của ông Chỉnh không mất, mà ông đã được giải quyết trợ cấp BHXH một lần tại BHXH tỉnh Đak Lak, nên BHXH tỉnh từ chối không cấp lại.
Trường hợp thứ 2 là ông Bùi Văn Lịnh-Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, chốt sổ ngừng tham gia BHXH và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tháng 8-2011, đến tháng 3-2012 ông báo mất sổ đề nghị cấp lại. Tuy vậy, trong hồ sơ đề nghị cấp lại sổ, ông photo kèm theo sổ BHXH. Xét thấy hồ sơ có vấn đề nghi vấn, BHXH tỉnh đề nghị Công ty phải có trách nhiệm điều tra nguyên nhân mất sổ và sau khi thông báo cho BHXH các tỉnh, thành phố trên toàn quốc số sổ BHXH của ông đã mất không còn giá trị sử dụng, mới thực hiện cấp lại…
Thấy tình hình căng thẳng, ông Lịnh sau đó báo lại đã tìm được sổ BHXH, xin rút hồ sơ đề nghị cấp lại. Trường hợp thứ 3 là một đối tượng tham gia BHXH tại BHXH huyện Ia Pa đề nghị cấp lại sổ tương tự như trường hợp trên, BHXH tỉnh từ chối không cấp lại. Sau đó đối tượng thông báo đã tìm được sổ.
Theo quy định, người lao động khi mất sổ BHXH thì được cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH mới. Thủ tục hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH được BHXH Việt Nam quy định rất đơn giản (ví dụ người lao động làm mất sổ chỉ cần một đơn xin cấp lại sổ theo mẫu D01-TS), nhằm mục đích tạo điều kiện cho người lao động khi mất sổ BHXH được cấp lại một cách thuận lợi nhất. Lợi dụng sự đơn giản đó, đã xuất hiện nhiều trường hợp sổ BHXH không mất nhưng vẫn đề nghị cấp lại. Như vậy, mục đích của những đối tượng này đề nghị cấp thêm một cuốn sổ có cùng thời gian tham gia BHXH để làm gì? Phải chăng, họ có ý lợi dụng để giải quyết các chế độ BHXH? Nếu những trường hợp này không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Từ thực tế trên, trong thời gian tới, cơ quan BHXH các cấp cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác cấp, quản lý và sử dụng sổ BHXH, đặc biệt là việc cấp lại sổ BHXH phải được thẩm định một cách đầy đủ, đúng quy trình, quy định, nhằm ngăn chặn kịp thời những trường hợp lợi dụng để trục lợi quỹ BHXH.
Thanh Bình