Bảo đảm quân nhu cho các nhiệm vụ đặc biệt, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 23-3, Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Quân nhu Quân đội (25-3-1946 - 25-3-2016) và đón nhận Huân chương Quân công hạng nhì.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu toàn bộ cán bộ, chiến sỹ Cục Quân nhu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm quân nhu cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất, ưu tiên cho các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương Quân công hạng nhì tặng ngành Quân nhu Quân đội.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương Quân công hạng nhì tặng ngành Quân nhu Quân đội.

Lưu ý Cục Quân nhu cần quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, hậu cần nhân dân; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Tung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới;” nắm vững yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quân sự-quốc phòng để xác định phương hướng nhiệm vụ công tác bảo đảm quân nhu trong tình hình mới, Chủ tịch nước đề nghị lực lượng Quân nhu cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực tổ chức quản lý của cơ quan quân nhu; kiên quyết không để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ ngành Quân nhu Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chủ tịch nước tin tưởng với truyền thống 70 năm, lực lượng Quân nhu tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy trong các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và phong trào “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”.

70 năm trước, để đáp ứng yêu cầu phát triển kịp thời và mở rộng lực lượng của quân đội, ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh 34 thành lập Quân nhu cục với nhiệm vụ "thu mua, tập trung phân phối tiếp tế quân lương, quân trang, đồng thời phụ trách việc chế tạo các loại quân trang cho bộ đội," đánh dấu một mốc son quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của ngành Quân nhu, khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo về đường lối quân sự.

Trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, nguồn cung cấp cho quân đội thiếu thốn mọi bề, lực lượng quân nhu còn mỏng và phân tán nhưng được sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng, Quân nhu các cấp nhanh chóng được ổn định về lực lượng.

Toàn ngành đã kế thừa và phát huy truyền thống "Toàn dân đánh giặc", dựa vào sức mạnh của nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ. Ngành Quân nhu đã có mặt trên khắp các chiến trường, đảm bảo quân lương, hậu cần cho các yêu cầu tác chiến, từ trận đánh nhỏ đến các chiến dịch có quy mô lớn, góp phần làm nên chiến thắng của Quân đội Việt Nam, đặc biệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, trong 10 năm từ 1965-1975, Quân nhu toàn quân đã đảm bảo gần 1,7 triệu tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng... tạo điều kiện quan trọng để quân đội giành thắng lợi lớn.

Sau ngày thống nhất đất nước, toàn ngành đã có nhiều nỗ lực cùng cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, làm kinh tế, vượt lên khó khăn khi đất nước bị bao vây cấm vận, bảo đảm quân nhu cho Quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới phía Bắc, Tây Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp Lào và Campuchia.

Trong thời kỳ đổi mới, ngành Quân nhu tiếp tục phát huy truyền thống nuôi quân đánh thắng, đoàn kết sáng tạo vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần; bảo đảm đầy đủ quân nhu cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác. Nhờ phát huy tính chủ động của các đơn vị để khai thác, tìm nguồn vật chất tại chỗ, xây dựng tiềm lực quân nhu trong các khu vực phòng thủ, công tác nuôi dưỡng bộ đội, cải tiến trang phục, đảm bảo quân trang tham gia các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, phát động phong trào thi đua trong toàn quân được thực hiện đạt hiệu quả, nề nếp, có sức lan tỏa sâu rộng.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...