Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc xử lý nguồn đất đắp từ Dự án sân bay Long Thành phục vụ thi công cao tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 3/6, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý nguồn đất đắp từ Dự án sân bay Long Thành phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Tỉnh Đồng Nai đã thu hồi xong toàn bộ 5.000 ha đất phục vụ Dự án sân bay Long Thành; trong đó đã bàn giao hơn 2.530 ha để các đơn vị liên quan triển khai giai đoạn 1 của Dự án. Với diện tích đất thuộc giai đoạn 2 của Dự án (hơn 2.400 ha) chưa được phê duyệt và theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 năm 2017 của Quốc hội khóa XIV, Đồng Nai đang quản lý, khai thác, sử dụng phần diện tích này. Phạm vi giai đoạn 2 sân bay Long Thành bao gồm nhiều khu vực, trong đó có khu vực quy hoạch nhà ga T3 với diện tích gần 190 ha.

Tỉnh Đồng Nai báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chấp thuận chủ trương cho phép thu hồi vật liệu san lấp tại một phần khu vực quy hoạch nhà ga T3 để tạo nguồn đất đắp phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tỉnh sẽ có trách nhiệm tính toán, bổ sung quy hoạch vật liệu nhằm đáp ứng đủ nguồn vật liệu san lấp khi thi công giai đoạn 2 sân bay Long Thành.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ tiến hành san nền tại khu vực hơn 1.800 ha thuộc phạm vi Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Khu vực quy hoạch nhà ga T3 do dự án chưa được phê duyệt nên chưa san nền. Điều này dẫn đến chênh lệch cao độ của 2 khu vực rất lớn (từ 8m -10m), cần thiết phải hạ cao độ tại khu vực quy hoạch nhà ga T3 để không ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay.

Việc khai thác đất từ khu vực quy hoạch nhà ga T3 đến công trường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có nhiều thuận lợi, khoảng cách gần (hơn 7 km). Xe vận chuyển đất có thể di chuyển trên tuyến T1 (đường kết nối sân bay Long Thành), không đi trên các tuyến đường dân sinh; qua đó giúp giảm giá thành, giảm ô nhiễm môi trường, không làm tăng áp lực giao thông lên Quốc lộ 51. Ngoài ra, khu vực quy hoạch nhà ga T3 do Trung ương bố trí vốn giải phóng mặt bằng, đang giao tỉnh Đồng Nai quản lý nên không phải thực hiện các thủ tục về đất đai.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh cần hơn 5 triệu m3 đất san lấp. Đồng Nai đã quy hoạch một số vị trí khai thác để cung cấp đất san lấp phục vụ Dự án. Tuy nhiên, khoảng cách vận chuyển xa, chất lượng đất đắp không đáp ứng được tiêu chuẩn xây dựng đường cao tốc và còn thiếu một số điều kiện để áp dụng thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo “điểm đen” tai nạn giao thông trên các tuyến đường tránh

Cảnh báo “điểm đen” tai nạn giao thông trên các tuyến đường tránh

(GLO)- Do hạ tầng chưa đồng bộ và tổ chức giao thông còn bất cập nên tạo ra một số “điểm đen” trên các tuyến đường tránh tại Gia Lai, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng sớm triển khai các giải pháp nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Tháo gỡ các “điểm nghẽn” về giao thông

Tháo gỡ các “điểm nghẽn” về giao thông

(GLO)- Với quan điểm giao thông đi trước mở đường để phát triển nhanh và bền vững, cùng với triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, tỉnh từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.