Góc nhìn phóng viên:

Bài học Sơn Trà

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hơn 700 bẫy thú bị phát hiện, 9 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp bị xử lý, chỉ trong 9 tháng tại bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), là con số đáng báo động.

Bởi từ lâu, bán đảo Sơn Trà có địa thế rất đặc biệt với thành phố này; không chỉ là "lá phổi" lớn mà còn là khu bảo tồn thiên nhiên với rất nhiều loài đặc hữu.

Nếu từng trải nghiệm sự thay đổi nhiệt độ từ nóng bức đến mát rượi giữa mùa hè khi từ chân bán đảo Sơn Trà lên đỉnh, du khách mới thấy giá trị của "máy điều hòa" thiên nhiên này.

Khó có nơi đâu từ trung tâm thành phố, chỉ mất khoảng 15 phút, đã lên được khu vực - phần lớn diện tích - còn giữ được rừng nguyên sinh như bán đảo Sơn Trà.

Dọc các tuyến đường từ Yết Kiêu hay Hoàng Sa vòng quanh bán đảo, không khác gì một "safari" (khu sinh thái) tự nhiên, nhiều nhất là các loài khỉ, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu (voọc ngũ sắc), được mệnh danh "nữ hoàng linh trưởng".

Rừng tự nhiên ngay đô thị mang lại giá trị to lớn cho thành phố du lịch Đà Nẵng, nhưng cũng đặt ra thách thức về bảo tồn, thể hiện qua các số liệu xâm phạm rừng, đe dọa động vật hoang dã như đã nêu trên. Thậm chí, năm 2015, nhóm 5 người từ Nghệ An vào rừng Sơn Trà dựng lán trại, săn bắt động vật hoang dã, có cả voọc ngũ sắc. Trong khi đó, hậu quả về việc can thiệp vào bán đảo Sơn Trà không dễ giải quyết.

Từ năm 2016, cơ quan chức năng đã kết luận có 68 công trình xây dựng, kinh doanh trái phép, nhưng đến nay chỉ mới tháo dỡ được 28 công trình, trong đó phải cưỡng chế 13 trường hợp.

Ngay cả việc mở đường quanh bán đảo, phải giải quyết bằng cầu dây cho voọc băng qua đường nhựa tìm thức ăn. Mới đây, khu vực rừng ngay sát đường nhựa xuất hiện nhiều bẫy thú, các hành vi xâm nhập lấy mật ong, trộm cây rừng.

Hiện Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch đã đặt 4 chốt kiểm soát khu vực rừng, nhưng khu vực du lịch vẫn để mở để phục vụ du khách các điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng. Không thể đặt barie, khó kiểm soát hoàn toàn, nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ hệ sinh thái rừng bị xâm hại.

Những tồn tại mang tính lịch sử này là bài học kinh nghiệm cho công tác quy hoạch, quản lý. Tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực lớn để phát triển kinh tế nhưng cần hài hòa giữa lợi ích và bảo tồn.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.