(GLO)- 11 năm đứng trên bục giảng là chừng ấy thời gian cô giáo Cao Thị Viễn Phương, giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa) dành hết tâm huyết cho từng lứa học trò. Chị không chỉ truyền đạt những kiến thức, giá trị nhân văn trong từng tác phẩm văn học, từng áng thơ ca mà còn tham gia những hoạt động thiện nguyện rất thiết thực giúp học sinh vượt khó bám trường.
Thường xuyên gần gũi học trò
“Là một người giáo viên khi muốn giúp đỡ được học sinh của mình, trước hết phải hiểu hoàn cảnh của từng gia đình, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của từng em để áp dụng những cách giúp đỡ khác nhau mới mong thành công. Đặc biệt, đối với học sinh dân tộc thiểu số, điều quan trọng nhất các em muốn nhận được là sự gần gũi, nhiệt tình và chân thành”-cô giáo Cao Thị Viễn Phương tâm niệm. Thế nhưng chị cũng tự nhận mình đã thất bại nhiều lần khi đã làm hết những gì có thể nhưng cuối cùng vẫn phải nhìn theo vài cô cậu học trò buông bỏ trường lớp để lên rẫy, theo sau đàn bò hay bắt chồng bắt vợ từ rất sớm. Chị coi những thất bại đó là những bài toán khó mà chị phải tìm mọi cách để giải, không chỉ một cách mà bằng nhiều cách.
Cô Phương nhận những bông hoa dung dị từ học trò nhân ngày 20-11. Ảnh: Nguyễn Giang |
Trên lớp, trong giờ giảng bài, chị luôn cố gắng truyền đạt đến học sinh những điều dung dị nhất. Chị không làm cho bài giảng của mình trở nên mượt mà, tung tẩy mà tìm cách nói gần gũi nhất, dễ hiểu nhất để học sinh có thể dễ dàng tiếp thu. Để làm được điều đó, chị cũng đã mất một khoảng thời gian dài để nhận ra: “Ngày trước, khi chuẩn bị bài giảng, tôi cũng luôn muốn làm sao để giảng thật hay, thật mượt mà, nhưng điều cuối cùng tôi nhận được là những ánh mắt ngơ ngác của học trò. Các em không hiểu vì những gì tôi nói hoàn toàn không sai nhưng lại quá xa lạ với các em nên sau này trong từng bài giảng, tôi luôn lấy những ví dụ gần gũi với các em. Trong từng câu, tôi giải nghĩa từng từ cho các em hiểu rồi mới chắp nối ý nghĩa của câu ấy”.
Và khi đã biết cách giúp học sinh học tốt thì các em sẽ thích đến trường, nhiều em sẽ phát huy được khả năng. Vì vậy, ngày càng nhiều học sinh của cô giáo Viễn Phương trở thành trò giỏi và những thành quả của chị đã được ghi nhận vào năm học 2013-2014 với danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”. Ngoài giờ lên lớp, chị dành thời gian vui đùa, nói chuyện và đến thăm nhà học trò để hiểu hoàn cảnh gia đình, từ đó hiểu học sinh của mình hơn. Và giờ đây, sau những năm đứng trên bục giảng, chị tự hào về những học trò cũ như Nay Quy đã ra trường làm y sĩ; hay Kpă H’Niêm, Nay Ka vì yêu quý cô giáo Viễn Phương mà tiếp nối con đường dạy chữ.
Làm thiện nguyện vì học trò
Có lẽ, ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp Ngữ văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai rồi về nhận công tác tại Trường THCS Lê Hồng Phong, cô giáo Viễn Phương vẫn chưa lường hết muôn vàn cái khó. Dù chỉ cách trung tâm huyện trên 10 km nhưng các thầy các cô đi dạy một là lên đò vượt sông, hai là vật lộn với con đường gồ ghề, trơn trượt. “Ngày đó, phải xa gia đình, nếu không có tình cảm của học trò dành cho tôi thì có lẽ tôi đã bỏ nghề rồi”-chị Viễn Phương nhớ lại.
Chị đã coi học trò là gia đình, là ruột thịt của mình nên khi trong lớp, đặc biệt là lớp chủ nhiệm có một em đau là chị lo lắng, sốt sắng như một người mẹ, người chị. Năm 2012, chị đã quyết định đứng ra tổ chức Tết Trung thu cho các em học sinh ở trường. Dù chỉ có ít bánh kẹo, đèn lồng ông sao cùng những trò chơi vui nhộn nhưng đổi lại, chị nhận được từng tràng pháo tay, từng trận cười giòn giã rộn ràng của các em. Đó là cột mốc để cô giáo Cao Thị Viễn Phương lập ra và trở thành thủ lĩnh của nhóm thiện nguyện “Tôi yêu Krông Pa”.
Những lần tổ chức được một chuyến đi thiện nguyện, chị luôn hướng nhóm đến những học sinh khó khăn đang rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ dù rất nhỏ. Thế nên, trong 2 năm qua, nhóm “Tôi yêu Krông Pa” đã tổ chức được 3 chuyến đi vào buôn, 8 đợt thăm, tặng quà và giao lưu với các trường học, vận động được hơn 118 triệu đồng, hơn 4.000 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo và truyện tranh mang tính giáo dục, hơn 4.300 tập vở, khoảng 3 tấn quần áo cũ và tập hợp được rất nhiều thanh niên tham gia.
Đến nay, niềm vui của “người đưa đò” đã bắt đầu kết trái khi chị được ghi nhận về chuyên môn, được tin tưởng trong nhiều nhiệm vụ và được đến với học trò ở nhiều vùng đất Krông Pa. Thầy Trần Văn Huy-Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THCS Lê Hồng Phong, người thường xuyên tham gia những chuyến thiện nguyện do nhóm “Tôi yêu Krông” tổ chức-nói: “Tôi rất khâm phục cô Phương vì không chỉ vững chuyên môn mà còn là người có tấm lòng hết mực tận tâm với học trò, tấm lòng ấy đáng quý biết bao”.
Nguyễn Giang