(GLO)- Để phát triển bền vững nền nông nghiệp nói chung và mô hình cánh đồng lớn trên cây trồng nói riêng, “cái bắt tay” chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông là điều vô cùng cần thiết. Thời gian gần đây, mối liên kết này trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bắt đầu có sự chuyển biến với những hành động tích cực từ các phía.
Nhà nước vào cuộc
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo về phát triển cánh đồng lớn tại các buổi làm việc với địa phương. Ảnh: Hồng Thi |
Trước những hiệu quả thấy rõ từ mô hình cánh đồng mía lớn, trong các buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai với Ban Thường vụ Thị ủy, Huyện ủy vùng mía và nhà máy đường, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã có sự chỉ đạo quyết liệt đến các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình này, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, đích thân các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã đi khảo sát hiện trạng một số mô hình cánh đồng mía lớn và gặp gỡ nông dân để nắm rõ hơn về tâm tư, nguyện vọng của họ cũng như những mặt đạt được hoặc còn vướng trong quá trình thực hiện, từ đó có định hướng kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Ngày 12-7 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định 470 về ban hành quy định tiêu chí cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 4 tiêu chí bắt buộc gồm: cánh đồng lớn phải phù hợp với quy hoạch của địa phương về phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng đất, tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, nông thôn mới và các quy hoạch khác; áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất được thống nhất giữa các bên tham gia liên kết, phù hợp với loại cây trồng và đảm bảo phát triển bền vững; có ít nhất một trong các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng như liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ-doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với tổ chức đại diện của nông dân hoặc nông dân, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân, liên kết sản xuất giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân.
Quy mô diện tích tối thiểu của một cánh đồng lớn cho cho cây cà phê là 40 ha, hồ tiêu 20 ha, mía 30 ha, mì 30 ha, lúa 30 ha và rau 5 ha. Diện tích cánh đồng lớn đối với cây cà phê, hồ tiêu, mía, sắn, lúa phải nằm trong cùng một vùng sản xuất chuyên canh tập trung nhưng không nhất thiết phải liền thửa, riêng cây rau phải liền vùng, liền thửa. Bên cạnh đó, 2 tiêu chí khuyến khích được đưa ra là: vùng sản xuất có hạ tầng kinh tế như hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, điện và những công trình phục vụ sản xuất khác đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và từng bước cải thiện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; áp dụng cơ giới đồng bộ, công nghệ tiên tiến (sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, Global GAP…) và có cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản gần nơi sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đi khảo sát mô hình cánh đồng mía lớn và gặp gỡ với nông dân. Ảnh: Hồng Thi |
Việc ban hành quy định về tiêu chí cánh đồng lớn đã góp phần giúp các địa phương, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong khâu quy hoạch diện tích và tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, điều đó cũng chứng tỏ, tỉnh đã chính thức vào cuộc để cùng xây dựng mô hình.
Ông Y Nguyên-Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: Chúng tôi đang tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch về phát triển cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2025, ưu tiên cho một số cây trồng chủ lực như cà phê, tiêu, mía, mì, lúa và rau. Trong đó, chúng tôi đưa ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể về số lượng, quy mô xây dựng cánh đồng lớn đối với từng loại cây trồng và phân bổ kế hoạch cho từng huyện, thị xã, thành phố; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ ban hành định mức hỗ trợ hàng năm cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân tham gia cánh đồng lớn để họ yên tâm thực hiện mô hình một cách đồng bộ.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ đề ra các giải pháp để tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các mô hình cánh đồng lớn có hiệu quả đến người dân; đa dạng hóa nguồn vốn cho xây dựng và phát triển cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh từ nhiều nguồn khác nhau; đào tạo nghề cho lao động phục vụ sản xuất; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành phần tham gia xây dựng cánh đồng lớn; mở rộng hợp tác, kêu gọi thu hút đầu tư, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước với các hợp tác xã, nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ; tìm kiếm giống cây trồng chất lượng cao phục vụ sản xuất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật…
Công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình đã hiệu quả hơn trước. Ảnh: Hồng Thi |
3 nhà còn lại cùng chung tay
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, trước đây, các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra nhiều chính sách đầu tư cho nông dân theo phương châm “đôi bên cùng có lợi”, trong đó có việc triển khai thực hiện cánh đồng lớn. Tuy nhiên, đôi lúc, doanh nghiệp vẫn ép giá nông dân mỗi khi nông sản được mùa, còn nông dân thì bội ước với doanh nghiệp khi giá lên sẵn sàng bán nông sản cho nơi khác với giá cao hơn, phá vỡ hợp đồng và ký kết. Các nhà khoa học thì thiếu mặn mà vì cho rằng vai trò của họ không được đề cao.
Từ khi có sự vào cuộc của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, mối quan hệ giữa 3 nhà còn lại đã có sự cải thiện. Ông Nguyễn Hoàng Phước-Trưởng phòng Đầu tư-Nguyên liệu, Nhà máy Đường An Khê cho hay: Sau khi có sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức thực hiện cánh đồng lớn giữa Nhà máy và các ban, ngành, chính quyền địa phương ngày càng hiệu quả hơn. Đến nay, người dân đã cơ bản thấy rõ ý nghĩa và kết quả của mô hình cánh đồng lớn, vì vậy số lượng đăng ký tham gia không ngừng tăng. Chúng tôi hy vọng sẽ cùng với địa phương hoàn thành số diện tích cánh đồng lớn mà Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu các huyện, thị xã phải thực hiện trong niên vụ tới.
Đại diện lãnh đạo các nhà máy cũng nói thêm rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh, doanh nghiệp vẫn sẽ duy trì và bổ sung các chính sách khuyến khích riêng của mình đối với nông dân khi tham gia cánh đồng lớn. Cụ thể: ưu đãi vốn đầu tư, cấp vốn kịp thời; hỗ trợ một phần chi phí cày, bừa, làm đất; đầu tư không thu hồi giống, phân bùn; ưu tiên đưa cơ giới hóa vào sản xuất và thu hoạch…
Để phát triển, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn rất cần sự liên kết giữa 4 nhà. Ảnh: Quang Tấn |
Thêm vào đó, để sản phẩm thu hoạch đạt năng suất và chất lượng cao, các nhà máy đã tìm đến các nhà khoa học để phối hợp nghiên cứu các giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến và tiến hành tập huấn, chuyển giao lại cho nông dân. Tuy nhiên, muốn bền vững, theo các nhà chuyên môn, tỉnh cần có giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa năng lực của các cơ sở nghiên cứu, cơ sở nuôi cấy mô, đặc biệt là các trung tâm trực thuộc cơ quan nhà nước; khai thác có hiệu quả đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao trong nghiên cứu và sản xuất giống…
Nói về mô hình cánh đồng lớn trên cây trồng, Tiến sĩ Trương Hồng-Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đánh giá: Có thể nói đây là một hướng đi tương đối bền vững trong nông nghiệp, bởi nó tạo được sự liên kết giữa Nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông và giữa nông dân với nhau, tạo ra khả năng tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, lợi nhuận đem lại cũng cao hơn. Hiện nay, việc phối hợp này đã có, song vẫn còn chưa được bền chặt dẫn đến việc phát triển, nhân rộng mô hình rất hạn chế. Do đó, Nhà nước cần sớm có những hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, nông dân cũng như khuyến khích khả năng nghiên cứu của các nhà khoa học; đồng thời phải đề ra chế tài xử lý nếu một trong các bên vi phạm hợp đồng, tạo sự nghiêm túc và thống nhất trong thực hiện. Một số giải pháp khác về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ… cũng rất cần thiết nếu muốn thực hiện hiệu quả rộng rãi mô hình này.
Hồng Thi-Quang Tấn