(GLO)- Tây Bắc hay Tây Nguyên đều là những miền đất hứa cho những vị khách đam mê du lịch cộng đồng. Nhưng không phải ở đâu cũng tận dụng được nét đặc trưng từ nền văn hóa của mỗi vùng đất để làm nguyên liệu cho “ngành công nghiệp không khói”.
Câu chuyện tấm váy
Những người làm văn hóa tỉnh nhà từ lâu vẫn loay hoay với công tác bảo tồn văn hóa. Nhưng sẽ thật khó nếu trước vòng xoay xô bồ của văn hóa hiện đại mà việc bảo tồn ấy không đi đôi với lợi ích về kinh tế. Cụ thể như câu chuyện trang phục truyền thống. Ở “thánh địa” của du lịch vùng cao Sa Pa, người phụ nữ Mông từ dệt vải, làm đồng đến… dạo phố đều mặc bộ váy truyền thống của dân tộc mình. Nó không đầy đủ như trong khi họ dự các lễ hội truyền thống, nhưng chỉ với bộ váy sặc sỡ sắc màu với những hoa văn được thêu dệt tinh tế cũng là điểm đủ để lấy lòng du khách. Không chỉ mê mải chụp ảnh với những người bản địa, họ còn vội vã mua lấy những phụ kiện bé tí xíu hay cả những bộ váy, chiếc áo của người dân tộc tại địa phương. Đó chắc chắn sẽ là một vật kỷ niệm đáng nhớ cho chuyến đi hoặc những món quà lưu niệm ấn tượng cho bạn bè.
Những bé gái Mông xúng xính trong bộ váy sặc sỡ khiến du khách thích thú. Ảnh: L.V.N |
Người Mông tự ý thức được điều đó. Họ biết việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình là một biện pháp “mềm” nhằm khai thác túi tiền của khách du lịch. Bất kỳ ai cũng có thể tưởng tượng ra được, từ tấm váy ấy, người ta bắt đầu say sưa tìm hiểu văn hóa của người bản địa và điều này luôn tạo ra sự thú vị nhất định với du khách. Đó là câu chuyện ở xứ sở cách chúng ta gần 1.500 km. Ở Gia Lai, hãy hỏi những người Jrai hay Bahnar rằng: “Sao các bạn không mặc trang phục truyền thống bằng thổ cẩm nữa”. Chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời rằng: “Mình có quần tây rồi, nó tiện hơn váy nhiều”. Từ lâu, hình ảnh người Jrai hay Bahnar mặc trang phục truyền thống tham gia vào các hoạt động đời sống thường ngày trở nên rất hiếm. Nó vẫn xuất hiện nhưng thường chỉ trong các tiết mục biểu diễn văn nghệ hoặc trong các bức ảnh có sự sắp đặt mà người ta phải gượng ép mặc nó.
Nghề dệt thổ cẩm đang mai một dần khi trong mỗi ngôi làng, những người biết dệt nó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Người ta đã cố gắng khôi phục nó bằng những làng nghề, những hợp tác xã để gắn sợi vải ấy với cái nồi cơm. Nhưng thử dạo một vòng các cửa hàng lưu niệm trong thành phố, hoặc các ki ốt trong Trung tâm Thương mại Pleiku, sẽ thấy mặt hàng này ế ẩm thế nào. Nếu không phải là các cô gái, chàng trai bản địa mặc nó thì thật khó để những tấm vải vô tri kia mê hoặc được các vị khách. Mỗi dân tộc đều có một trầm tích văn hóa mà bất kỳ ai cũng mong muốn được khám phá. Nhưng một khi nó không tạo ra một chút “gợi cảm” nào ngay từ trang phục-thứ đập vào mắt, thứ tạo ra ấn tượng trực quan thì bài toán thu hút du khách vào hình thức du lịch cộng đồng trở nên quá khó.
Giấc mơ homestay
Trong bất kỳ chỉ dẫn du lịch nào về Tây Bắc, người ta đều nhắc đến homestay như một hình mẫu lý tưởng cho du lịch vùng cao. Từ lâu, homestay đã chứng tỏ sức mạnh của nó khi điểm trúng tâm lý của du khách luôn muốn hòa mình vào chính cuộc sống của người bản xứ. Nhiều ngôi làng trên bản đồ du lịch Tây Bắc thậm chí “sống” chính bằng du lịch. Họ cho du khách ở thuê ngay căn nhà của mình, cũng từ đó họ bán được những sản phẩm, hàng hóa thu về lợi nhuận. Homestay đã nuôi được họ, thậm chí là họ “sống khỏe” với cái từ thuần Tây ấy. Homestay cũng đã manh nha ở Gia Lai mang theo hy vọng đánh thức ngành du lịch vốn đã “ngủ quên” quá lâu. Nhưng đến bây giờ, nó vẫn chỉ như là một giấc mơ.
Chúng ta có rất nhiều ngôi làng đã được đặt vào tầm ngắm như Plei Ốp (TP. Pleiku), Plei Ơi (huyện Phú Thiện), làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang), làng Tờ Nùng 1 (huyện Kông Chro), làng Phung, làng Kép 1 (huyện Chư Pah)… Nhưng đa phần đều rơi vào tình trạng… đói khách khi không có tour hoặc nếu có thì khá nhạt, không đủ sức chinh phục du khách. Để rồi những ngôi làng ấy cũng không thoát khỏi guồng quay xô bồ, nó đang dần “bê tông hóa”, bê tông hóa ngay từ ngôi nhà rông, biểu tượng của làng, của nền văn hóa ngàn đời. Và, homestay vẫn ở đâu đó, lơ lửng, tưởng gần mà lại rất xa.
Nói đến đây, người viết lại bồi hồi nhớ về ngôi làng Kon Sơ Lăl đẹp như mộng tại xã Hà Tây, huyện Chư Pah-một ngôi làng thuần khiết văn hóa Bahnar. Báo chí từ nhiều năm trước đã kêu gọi ngành du lịch bắt tay vào cứu lấy ngôi làng ấy bởi người ta đủ hiểu, tiềm năng của Kon Sơ Lăl là lớn đến thế nào để phát triển homestay. Tuy nhiên, đến nay ngôi làng đẹp như tranh họa đồ ấy dần sụp đổ bởi những căn nhà bị bỏ hoang và cuối cùng gần như bị xóa sổ Kon Sơ Lăl không còn nữa, nhưng ở mảnh đất Gia Lai này, đâu đó vẫn còn những Kon Sơ Lăl mà người ta chưa thể tìm thấy hoặc đã tìm thấy nhưng cũng đành… bất lực làm ngơ.
...Các tuyến đường huyết mạch đến Gia Lai từ đường bộ đến hàng không đã được khai thông, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng được nâng cấp. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, cái điều kiện đủ kia như một bài toán vẫn ở đâu đó chờ người làm du lịch tỉnh nhà đi làm lời giải.
Lê Văn Ngọc