Bài 1: Những điều nghe thấy...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, tôi có chuyến “phượt” đi một số tỉnh ở vùng Tây Bắc. Với một người con Tây Nguyên lần đầu đến với Tây Bắc thì mọi thứ với tôi đều mới lạ, đều thú vị cả. Tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời trên chiếc xe gắn máy qua những cung đường của rẻo cao Tây Bắc này với những ruộng bậc thang miên man lưng chừng núi, những cô gái H’Mông xúng xính trong bộ váy sặc sỡ sắc màu… Trải qua tất cả những thứ ấy ở vùng đất cách Tây Nguyên hàng ngàn cây số, lòng tôi bỗng chùng lại như một phản xạ tự nhiên khi nhận ra sự khập khiễng trong ngành du lịch của hai vùng đất mà tiềm năng không hề kém cạnh.

Trên rẻo cao Tây Bắc

Chỉ cần 0,45 giây để tìm thấy 650.000 kết quả với cụm từ “Du lịch Tây Bắc” trên Google. Ở nơi ấy, những lễ hội, những vùng đất, từng nhịp sống xuất hiện dày đặc trên các bản tin truyền hình, trên các mặt báo. Ở nơi ấy, họ khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên để làm du lịch. Những ruộng bậc thang, hình thức sản xuất hàng trăm năm qua của dân tộc H’Mông nơi triền núi, triền đồi “bỗng dưng” trở thành nguyên liệu để phát triển du lịch, thậm chí được nâng tầm trở thành di sản. Những thách thức của thiên nhiên khiến con người phải xoay xở thích nghi và những khách du lịch thích điều đó. Họ thích cái đẹp nơi những đường cong uyển chuyển nơi bờ ruộng, thích cái màu vàng tươi bao phủ ngọn núi cao vời vợi và hơn cả, họ thích cảm nhận cái cách con người đã chinh phục thiên nhiên như thế nào.

 

Các tỉnh Tây Bắc đã tận dụng triệt để cảnh quan để làm du lịch. Ảnh: L.V.N
Các tỉnh Tây Bắc đã tận dụng triệt để cảnh quan để làm du lịch. Ảnh: L.V.N

Những người làm du lịch ở đây lại quá hiểu điều đó. Họ biết rằng những thửa ruộng bậc thang kia chứa quá nhiều sự mê hoặc với du khách. Chả thế mà từ những tour ngắm ruộng bậc thang, thưởng thức bữa cơm mới đơn thuần, họ còn mạnh dạn mở hẳn những lễ hội ruộng bậc thang với nhiều chương trình như ở Mù Cang Chải, Sa Pa, Hoàng Su Phì…. Thậm chí, họ đã mạnh dạn mở tour “Bay trên mùa vàng” khi sử dụng những chiếc dù lượn cho du khách trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp của di sản ruộng bậc thang ấy. Với những cái đầu biết nghĩ, biết sáng tạo, chắc chắn trong thời gian tới, người ta sẽ còn khai thác nhiều hơn cái “mỏ vàng” tự nhiên ấy để “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế chủ lực của vùng đất vốn bao đời nghèo khó.

Một nguyên liệu khác, ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn-Hà Giang, giữa tháng 11 này, lễ hội hoa tam giác mạch lần đầu tiên được tổ chức. Đây vốn là cây trồng dùng làm lương thực như cây lúa, nhưng nó lại không mang lại hiệu quả kinh tế cao như loài cây cùng chủng loại. Thế nên nó dần bị loại bỏ cho đến khi những vị khách phương xa phát hiện ra vẻ đẹp diệu kỳ từ loài hoa ba cánh ấy. Người ta bắt đầu cày cuốc gieo trồng loại hoa ấy một cách đại trà. Lần đầu tiên, họ trồng một cây lương thực mà không phải để lấy lương thực. Những vị khách sẵn sàng trả 10 ngàn đồng cho một lần đặt chân vào thửa ruộng để tranh thủ chụp lại bức ảnh khoảnh khắc. Đó hẳn là một số tiền nhỏ với một lữ khách nhưng lại là số tiền lớn với người nông dân khi họ có nhiều vị khách. Họ vẫn có tam giác mạch làm lương thực dù ít hơn lúa, bắp nhưng lại có thêm khoản tiền từ  những người mê đắm sự diệu kỳ của thiên nhiên.

 

Hai vùng đất khác nhau, thiên nhiên con người khác nhau nhưng đều có những nguồn tài nguyên du lịch dồi dào. Thế nhưng, khi ở Tây Bắc đang khai thác cái “mỏ vàng” ấy một cách hiệu quả thì dường như Gia Lai vẫn chưa thể đánh thức tiềm năng ấy để làm du lịch.

Ở xứ đất đỏ bazan

Viết đến đây tôi lại thấy chạnh lòng cho mảnh đất Gia Lai của mình. Gia Lai có những đồn điền cà phê bạt ngàn-loài cây cho ra thức uống phổ biến nhất thế giới trong khi đa phần không biết giống cây ấy “mồm ngang mũi dọc” ra sao. Chúng ta có những mùa cà phê hoa nở trắng xóa các triền đồi. Những cánh hoa trắng muốt tinh khôi đầy kiêu sa ấy có thể quá quen mắt với những người con của vùng đất Tây Nguyên, nhưng sẽ rất lạ với một vị khách phương xa, buổi sớm mai se lạnh thức dậy được đắm mình giữa vườn cà phê trắng muốt hoa nở hương thơm ngào ngạt và thưởng thức một ly cà phê nguyên chất đúng điệu. Uống ly cà phê ấy và cảm nhận từng giọt đắng trên đầu môi được manh nha hình thành từ những nụ hoa nhỏ xinh chắc chắn là một trải nghiệm thú vị ngay từ suy nghĩ.

“Mỏ vàng” này đang hiện hữu và cũng không ít người đã nghĩ đến. Nhưng nó chỉ dừng lại ở một vài bài viết trên các trang mạng hoặc trong các bài tản văn lãng mạn nào đó của các tay viết mộng mơ. Nó chỉ dừng lại ở những lời rỉ tai nhau, những lời mời ai đó đến vùng này vào ngày cuối đông hoặc đầu xuân để ngắm loài hoa đặc trưng của miền đất đỏ. Người ta chưa từng đưa cụm từ “ngắm hoa cà phê” vào lịch trình của bất kỳ tour du lịch nào-thứ mà “người hàng xóm” Đak Lak đã làm được một vài năm gần đây. Và theo đó, sản vật mật ong từ những đóa cà phê ngào ngạt hương cũng bị lãng quên.

Hoa cà phê không được tôn vinh chắc chắn là một thiếu sót với loài cây mang lại thức uống tuyệt vời ấy, loài cây đã mang lại sự ấm no cho vùng đất Tây Nguyên. Còn với dã quỳ, đó là một sự lãng phí thực sự với loài hoa đã phủ vàng bao triền đồi, bao lối về miên man của vùng đất này. Hoa dã quỳ vốn mọc hoang nhưng sau đó được người nông dân trồng để làm hàng rào và làm phân xanh nhưng gần đây đang dần bị thay thế. Khi những cơn gió lạnh của mùa khô lùa về cũng là lúc dã quỳ khoe sắc như những mặt trời bé con. Từ lâu, loài hoa ấy đã gieo bao nỗi nhớ da diết với những người con Tây Nguyên xa quê hay những vị khách lỡ một lần đặt chân đến nơi đây vào mùa hoa. Năm nay, lần đầu tiên có một đơn vị lữ hành là Vietjoy Tourist đã thiết kế tour ngắm hoa dã quỳ với những ai thích khám phá cái mùa khô huyễn hoặc của Tây Nguyên.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Trải nghiệm trên đỉnh Langbiang

Trải nghiệm trên đỉnh Langbiang

(GLO)-

Được mệnh danh là thành phố du lịch, Đà Lạt là điểm đến hấp dẫn của khách trong và ngoài nước với nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Đặc biệt, đỉnh Langbiang là điểm trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua của du khách khi đến thành phố ngàn hoa.