Đẩy mạnh du lịch sông nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm Facebook của người dân TP.HCM sôi nổi những bài chia sẻ thông tin về lễ hội sông nước siêu hoành tráng chuẩn bị tái xuất.

Sân khấu lung linh đầy cảm xúc của "Dòng sông kể chuyện", những hình ảnh đua thuyền trên sông Sài Gòn, trình diễn flyboard điệu nghệ… từ mùa lễ hội năm ngoái được lấy ra minh họa để mọi người rủ nhau tham dự Lễ hội sông nước TP.HCM lần 2 năm 2024.

Chưa bao giờ du lịch sông nước tại TP.HCM được đẩy mạnh phát triển như thời gian qua. Trên khắp cả nước, nhiều địa phương có tiềm năng cũng đang tìm cách biến sông nước thành tiền.

Lên "Chuyến tàu huyền thoại", xuôi dòng lịch sử sông Sài Gòn

Gần 6.000 khán giả đã tới nghe "Dòng sông kể chuyện" vào mùa Lễ hội sông nước TP.HCM lần đầu tiên được tổ chức năm 2023, chắc hẳn vẫn còn nguyên cảm xúc choáng ngợp xen lẫn xúc động.

5 chương biểu diễn của chương trình tái hiện sinh hoạt văn hóa và kinh tế, nếp sống trên bến dưới thuyền của cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM trong hơn 300 năm qua, thông qua những công nghệ biểu diễn hiện đại, tinh tế đến từng chi tiết, để lại dấu ấn khó phai trong lòng người xem. Đó là lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật được thực hiện ở sân khấu trên mặt sông Sài Gòn với cách kết hợp đa dạng các yếu tố công nghệ biểu diễn, hài hòa giữa yếu tố giải trí và lịch sử.

TP.HCM quyết tâm đầu tư những sản phẩm du lịch đường sông, biến sông nước thành tiền, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân

TP.HCM quyết tâm đầu tư những sản phẩm du lịch đường sông, biến sông nước thành tiền, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân

Du lịch sông nước, thế mạnh cần khai thác của TP.HCM

Du lịch sông nước, thế mạnh cần khai thác của TP.HCM

Trở lại năm nay, dòng chảy lịch sử của vùng đất được dòng sông dáng cung đàn ôm trọn vào lòng sẽ tiếp tục được tái hiện với chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại". Chương trình nghệ thuật đặc biệt này là một trong những sự kiện nổi bật nhất của Lễ hội sông nước TP.HCM năm 2024.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến tiết lộ: "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại" quy tụ khối lượng người tham gia rất lớn, gần 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng. Không gian biểu diễn ngoài trời ở cảng Nhà Rồng - Khánh Hội - Cảng Sài Gòn sẽ được biến hóa trở thành một phim trường rộng lớn, bối cảnh linh hoạt và liên tục thay đổi tạo sự bất ngờ cho người xem.

Tự nhận mình là "người kể chuyện bằng trái tim", có một tình yêu đặc biệt với lịch sử và văn hóa của dân tộc, bà Lê Hải Yến cho biết mình luôn muốn khai thác, tìm tòi những câu chuyện lịch sử đã bị ngủ quên, những chi tiết được cất trong bảo tàng, hay những lớp "trầm tích văn hóa lịch sử" ẩn sâu dưới lòng đất, để kể cho khán giả của mình nghe bằng một trái tim đầy cảm xúc và nhiệt huyết, để khơi dậy tình yêu quê hương và tự tôn dân tộc luôn có sẵn trong mỗi con người.

Các tour trải nghiệm đường sông cũng đang dần được người dân TP.HCM lẫn du khách thích thú

Các tour trải nghiệm đường sông cũng đang dần được người dân TP.HCM lẫn du khách thích thú

Nếu như ở mùa 1, "Dòng sông kể chuyện" là bức tranh văn hóa toàn cảnh về Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM qua hàng trăm năm lịch sử, là những hoài niệm về ký ức bên dòng sông và xuôi dòng lịch sử; thì "Chuyến tàu huyền thoại" ở mùa 2 sẽ kể những câu chuyện lịch sử cận đại được diễn ra ngay trên dòng chảy này qua các chương: Hạ thủy, Cập bến, Ra khơi, Dậy sóng, Vươn xa. Đó là câu chuyện về những chuyến tàu đặc biệt từng đến và đi trên sông Sài Gòn, là những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của dân tộc. Đó còn là những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy, là chuyến tàu ra khơi mang theo vận mệnh cả dân tộc, những trận đánh tàu vang dội trên sông, những chuyến tàu đoàn tụ sau hàng chục năm xa cách, những chuyến tàu đưa thương hiệu Việt đi khắp 5 châu…

Thông qua các chương với những thủ pháp sân khấu, trình diễn đặc biệt, chương trình sẽ cho khán giả tiếp tục khám phá, hiểu thêm về dòng sông Sài Gòn - dòng sông của lịch sử, dòng chảy của thời gian, kết nối TP.HCM với khắp các châu lục và các nền văn hóa trên thế giới - đã từng chứng kiến bao đổi thay, biến thiên của lịch sử.

Đáng chú ý, sự kết hợp của những đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo, sự kết hợp công nghệ như kỹ xảo điện ảnh, công nghệ trình chiếu 3D Mapping, màn hình nước, sân khấu chuyển động trên nước, trình diễn drone, bắn pháo hoa… hứa hẹn sẽ tạo nên show diễn hoành tráng, mãn nhãn, mang đẳng cấp quốc tế, đủ sức hút ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, du khách đến tham dự khai mạc Lễ hội sông nước TP.HCM năm 2024.

Biến giấc mơ thành hiện thực

Không chỉ là cảm xúc, Lễ hội sông nước TP.HCM lần đầu tiên năm 2023 còn mang về một mùa bội thu cho ngành du lịch TP. Chỉ trong 3 ngày diễn ra lễ hội, TP.HCM đã đón khoảng 100.000 lượt khách nội địa cùng 54.000 lượt khách quốc tế, tăng 112,4% so với dịp lễ 30.4 và 1.5 ngay trước đó. Công suất phòng tăng 15% so với bình thường. Tổng số lượng khách tham gia lễ hội hơn 51.000 lượt.

Ngành du lịch TP.HCM kỳ vọng thông qua Lễ hội sông nước năm nay sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần tăng trưởng ngành du lịch khi đã bắt đầu bước vào mùa thấp điểm.

Nhiều địa phương đẩy mạnh khai thác lợi thế du lịch sông nước. Trong ảnh: Sông Hương (Huế) là nơi tổ chức nhiều loại hình du lịch trên sông

Nhiều địa phương đẩy mạnh khai thác lợi thế du lịch sông nước. Trong ảnh: Sông Hương (Huế) là nơi tổ chức nhiều loại hình du lịch trên sông

Thực tế, không phải cho đến bây giờ TP.HCM mới nhận thấy tầm quan trọng của những dòng sông, con kênh trong việc khai thác tiềm năng du lịch và kinh tế. Từ khoảng 20 năm trước, những tour đường sông cùng nhiều sản phẩm, đề án phát triển du lịch đường thủy đã liên tiếp được xây dựng, triển khai… Song gần 1.000 km đường sông với hệ thống kênh rạch kết nối nhiều tỉnh, thành cùng với nhiều hoạt động kinh tế địa phương vẫn ngày ngày lặng trôi cùng ô nhiễm, rác thải. TP loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra cách biến sông nước thành tiền.

Phải đến khi Lễ hội sông nước 2023 được tổ chức, bản sắc đô thị sông nước Sài Gòn mới được khắc họa một cách rõ nét như thế; du lịch đường thủy mới lần đầu tiên có sản phẩm quy mô lớn đến như vậy. Ngay sau đó, ngành du lịch TP đã liên tục giới thiệu tổng cộng 17 sản phẩm du lịch đường thủy. Trong đó, nhóm các sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳ gồm 7 tuyến; nhóm sản phẩm du lịch đường thủy mới gồm 10 tuyến. Trong 17 tuyến, có 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai, có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.

Gọi đây là mong ước bao năm qua của những người làm du lịch sông nước tại TP.HCM, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt (Viet Excursions), cho rằng TP.HCM đang ngày càng thể hiện quyết tâm đầu tư những sản phẩm du lịch đường sông ra tấm ra món, biến sông nước thành tiền, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân. Đây chính là tiền đề để TP tiếp tục hình thành những sản phẩm xứng tầm nâng cao vị trí tài nguyên sông nước của TP, nâng cao vị thế của những người làm du lịch sông nước. Các cuộc thử nghiệm như cuộc đua ghe ngo, đua thuyền rồng trên sông Sài Gòn... tại lễ hội sông nước sẽ mang đến cho TP.HCM kinh nghiệm để tổ chức những giải đua lớn hơn trong tương lai. Những cuộc đua thuyền F1, F2 quốc tế cũng hoàn toàn khả thi. Các sự kiện, chương trình khác cũng vậy. Nguồn tài nguyên sông nước đang dần được TP.HCM khai thác triệt để hơn, phát triển mạnh mẽ hơn để trở thành sản phẩm du lịch vươn tầm thế giới.

Không chỉ thu hút du khách, các tour trải nghiệm đường sông cũng đang dần "được lòng" những người con TP.HCM.

Đêm 30.4 vừa qua, tất cả các tuyến buýt sông nối bến Bạch Đằng - Linh Đông và Bạch Đằng - Thủ Thiêm đều kín chỗ. Nhiều du khách đã đặt vé trước cả nửa tháng. Thay vì bỏ tiền mua vé máy bay đắt đỏ đi du lịch, họ chọn ở lại TP, khám phá những trải nghiệm tưởng như quen thuộc mà lại vô cùng mới mẻ, hấp dẫn. Công ty TNHH Thường Nhật Saigon Waterbus (chủ đầu tư tuyến buýt sông) cho biết trong dịp lễ 30.4, công ty này đã đón 3.000 - 4.000 khách; riêng các chuyến phục vụ ngắm pháo hoa đều kín chỗ.

Du khách thưởng thức trái cây tại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)

Du khách thưởng thức trái cây tại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)

"Các dịp lễ lớn, chúng tôi sẽ tổ chức thêm các tour ngắm pháo hoa trên tàu buýt hai tầng phục vụ bà con. Đặc biệt, tour tàu buýt hai tầng ngắm pháo hoa được rất nhiều khách lựa chọn, hầu hết khách đặt vé online trước nên cả 7 chuyến phục vụ pháo hoa đều "cháy" vé. Không chỉ các gia đình mà rất nhiều các bạn trẻ cũng thích thú lựa chọn trải nghiệm vị trí ngắm pháo hoa độc đáo, hấp dẫn này. Những hoạt động du lịch sông nước đang ngày càng trở nên gần gũi, thân thuộc hơn với người dân TP.HCM", đại diện Công ty TNHH Thường Nhật Saigon Waterbus chia sẻ.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sông nước

Nếu như TP.HCM đang tập trung nhiều cho các hoạt động trên mặt nước thì Đà Nẵng lại đẩy rất mạnh quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông, phục vụ phát triển du lịch. Cuối năm 2023 khi Quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, tỷ lệ 1/2.000 chính thức được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt, chính quyền Đà Nẵng đã định hướng tái thiết khu vực hai bên bờ sông Hàn thành trung tâm đô thị; hành chính - chính trị; cửa ngõ du lịch ven sông, ven biển; trung tâm tài chính; trung tâm hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế. TP dự kiến tổ chức khu vực ven sông Hàn với không gian mở, kết hợp giữa mặt nước, hành lang xanh dọc sông và các công viên lớn. Các công trình công cộng, dịch vụ kết nối với sông và biển tạo thành không gian tự nhiên hài hòa, sinh thái. Đà Nẵng đang thực hiện dự án gần 400 tỉ đồng nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết thắp sáng sông Hàn với những cây cầu bắc ngang, công trình cao tầng ven sông rực rỡ, quyến rũ trong thời gian đến. Năm 2024, hai bên bờ sông Hàn sẽ là nơi diễn ra 55 sự kiện, hoạt động văn hóa - lễ hội định kỳ và thường niên do các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức. Sông Hàn, "trái tim" của TP, đang trở thành "làn gió mới" cho du lịch Đà Nẵng.

TP.HCM đang ngày càng thể hiện quyết tâm đầu tư những sản phẩm du lịch đường sông ra tấm ra món, biến sông nước thành tiền, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân. Đây chính là tiền đề để TP tiếp tục hình thành những sản phẩm xứng tầm nâng cao vị trí tài nguyên sông nước của TP, nâng cao vị thế của những người làm du lịch sông nước.

Ông Phan Xuân Anh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt)

TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) sở hữu lợi thế rất lớn nhờ có dòng sông Hương thơ mộng và những cây cầu nổi tiếng như Trường Tiền, Dã Viên, Phú Xuân… Giờ đây, các tour du lịch đường sông bằng du thuyền, thưởng ngoạn cảnh quan hai bên bờ sông Hương xinh đẹp đã không còn lạ lẫm với du khách trong và ngoài nước tới Huế. Bờ sông là địa điểm ưa thích cho việc xây dựng các khách sạn, nhà hàng bởi khung cảnh và tầm nhìn từ sông rất thú vị cho việc ăn uống, lưu trú và các hoạt động khác. Công viên và các không gian mở dọc hai bờ sông được tái phát triển để khuyến khích các hoạt động lễ hội, hội chợ, giải trí, thể thao…

Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch đường sông nơi đây được đánh giá vẫn chưa thật sự thu hút, hấp dẫn du khách. Do đó, ngành du lịch tỉnh này đang tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ độc đáo, nhiều hoạt động nghệ thuật, văn hóa, lễ hội được tổ chức ngay trên sông để níu chân du khách đi tour. Sắp tới, Thừa Thiên-Huế sẽ đầu tư mới một số bến thuyền để đưa du khách đến các điểm di tích như Hổ Quyền, làng du lịch cộng đồng Thủy Biều, lăng Khải Định… nhằm tiếp tục thu hút du khách, bạn bè đến với Huế và góp phần tăng thời gian lưu trú của du khách.

Tại miền Bắc, Phú Thọ là tỉnh sớm xác định rõ lợi thế các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề dọc sông Hồng. Sở VH-TT-DL Phú Thọ phối hợp tỉnh Yên Bái, Lào Cai liên kết xây dựng sản phẩm du lịch dọc sông Hồng kết nối các giá trị văn hóa giữa 3 tỉnh để phục vụ khách du lịch với chương trình du lịch: Đình, chùa Tam Giang (Việt Trì) - Đền Du Yến (Thanh Ba) - Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa) - Đền Đông Cuông (Yên Bái) - Đền Tuần Quán (Yên Bái) - Đền Bảo Hà (Lào Cai) để quảng bá và tổ chức các đoàn khách tham quan đẩy mạnh thành sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc trung tâm xúc tiến du lịch Phú Thọ, chia sẻ năm 2023 Phú Thọ đã đón 20 đoàn với 439 khách quốc tế du lịch đường sông. Tour du lịch đường sông để lại nhiều ấn tượng với du khách, trong đó có nhiều du khách quay trở lại. Việc thu hút du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm các di tích, di sản văn hóa, làng nghề cũng đã mang lại thu nhập cho người dân tại địa phương, tuy chưa cao nhưng góp phần tạo động lực để bà con duy trì, phát triển nghề thủ công truyền thống và bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vùng đất Tổ.

Lễ hội sông nước TP.HCM năm nay được tổ chức từ ngày 31.5 - 9.6 với 22 hoạt động được tổ chức theo chủ đề xuyên suốt, trải dài từ khu vực trung tâm đến các quận, huyện trên địa bàn thành phố như cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Công viên Bờ sông Sài Gòn, Bến Ngôi sao Việt (Q.7) và Bến Bình Đông (Q.8). Các hoạt động thể thao dưới nước sẽ được tổ chức như: Giải vô địch bơi vượt sông mở rộng TP.HCM năm 2024; Giải vô địch ván chèo đứng TP.HCM lần thứ 1; Trình diễn thuyền buồm, mô tô nước, thuyền sailing, ván chèo đứng… cùng các hoạt động thể thao dưới nước như biểu diễn ca nô, lướt ván, dù lượn, thuyền buồm, ván phản lực nước… và hoạt động tương tác chèo SUP phục vụ người dân, du khách.

Ngoài ra, không gian trên bến dưới thuyền "Chợ nổi miền Tây" tại Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) sẽ tái hiện hoạt động chợ nổi trên sông, các hoạt động nghệ thuật dân gian (ban ngày) và các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử; trang trí ánh sáng nghệ thuật dọc kênh cùng các hoạt động trưng bày, giới thiệu nông sản, đặc sản, trái cây các vùng miền để người dân và du khách tham quan mua sắm, góp phần hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Sau thành công của mùa 1, Lễ hội sông nước TP.HCM lần 2 tiếp tục được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, du lịch đặc trưng của TP.HCM. Lễ hội năm nay tăng thời gian gấp 3 lần, kéo dài tới 9 ngày, tương ứng quy mô và sự đa dạng của các hoạt động cũng mở ra rất nhiều.

TP.HCM đang từng bước đưa Lễ hội sông nước trở thành thương hiệu của TP, qua đó lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho TP.HCM cũng như truyền cảm hứng du lịch, khám phá đến du khách trong nước và quốc tế.

Nguyễn Thị Ánh Hoa (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM)

Có thể bạn quan tâm

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.