Nét độc đáo của Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn thu hút khách du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nghi thức tại lễ hội nhằm báo đáp công ơn của thần Nam hải - vị thần của biển cả đã phù hộ, che chở cho ngư dân an lành, trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, đánh bắt nhiều hải sản.
Nghi lễ hò chèo cạn tại lễ hội cầu ngư. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Nghi lễ hò chèo cạn tại lễ hội cầu ngư. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Ngày 15/5 (tức ngày 8/4 âm lịch), tại xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) diễn ra Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn.

Đây là lễ hội được ngư dân vùng biển duy trì hàng trăm năm qua, thể hiện ước vọng cầu mong vị thần của biển cả che chở cho người dân được an lành, trời yên biển lặng, đánh bắt nhiều hải sản.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn có lịch sử hình thành từ lâu đời, được tổ chức hằng năm vào ngày 8/4 âm lịch tại miếu thờ Đức Ngư Ông, thuộc thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng.

Theo nội dung được ghi trên các bản sắc phong lưu giữ tại miếu thờ, Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn đã có từ thời nhà Nguyễn, cách đây hàng trăm năm. Hiện nay, tại miếu thờ Đức Ngư Ông còn lưu giữ 3 sắc phong thời Nguyễn giao cho xã Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng) phụng thờ vị tôn thần Nam hải Nhân ngư.

Ông Hoàng Anh Tú, thôn Chùa, xã Cẩm Nhượng, cho hay hằng năm, ngư dân rất quan tâm, chuẩn bị chu đáo trước khi lễ hội diễn ra nhằm tưởng nhớ, biết ơn vị tôn thần Nam hải Nhân ngư. Thông qua đó, cầu cho “mưa thuận gió hòa”, củng cố thêm sức mạnh để ngư dân vươn khơi, bám biển.

Người dân rước linh vị ngư ông ra biển. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Người dân rước linh vị ngư ông ra biển. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Với những giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh, Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2021. Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm, tạo điểm nhấn cho mùa du lịch biển năm nay của Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Trường Sơn, du khách Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, về Cẩm Nhượng, ông không chỉ cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ của bãi biển Thiên Cầm trải dài với nguồn hải sản phong phú, đa dạng mà còn được trải nghiệm nét độc đáo lễ hội cầu Ngư của người dân vùng biển nơi đây. Đây là điểm đặc biệt tạo ấn tượng với du khách khi đến Cẩm Nhượng vào dịp hè.

Lễ hội cầu ngư được tổ chức trang trọng với các phần chính như, nghi thức tế lễ Nam hải đại thần; nghinh rước Nam hải đại thần; lễ hội chèo cạn, lễ rước trên biển và thả thuyền về biển. Các nghi thức đều nhằm báo đáp công ơn của thần Nam hải - vị thần của biển cả đã phù hộ, che chở cho ngư dân an lành, trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, đánh bắt nhiều hải sản; cổ vũ thêm sức mạnh giúp ngư dân vươn khơi bám biển.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Nhượng, cho biết Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn xuất phát từ nhu cầu cuộc sống cộng đồng, phản ánh ước vọng của người dân địa phương.

Thông qua thực hành lễ hội, con người hiểu sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc, thể hiện mong muốn về sự phồn thịnh và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng. Lễ hội biểu hiện sức mạnh của cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết trong sản xuất và chiến đấu.

Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị khoa học của Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn được thể hiện rất rõ. Các cổ vật, di tích, thành tố di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ hội như đồ tế khí long ngai, bài vị, sắc phong, câu đối, miếu Ngư Ông, quy trình tế lễ, văn hóa dân gian, nghệ thuật biểu diễn truyền thống… là nguồn tư liệu lịch sử phong phú.

Đây là cơ sở giúp các nhà khoa học nghiên cứu đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân ven biển Hà Tĩnh, lịch sử hình thành vùng đất, quá trình tụ cư, chinh phục chủ quyền biển đảo mà nhiều thế hệ tiền nhân đi trước đã gây dựng và vun đắp.

Ngư dân thả thuyền của ngư ông xuống biển. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Ngư dân thả thuyền của ngư ông xuống biển. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Gắn với Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn còn có hò chèo cạn được du nhập dưới thời phong kiến. Đây là di sản văn hóa phi vật thể kết hợp giữa dân ca, dân vũ thể hiện đời sống lao động sản xuất cùng ước vọng cầu ngư của ngư dân đi biển vùng Cửa Nhượng-Hà Tĩnh.

Dịp này, tại xã Cẩm Nhượng diễn ra lễ hội đua thuyền và các hoạt động khác. Qua đó nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại, du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân đến tham gia, cổ vũ.

Có thể bạn quan tâm