(GLO)- Ngày thứ sáu, mưa giông, biển động cấp 4-5 làm cho con tàu cứ chao lắc liên tục. Nhiều thành viên trong đoàn bắt đầu say sóng. Tuy nhiên, những điểm đến còn lại của hải trình như những mục tiêu hấp dẫn giúp cả đoàn phấn chấn hẳn… Và còn một điều hấp dẫn hơn nữa là ngày hôm nay, cả đoàn chúng tôi sẽ vào vai họ nhà gái để đưa dâu đến đảo Sinh Tồn.
Nói vào vai họ nhà gái là bởi, trong đoàn ra đảo lần này có một nhân vật khá đặc biệt, một nhân vật đã làm hao tổn nhiều bút mực của cánh nhà báo thời gian qua. Đó là Nguyễn Thị Mỹ-vợ của Trung úy Phạm Quốc Huy-Trợ lý Hậu cần trên đảo Sinh Tồn. Với bài thơ “Mơ thăm anh trên đảo Sinh Tồn”, cô đã vượt qua hơn 700 bài dự thi khác để đạt giải nhất cuộc thi “Cảm xúc Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức. Bài thơ nói về tình cảm rất thật của cô-người vợ đang cháy bỏng ước mơ được một ngày ra đảo thăm chồng. Chiếc vé mời tham gia đoàn công tác là giải thưởng kèm theo mà Báo Tuổi Trẻ đã dành cho cô, là chuyến đi thỏa ước nguyện của người vợ trẻ. “Anh yêu ơi biết đến khi nào/Em được nhìn thấy những điều anh kể/ Nhưng em tin có một ngày như thế/Được thăm anh trên đảo Sinh Tồn”...
Vợ chồng Huy-Mỹ và cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn tạm biệt đoàn công tác. Ảnh: Bích Nga |
Nguyễn Thị Mỹ sinh năm 1983, quê ở Tiền Hải, Thái Bình và hiện đang làm kế toán cho một công ty tư nhân tại Hà Nội. Cô có nụ cười rất đẹp với ánh mắt long lanh, hàm răng trắng đều và má lúm đồng tiền duyên đến nao lòng. Mỹ tâm sự: Lấy chồng đã được 4 năm nhưng thời gian được ở bên nhau của chúng em không nhiều. Lúc mới lấy nhau, anh ấy đóng quân ở Quảng Ninh, thỉnh thoảng mới được về nhà, năm 2011 anh ấy lại chuyển công tác ra đảo Sinh Tồn nên lại càng khó gặp nhau. Đến nay, chúng em cũng vẫn chưa có em bé…
Khi anh ấy nhận công tác ở đảo Sinh Tồn, anh gọi điện và kể về cuộc sống ở đây nên em đã làm bài thơ “Mơ thăm anh trên đảo Sinh Tồn” và đọc qua điện thoại tặng anh ấy. Khi gửi bài thơ dự thi, em đã rất bất ngờ khi mình đạt giải nhất, có lẽ đó là duyên của em nên nhờ bài thơ ấy mà giờ em được tham gia đoàn công tác để được gặp chồng nơi anh đang công tác...”.
Nguyễn Thị Mỹ líu ríu bước theo chồng. Ảnh: Bích Nga |
Suốt những ngày qua, Mỹ đã khóc đến sưng mắt vì xúc động, vì những lời chúc mừng mà mọi người dành cho cô. Tối hôm qua, cả tàu đã nhộn nhịp với đề tài “đưa dâu”, phải làm sao cho thật bất ngờ, phải làm sao cho thật ấn tượng, mọi người lấy bó hoa nhựa mà một chiến sĩ trên đảo Nam Yết tặng để làm hoa cưới cho cô dâu… Vậy mà, ngay trước giờ vào đảo, mọi người bất ngờ khi nghe Mỹ bảo cô sẽ không ở lại đảo vì không muốn chồng bận tâm vì mình và chỉ lên đảo gặp anh một lúc thôi rồi tiếp tục hành trình với đoàn. Trưởng đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân-Đại tá Đặng Minh Hải khi biết tin đã kêu cô đến và ra lệnh: “Cháu chuẩn bị hành lý để lên đảo! Chú sẽ làm việc với Đảo trưởng và chồng cháu để giao nhiệm vụ giữ cháu lại đảo”.
Cả đoàn chúng tôi háo hức chờ giây phút đôi uyên ương trùng phùng. Mỹ mặc chiếc áo mưa màu huyết dụ mà trước đó mọi người đã cố công tìm được cho cô (vì trên tàu hầu hết được trang bị áo mưa màu vàng, xanh, xám…) và được sắp xếp đi cùng chuyến xuồng CQ đầu tiên để vào đảo cùng với các nhà báo. Mưa cứ trút xuống làm cho biển và trời nhòa lẫn vào nhau nên tất cả đều phải trùm áo mưa kín mít. Chiếc xuồng lao đi trong nhấp nhô sóng cả. Xuồng cập cầu cảng, chúng tôi đồng thanh kêu vang: “Chú rể mau ra đón cô dâu nào!”. Từ trong hàng quân xếp đều trên cầu cảng, Huy bước ra rạng rỡ ngóng tìm.
Lúc này cả xuồng mới ngỡ ngàng vì chẳng thấy cô dâu đâu, bó hoa nhựa được một chị cùng đoàn cầm hộ nên ai cũng tưởng Mỹ đã lên xuồng rồi, hóa ra cô đã lọt lại và đi chuyến xuồng thứ hai. Nóng lòng, Huy xin phép thủ trưởng theo xuồng ngược ra tàu để đón vợ. 5 phút sau, chiếc xuồng CQ thứ hai cập bến, từ trên xuồng Mỹ hớn hở ngóng lên bờ “Huy ra tàu đón em rồi, vừa đi chuyến xuồng kia kìa!”-nghe chúng tôi nói, tưởng mọi người đùa, cô leo thật nhanh lên bờ và “chưng hửng” khi không thấy Huy đâu. Cô không biết hai vợ chồng vừa mới đi ngược nhau. Nước mắt ràn rụa, cô ôm bó hoa đứng giữa trời mưa trên cầu cảng để chờ chuyến xuồng đưa Huy quay về đảo.
Chiếc xuồng quay về, Huy bước nhanh lên cầu cảng lao đến ôm chầm lấy vợ, giây phút ấy như vỡ òa hạnh phúc. Họ ở trong vòng tay hạnh phúc của nhau và nghẹn ngào giữa mưa gió của biển cả. Nước mắt lại tuôn tràn trên gương mặt người vợ trẻ, cô líu ríu ôm bó hoa bước theo chồng. Nhiều người trong đoàn đã không kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh ấy và những đứa trẻ-công dân của đảo cũng vui mừng không kém khi trông thấy một cô dâu từ đất liền ra với đảo, chúng chạy nhảy và hát vang bài “Khúc quân ca Trường Sa” để chào đón cô dâu-chú rể.
“Đơn vị đã sắp xếp một căn phòng ở khu nhà đèn rất thoáng mát và đẹp cho vợ chồng Huy. Mỹ được ở lại cùng chồng trong 10 ngày, vì sau 10 ngày nữa sẽ có tàu đến đảo và Mỹ sẽ theo tàu về đất liền”-Trung tá Đinh Trọng Thắm-Đảo trưởng đảo Sinh Tồn cho biết.
11 giờ, chúng tôi chia tay với quân và dân đảo Sinh Tồn để tiếp tục hành trình. Ai cũng yên tâm với một vùng biển đảo thanh bình, ai cũng hy vọng và cầu mong cho đôi uyên ương Huy-Mỹ sẽ đơm hoa kết trái trong dịp này.
Bích Nga