(GLO)- Mới đây, thức ăn đường phố của Việt Nam được trang CNNgo.com đánh giá là “thiên đường ẩm thực và không đâu lại có văn hóa ẩm thực đa dạng như ở Việt Nam”. Chỉ cần dạo một vòng trên các đường phố chính trên địa bàn TP. Pleiku hay thị xã An Khê, chúng tôi cũng đã có thể “kiểm nghiệm” được sự đánh giá này của CNNgo.com.
Ở đâu có đường, ở đó có quà vặt
Gọi là quán cho sang, chứ thực ra chỉ cần dăm ba bộ bàn ghế, một vài tấm bạt được dựng lên sơ sài hay chỉ cần một chiếc xe đẩy lưu động dựng tạm trên vỉa hè là đã có thể thành quán. Quán vỉa hè cũng có nhiều dạng: nở rộ vào buổi sáng thường là các quán cà phê; ban trưa hay xế chiều là những quán cóc phục vụ học sinh, thường ở ngay trước các cổng trường; chiều muộn và thiên về đêm khuya là bánh mì, bánh bao, phở…
Một vỉa hè… quán trên đường Thống Nhất, TP. Pleiku. Ảnh: T.H |
Ở Pleiku chẳng hạn, nếu muốn uống cà phê ở vỉa hè… quán, ta có thể đến đường Trần Hưng Đạo, đoạn gần Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh hay bên hông Công ty TNHH Xổ số Kiến thiết, hoặc đến đại lộ Nguyễn Tất Thành, đoạn gần đường Phù Đổng…; nếu muốn ăn gỏi thì đến đường Hùng Vương, đoạn gần Trường THCS Nguyễn Du hoặc muốn có không khí hơn thì đến đường Thống Nhất, đoạn gần Công viên Diên Hồng; muốn ăn bánh mì, bánh bao, phở hay bánh canh thì hầu như phố nào, đường nào cũng có, nhưng muốn vừa miệng hơn thì đến ngã ba Diệp Kính hay trước cổng Nhà Thiếu nhi tỉnh…
Còn ở thị xã An Khê, dọc theo các trục đường Quang Trung, Hai Bà Trưng, Đỗ Trạc, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du… ta cũng bắt gặp rất nhiều quán ăn vỉa hè thi nhau mọc lên như “nấm sau mưa”. Tại ngã ba đường Hai Bà Trưng-Nguyễn Du vào buổi sáng trở nên náo nhiệt hẳn lên khi các hàng bún, phở, bánh xèo, bánh cuốn… tới giờ “mở cửa”; còn ở quán bánh canh chiều trên đường Hai Bà Trưng thì từ 15 giờ đến hơn 19 giờ, lúc nào cũng đông nghịt người.
“Nhanh, tiện, rẻ và… ngon” là “nhận định” của hầu hết khách hàng khi trả lời chúng tôi về những cảm nhận, đánh giá của họ đối với thực phẩm thức ăn đường phố. Một người nghiện phở, bánh bao và gỏi của các quán vỉa hè trên đường phố Pleiku dí dỏm: Tôi đã đọc ở đâu đó rằng: “Trên thực tế, thức ăn đường phố đã đáp ứng nhu cầu của nhiều người, nhất là trong một xã hội đang phát triển như ở nước ta hiện nay.
Thuận lợi của thức ăn đường phố là đa dạng, giá cả phải chăng, người tiêu dùng có thể sử dụng ngay nên không mất thời gian chế biến. Vì vậy, thức ăn đường phố góp phần tiết kiệm thời gian sau một ngày làm việc mệt mỏi, tạo cho người lao động có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Đặc biệt, sử dụng thức ăn đường phố giúp học sinh có nhiều thời gian cho học tập và nghỉ ngơi, phần nào giải quyết cái đói “tức thời”.
Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm
Tuy nhiên, cái hay chỉ có được nếu thức ăn đường phố hợp vệ sinh, ngược lại nó sẽ đem lại nhiều hậu quả khôn lường cho sức khỏe của người tiêu dùng và nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm. Hiện tại ở nước ta nói chung, Gia Lai nói riêng, thức ăn đường phố hiện diện ở khắp nơi, từ quán ăn bên đường, đến xe bán hàng ăn di động, thậm chí với chiếc xe đạp, người bán hàng cũng có thể cung cấp cho khách hàng bất kể nơi đâu dù đó là công trường xây dựng bụi mù mịt, hay trước cổng trường, bên cạnh khu vệ sinh, gần nơi cống thoát nước thải công cộng… Ai dám chắc rằng, những thức ăn đường phố kia đảm bảo an toàn?
Thực tế trên địa bàn thị xã An Khê cho thấy, đến giờ kinh doanh thì các chủ quán nhanh chóng bày ra nào là đồ ăn, thức uống, có hàng, thức ăn đã được chế biến sẵn để phục vụ thực khách. Khi vào các hàng quán này, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh thức ăn cặn thừa chủ gặp đâu đổ đấy, khách hàng dùng xong tiện đâu vứt đấy. Giấy ăn, thức ăn thừa đều được chủ và khách hàng xả vô tội vạ xuống vỉa hè…
Ở một quán bánh canh khác thì không chỉ có sự xả rác vô tội vạ gây mất vệ sinh mà nguy cơ này còn tiềm ẩn ở những chiếc tô cũng được chủ quán thu dọn nhanh chóng và rửa “cấp tốc” để phục vụ cho thực khách tiếp theo. Điều đáng nói là hầu như tất cả các điểm bán hàng này đều có một điểm chung là số lượng người phục vụ ít nên hầu hết họ “kiêm nhiệm” nhiều vị trí cùng một lúc như dọn dẹp bàn, ghế, lau chùi, rửa bát và chế biến thức ăn. Và khi chế biến thức ăn cho khách thì không bao giờ dùng găng tay, dụng cụ chế biến thì “tất cả trong một”.
Trao đổi với P.V về thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Bình- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thị xã An Khê cho biết: Việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đường phố gặp rất nhiều khó khăn. Đó là các văn bản từ luật, thông tư, nghị định mới triển khai nên chưa tập huấn và hướng dẫn được cho người dân; ngành Y tế kiểm tra trong phạm vi còn hạn chế; một hộ kinh doanh nhiều mặt hàng từ tươi sống đến thực phẩm chín; kinh phí để tập huấn còn hạn chế… Rất khó kiểm tra hàng quán vỉa hè bởi khi thấy lực lượng chức năng là các chủ quán nghỉ bán, đến khi lực lượng chức năng về thì đâu lại vào đấy.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất vệ sinh của thức ăn đường phố, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 30/2012/TT-BYT quy định về thức ăn đường phố. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20-1-2013 và đang được dư luận quan tâm. Tại chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” vừa phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Thông tư 30 không nhằm mục đích cấm mà đưa ra các điều kiện để cải thiện hơn chất lượng và sự an toàn của thức ăn đường phố.
Mặt khác, Thông tư 30 cũng góp phần làm bộ mặt vỉa hè khang trang, văn minh hơn, chấn chỉnh tình trạng quán cóc nằm ngay trên cống thoát nước, một xô nước rửa hàng trăm cái bát, hàng trăm đôi đũa và đặt biệt là phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh.
Thu Huế-Lê Nam