(GLO)- Trong những năm qua, TP. Pleiku đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý, nâng cấp, chỉnh trang đô thị. Do đó, bộ mặt đô thị của thành phố ngày một hiện đại khang trang; các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp được bảo tồn, phát huy. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường vẫn xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi, quảng cáo, rao vặt tùy tiện… gây ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt đô thị.
Từ rác sinh hoạt
Nhiều hộ buôn bán ở vỉa hè thường vô tư xả rác ra lòng lề đường. Ảnh: Phan Lài |
Dạo một vòng quanh các khu chợ, cửa hàng, công viên hay những tuyến đường, có thể dễ dàng bắt gặp những túi ni lông, vỏ hộp thức ăn, vỏ chai nước… được vứt vô tội vạ. Mặc dù ở các tuyến đường lớn như Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Đồng…, thùng rác được bố trí rất nhiều nhưng rác thải vẫn nằm ngay trên lòng, lề đường. Phổ biến hiện nay là tình trạng các túi rác sinh hoạt nằm “nghênh ngang” ngay cạnh các thùng rác, hay các phế phẩm của rau, củ, quả, túi ni lông…, tất cả được người dân, người buôn bán lấn chiếm vỉa hè vô tư vứt ra lòng lề đường, nhất là ở các tuyến đường gần Trung tâm Thương mại Pleiku (phường Diên Hồng), chợ Hoa Lư (phường Hoa Lư), chợ Bà Định (phường Yên Đổ)... Một số hộ còn lý lẽ: “Xả rác để cho công nhân công trình đô thị có việc làm!”(!!).
Do không bỏ rác đúng nơi và không đúng giờ quy định, nên vào những ngày gió nhiều, rác ngoài đường bay khắp nơi rất khó khăn cho việc thu gom và làm mất mỹ quan đường phố; chưa kể mùi hôi của rác thải bốc lên nồng nặc. Vào những ngày trời mưa tầm tã, đường đô thị lại tràn ngập trong biển nước với rác thải nổi lềnh bềnh. Bên cạnh rác thải sinh hoạt, thì rác thải xây dựng cũng là nguyên nhân làm mất đi mỹ quan đô thị. Rác thải xây dựng tự do tràn xuống lòng đường, gây khó khăn cho giao thông, xảy ra nhiều ở tuyến đường Hùng Vương, Phan Đình Phùng... Do các tuyến đường này có vỉa hè nhỏ, vật liệu xây dựng nhà cửa không có chỗ bỏ nên tự do tràn lan xuống lòng đường.
Có thể thấy rằng việc đổ rác đúng nơi quy định không phải là điều khó thực hiện. Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt, thói quen bỏ rác bừa bãi đã hình thành rất lâu nên việc thay đổi nhận thức của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Chị Phạm Thị Mỹ Duyên-công nhân Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai, người đã gắn bó gần 15 năm với công việc vệ sinh đường phố, cho biết: “Thời gian thu gom rác đã được quy định từ nhiều năm nay (buổi sáng từ 4 giờ đến 6 giờ; buổi chiều từ 16 giờ đến 18 giờ), nhưng rất nhiều người chưa có ý thức về việc này. Trung bình mỗi ngày nhân viên vệ sinh phải quét dọn từ 4 đến 5 lần, nhưng vẫn còn một lượng nhỏ rác thải do người dân xả bừa bãi sau khi đã quét dọn. Đặc biệt, một số người vứt rác sai quy định khi được phát hiện, nhắc nhở lại tỏ thái độ khó chịu, phản đối”.
Trước thực tế này, chị Duyên cũng đã đề xuất ý kiến của mình là cần phải có biện pháp khắc phục như nhắc nhở và xử phạt nghiêm khắc những người xả rác bừa bãi, tăng thêm số lượng thùng rác ở những nơi công cộng, khu vui chơi giải trí (sân vận động, công viên)... Nhưng điều quan trọng nhất chính là ý thức tự giác nhận biết và điều chỉnh hành vi, thói quen của mình, nhận thức được mối nguy hại của việc vứt rác bừa bãi với đời sống, sức khỏe con người.
Đến rác… quảng cáo
Rác quảng cáo dán đầy ở các cột điện. Ảnh: Phan Lài |
Nói về quảng cáo rao vặt, bà Nga-một người dân ở đường Hai Bà Trưng rất bức xúc: “Bức tường nhà tôi mới được sơn lại cách đây mấy hôm, vậy mà bây giờ đã bị vấy bẩn bởi một loạt số điện thoại giới thiệu dịch vụ: cung cấp địa chỉ gia sư, dạy kèm, nhà hàng tuyển nhân viên, rút hầm cầu vệ sinh, bán đất… Quảng cáo cái gì mà bôi bẩn hết tường nhà người ta!”.
Không riêng gì nhà bà Nga mà bất cứ nơi nào, từ đường lớn, đường nhỏ trong các khu dân cư đều có quảng cáo rao vặt xuất hiện. Quảng cáo rao vặt dán trên các cột điện, in trên các bức tường,... thậm chí, dán ngay tại khu vực trụ sở chính quyền cấp phường, thành phố. Thực trạng thân cây, cột điện, bờ tường trên rất nhiều tuyến đường, khu vực dân cư… bị dán quảng cáo “rác” như vừa nêu trên đã làm xấu đi rất nhiều bộ mặt thành phố. Tình trạng trên còn tệ hơn khi các tờ giấy ghi nội dung quảng cáo bị xé te tua, nham nhở hoặc chỉ còn dính một góc vào thân cây hay cột điện làm tăng thêm sự nhếch nhác cho đô thị. Và chính Phó Chủ tịch UBND phường Hội Thương-ông Nguyễn Văn Niên, cũng đã từng va chạm với một đối tượng đi dán quảng cáo rao vặt. Ông Niên kể: “Hôm đó tôi đang làm việc ở cơ quan, thấy hai thanh niên đèo nhau trên xe máy rồi dừng lại bên bức tường của UBND phường; lấy hồ dán và lăn lên tường sau đó dán rất nhanh một tờ giấy quảng cáo rao vặt. Tôi gọi lại nhưng đối tượng đã bỏ chạy”.
Ông Niên nói thêm: “Muốn chấm dứt tình trạng này thì thành phố nên đầu tư thêm những tấm bảng dành riêng cho việc quảng cáo, rao vặt. Việc bắt quả tang các đối tượng này cũng rất khó vì họ thường lợi dụng thời điểm vắng người như buổi trưa, chập tối để in, dán...”. Hàng tháng, phường đã huy động rất nhiều đoàn viên thanh niên, học sinh tình nguyện “ra quân”, lột các tờ quảng cáo dán trên cột điện, thân cây, bờ tường. Tuy nhiên, việc làm này cũng như “đem muối bỏ biển”, chẳng giải quyết được điều gì, bởi đâu lại vào đấy. Những tờ quảng cáo bị lột xuống, nhưng vài hôm sau hoặc chỉ sau một đêm, chúng lại “chễm chệ” ở vị trí cũ hay ở cả những địa điểm khác.
Thành phố Pleiku đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trong đó vấn đề mỹ quan đô thị là mối quan tâm hàng đầu. Để Pleiku là đô thị sạch đẹp, văn minh, đặt mục tiêu thành đô thị loại I trong tương lai thì cần xử lý nghiêm và thường xuyên với “rác”.
Phương Duyên-Phan Lài