(GLO)- Chúng tôi về thăm buôn Prong (xã Ia Mláh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) vào những ngày tháng 3 lịch sử. Đi trên những con đường bê tông chắc chắn, hai bên là những ngôi nhà kiên cố được bao bọc bởi màu xanh của mì, lúa, mía, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới đang hiện diện ở vùng quê cách mạng này.
Công trình thủy lợi Ia Mláh đã giúp người dân buôn Prong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ảnh: H.T |
Sau 41 năm giải phóng, cuộc sống của người dân Prong đã đổi thay nhanh chóng và vươn lên phát triển mạnh mẽ. Với cựu binh Kpă Thoa, điều đó như một giấc mơ. Bởi trong ký ức của ông, những hậu quả chiến tranh để lại kinh hoàng lắm! Nhất là những lúc chuyển trời, những vết thương trong người đau nhức khiến những ám ảnh của chiến tranh cứ hiện về trong ông. Những lúc đó, người thương binh 2/4 lại ngồi dưới bóng cây trúc, cây sung phía sau nhà chỉ để động viên mình rằng, chiến tranh đã lùi xa, con cháu của Prong đều đã thật sự được sống trong bình yên.
“Hồi chống Mỹ, Prong là vùng căn cứ cách mạng. Chúng tôi phải theo dõi nhất cử nhất động của địch để ngăn chặn không cho chúng tiến vào đánh chiếm căn cứ cách mạng đóng ở buôn Ơi Jứt (xã Ia Mláh). Không tiến sâu vào được bên trong, bọn địch đã ném bom, bắn phá, cho người vào quấy phá ruộng nương, nhà cửa của người dân Prong. Căm tức quân thù, 12 người dân của buôn đã lên đường đi theo bộ đội quyết diệt cho được bọn giặc ác ôn, trong đó có những gia đình có đến 2-3 anh em cùng đi. Những ai ở nhà thì thực hiện “thắt lưng buộc bụng” để hỗ trợ bộ đội chiến đấu. Nhà nào có 2 thùng thóc thì mang cho bộ đội 1 thùng, thùng còn lại để chống đói lấy sức sản xuất phục vụ kháng chiến. Nhà nào ít thì để dành gạo cho bộ đội, còn mọi người trong nhà ăn lá rừng, củ mì, củ mài sống qua ngày”-ông Kpă Thoa nhớ lại.
Chiến tranh kết thúc, Prong là một vùng đất đổ nát, nhà cửa tan hoang, ruộng vườn bị bom đạn xé nát, người dân đối diện với vô vàn khó khăn, phải đào củ mài, củ mì, luộc lá rừng ăn qua ngày. Ấy vậy mà, bây giờ, Prong đã thật sự thay da đổi thịt, màu xanh của sự no ấm trỗi dậy mạnh mẽ trên từng thửa ruộng, rẫy mì. Sự thay đổi mạnh mẽ này theo các già làng trong buôn bắt đầu từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Ia Mláh. Công trình đi vào hoạt động đã mở ra nhiều cơ hội mới trong sản xuất của người dân Krông Pa nói chung, buôn Prong nói riêng. Từ nguồn nước tưới mát của công trình, người dân Prong đã biết đến canh tác lúa nước và trồng thêm nhiều cây trồng cho năng suất cao.
“Trước đây, người dân trong buôn chỉ trồng lúa rẫy nên cái đói vẫn cứ rình rập. Khi có nước tưới từ công trình thủy lợi Ia Mláh, bà con được xã, huyện cấp giống, chỉ cho cách trồng lúa nước và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc lúa nên năng suất tăng dần qua các năm. Với diện tích 124 ha lúa nước cho năng suất 4,5 tấn/ha như hiện nay, người dân Prong không còn lo đói nữa”-ông Ksor Toa, Bí thư chi bộ vui mừng cho biết. Bằng ý chí vươn lên làm giàu, người dân Prong đã biến những vùng đất hoang sơ từng bị bom đạn giày xéo năm xưa thành những rẫy mì xanh ngắt rộng 120 ha, bắp 175 ha, mía 40 ha và gần 200 ha hoa màu cùng đàn gia súc, gia cầm 6.345 con. Từ đó, đời sống của người dân được nâng cao. Hiện nay, buôn có15 hộ giàu, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; trên 100 hộ khá thu nhập 80-150 triệu đồng/năm và hộ nghèo giảm xuống còn 9 hộ (cả buôn có 168 hộ).
Đặc biệt, người dân Prong rất có ý thức trong việc động viên con cháu đến trường. Hiện tại, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường; trong buôn có 10 em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp. Buôn Prong có gần 30 đảng viên. Phong trào thi đua yêu nước được người dân Prong hưởng ứng. Thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, buôn đã có 135 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Về phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân Prong đã góp 1.500 ngày công lao động làm đường và 45 triệu đồng mua đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng.
Tạm biệt Prong, chúng tôi thực sự vui mừng trước những đổi thay của vùng căn cứ cách mạng và tin rằng thế hệ trẻ của Prong sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như Bí thư Đảng ủy xã Ia Mláh Ksor Thiều nhận xét: Xã Ia Mláh có 3 buôn căn cứ cách mạng gồm Ơi Yík, Ơi Đak và Prong. Trong đó, Prong là buôn phát triển toàn diện nhất. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, ý chí phấn đấu trong lao động và học tập của người dân trong buôn. Cùng với đó là tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Kết quả này cũng là động lực để nhân dân Prong tiếp tục phấn đấu đạt nhiều thành tích hơn trong thời gian đến.
Nhóm PV Chính trị-Xã hội