(GLO)- Hiểu rất rõ cải cách hành chính (CCHC) vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nên những năm qua huyện Chư Prông đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo thể hiện sự quyết tâm trong công tác CCHC.
Từ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ
Chủ tịch UBND huyện Bùi Viết Hội khẳng định: “Ở Chư Prông chuyện cán bộ trong hệ thống chính trị của xã chủ yếu làm việc buổi sáng, buổi chiều lớt phớt là có”. Vì vậy, nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, công chức (CBCC) và người đứng đầu là nội dung được huyện đặc biệt quan tâm trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ.
Lãnh đạo xã Ia Phìn đi cơ sở. Ảnh: N.D |
Theo đó, huyện Chư Prông chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt, hướng tới trẻ hóa, chuẩn hóa đội ngũ CBCC cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 2012, huyện đã thành lập tổ công tác kiểm tra công vụ xã nhằm kiểm tra CBCC trong việc chấp hành thời gian, triển khai các văn bản chỉ đạo của huyện nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Cùng với đó, huyện đã thực hiện luân chuyển 10 công chức Địa chính và 6 cán bộ Công an cấp xã nhằm hạn chế sự nhũng nhiễu trong thực thi công vụ. Huyện cũng đã thực hiện công khai số điện thoại của Thường trực UBND huyện, tạo điều kiện cho nhân dân phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc để có hướng xử lý.
Cụ thể, huyện đã xử lý có hiệu quả vụ việc 5 hộ dân ở xã Ia Băng và Ia Tôr lấn chiếm đất của các công ty cao su (trong năm 2012) và vụ việc 19 hộ dân ở xã Ia Kly (gồm 12 hộ người dân tộc thiểu số tại chỗ và 7 hộ người Thái) dựng chòi chiếm đất khu quy hoạch của thị trấn…, không để phát sinh thành điểm nóng. Qua kiểm tra công vụ, huyện cũng đã phát hiện và kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo 5 xã (Ia Lâu, Ia Ga, Ia Mơr, Ia Piơr, Ia Púch) về công tác quản lý bảo vệ rừng.
Đối với hệ thống chính trị cấp huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập tổ kiểm tra công vụ, kiểm tra việc chấp hành giờ giấc của CBCC cả khối Đảng, chính quyền, Mặt trận, đảm bảo tính đồng bộ, giúp công việc trôi chảy hơn, trách nhiệm được nâng cao hơn.
Đến cải cách tài chính công
Nhằm công khai, minh bạch vấn đề thu, chi ngân sách trên địa bàn, từ năm 2006 đến nay, UBND huyện Chư Prông đã thực hiện có nền nếp việc dự toán chi ngân sách cho các đơn vị được thụ hưởng ngay từ đầu năm.
Ảnh: Nguyễn Dung |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Dũng cho biết: Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng ngân sách xây dựng dự toán năm của mình trên cơ sở định mức chi của Nhà nước và nhu cầu thực tế chi của đơn vị, giảm thiểu tối đa quyết định bổ sung ngân sách, xóa bỏ cơ chế xin-cho.
Từ dự toán của các đơn vị, cơ quan chuyên môn tổng hợp tham mưu cho UBND huyện phân khai toàn bộ các khoản chi thường xuyên và các khoản chi có mục tiêu của ngân sách, sau đó trình HĐND huyện quyết định tại kỳ họp đầu năm. Mặt khác, UBND huyện cũng cụ thể hóa phần chi cho các ban chỉ đạo, tránh việc lấy kinh phí chi thường xuyên của đơn vị chi cho hoạt động của Ban chỉ đạo.
Đây là một bước cải cách không chỉ thể hiện tính công khai, minh bạch mà còn giúp các đơn vị thụ hưởng nguồn ngân sách hoàn toàn chủ động về kinh phí trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và phát huy hiệu quả nguồn kinh phí, gắn với tiết kiệm chi để nâng cao đời sống cho CBCC, viên chức.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tăng thu ngân sách từ 10 tỷ đồng đến 25 tỷ đồng mỗi năm, huyện Chư Prông luôn quan tâm thực hiện tốt các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Cùng với đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, hàng năm huyện đều tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các hộ kinh doanh giỏi trên địa bàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất để các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Dịp Tết, lãnh đạo UBND huyện đi thăm, tặng quà những hộ đóng thuế trên 500 triệu đồng cho ngân sách huyện, tạo ra sự thi đua ở lĩnh vực này. Riêng năm 2012, huyện chỉ đạo các xã thống kê các hộ sản xuất giỏi để động viên họ tăng gia sản xuất, tạo sản phẩm cho xã hội và thông qua đó có cơ sở xác định nguồn thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định.
Ngoài ra, huyện còn thành lập tổ công tác đặc biệt tổ chức tuần tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không có nguồn gốc, vừa hạn chế tình trạng trốn, lậu thuế, vừa chống hàng nhái, hàng giả đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trên địa bàn. Nhờ đó, tổng thu ngân sách hàng năm trên địa bàn huyện đều đạt và vượt, đảm bảo nhu cầu chi và chăm lo tốt an sinh xã hội trên địa bàn.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC của huyện là tiếp tục rà soát lại các thủ tục hành chính, nghiên cứu một số mô hình, tăng cường vai trò hoạt động của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, trực tiếp giúp các xã giải quyết một số hồ sơ đất nhanh về thời gian, đúng về thủ tục, hạn chế dư luận không tốt về cán bộ địa chính xã, đồng thời tiếp tục cho thanh tra, kiểm tra công tác quản lý đất đai ở một số xã.
Nguyễn Dung