(GLO)- Khi những cơn mưa tháng 5 Tây Nguyên vội vã ùa về. Một ngày, buồn chân, buồn ý nghĩ, tôi quyết định về làng, rồi tôi ở lại làng và đã được thấy, được nghe những câu chuyện bình dị nhất ở đây.
Đôi mắt… con nhà nghèo!
Đã bao lần nó tự hỏi: Làm sao để thoát khỏi cái nghèo đói này? Làm sao để cha mẹ nó, nó và cả em nó thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời? Làm sao để nó được như các bạn khác?... Nhiều khi nó cũng chặc lưỡi “thôi kệ” nhưng rõ là không được khi con mắt nó ngày ngày vẫn thấy những nghèo khó, cơ cực.
Ngoài việc đến trường, Nãi còn phải lo toan cho bữa ăn của cha và các em dù có khi chỉ có cơm trắng với nước mắm suông. Ảnh: N.G |
Nó lại càng không thể “thôi kệ” để chấp nhận một cuộc sống quá túng thiếu khi mẹ nó đã vì điều đó mà dứt tình ra đi. Bà chẳng đi đâu xa, chỉ là về nhà ngoại gần ngay đó nhưng cả bốn chị em nó không được bước chân qua vì… mẹ không thích!
Ngày mẹ ôm quần áo đi, bốn chị em nó chỉ dám đứng nép vào gốc cây mít trước ngõ tần ngần đứng trông theo. Nó thương nhất con Quyên, khi ấy mới ba tuổi, mà lạ lắm, mẹ đi con Quyên không khóc. Bây giờ, con Quyên cũng chỉ mới lên bốn nhưng có vẻ đã “trưởng thành” lắm. Da Quyên đen, tròn lẳn, chắc nịch như một giọt mật ong rừng.
“Nó đứng nhìn gia đình nó. Bố mẹ nó quanh năm cuốc cuốc, cày cày mà bữa ăn cũng chỉ gói gọn trong vài miếng măng rừng. Nó nhìn xung quanh nó. Nó nhìn vào em nó, đen đúa, lấm lem… thương lắm!”. |
Quyên lầm lũi tự lo cho mình, không dám đòi hỏi, làm nũng ai như tự mình biết thân biết phận. Nhìn lũ bạn cùng trang lứa nhõng nhẽo, cong môi lên đòi mẹ cái này cái kia, con Quyên lặng lẽ quay đi. Bốn tuổi, Quyên tự tắm, tự ăn, tự chải tóc và tự đi học. Nhìn con đường em nó bước lầm lũi, xiêu vẹo mà nó rơi nước mắt…
Rồi cha nó, như người mang một nỗi đau đến độ hiện rõ trên khuôn mặt. Nó không cần biết cha đã làm sai điều gì bởi bây giờ tình thương dành cho cha đã quá lớn để phải biết rõ những gì đã qua. Trọng trách của cha bây giờ quá lớn khi ba chị em đều khao khát và quyết tâm thực hiện ước mơ “thoát nghèo” khi theo học con chữ. Cha bây giờ cũng có nhiệm vụ thật lớn lao là đem lại cho con Quyên những nụ cười. Với Quyên, bây giờ cha cũng là mẹ. Mỗi lần nhìn thấy Quyên vùi đầu vào bụng, đưa tay vân vê ngực trần của cha rồi cười rúc rích mà nó se sắt trong lòng!
Đến trường và mở tung cánh cửa ước mơ
Khi đã nhìn thấu những khó khăn, thiếu thốn của cái nghèo, nó tìm ra câu trả lời cho sự giải thoát là phải đến trường, phải học lấy con chữ để hiểu biết cho bằng người ta. Thế là nó đến trường với ước mơ về một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, mọi chuyện không dễ dàng như nó nghĩ, tương lai thì hãy còn xa mà khó khăn thì đầy trước mặt. Một buổi đến lớp, một buổi cày cuốc vật lộn để có một bữa ăn có cơm trắng, cá khô kho mặn với măng rừng thật chẳng dễ dàng gì.
Nhưng nó vẫn cố gắng bám lớp, bám trường để qua được cấp I rồi cấp II. Nhưng khi lên cấp III, sự học đã thực sự khó khăn, nó tưởng như mơ ước về một tương lai tươi sáng đang bỏ nó mà đi tận đâu, xa lắm! Nhưng nó vẫn cố gắng đuổi theo ước mơ dù có khi nó bị hụt hơi, đuối sức.
Vào trường cấp III, nó được xếp vào lớp học toàn học sinh Bahnar như nó. Lớp học của những học trò có cùng cảnh ngộ, cùng ước mơ. Chính sự đồng điệu về ngôn ngữ, hoàn cảnh và cả suy nghĩ đã giúp chúng trở nên thân thiết. Hợp nhau lắm nên lớp nó luôn đoàn kết và đứng đầu trong mọi phong trào. Nhưng về việc học thì lớp nó thật tệ!
Đã cố gắng hết sức rồi mà chúng nó vẫn không thể học bằng lớp các bạn người Kinh dù thầy cô đã rất tận tình. Ở lớp nó, thầy cô luôn phải giảng bài nhiều lần, giảng đi giảng lại muốn đứt cả hơi mà nhiều khi chúng nó vẫn không hiểu được.
Có khi nó nghĩ: “Nếu thầy cô dạy chúng nó bằng tiếng Bahnar thì chắc lớp nó đã không học tệ như thế này!”. Đó là, chỉ khi tuyệt vọng, nó trách móc vu vơ vậy thôi chứ nó biết ơn các thầy cô nhiều lắm. Chính sự tận tình, quan tâm của các thầy cô ở đây nên nó đã không thể dứt tình với ước mơ, dứt tình với lớp học Bahnar, lớp học của những mảnh đời cơ cực nhưng đầy nghị lực và quyết tâm! Rồi cũng tới được ngày nó và lũ bạn được hồi hộp với kỳ thi tốt nghiệp, được quyền cầm trên tay bộ hồ sơ dự thi vào các trường đại học, được quyền chạm vào và mở tung cánh cửa của ước mơ!
Câu chuyện này, tôi ghi lại những tâm tư của em Đinh Thị Nãi ở làng Ôr, là học sinh lớp 12A Trường THPT Anh Hùng Núp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang khi ngồi nói chuyện cùng em ngay tại nếp nhà sàn đơn sơ. Ngoài sân, con Quyên đang lặng lẽ đứng tần ngần mắt hướng về nhà ngoại nơi có mẹ nó ở đó!
Nguyễn Giang