(GLO)- Với Tây Nguyên, làm nông thôn mới là một sự huy động tổng lực: Từ Đảng bộ, chính quyền các cấp đến các ban ngành-đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang trên địa bàn. Ở nhiều địa phương ở Tây Nguyên, nhân dân tham gia làm nông thôn mới như… đi trẩy hội.
Ngày 21-2-2012, chúng tôi có chuyến công tác về xã Hà Mòn (huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum). Suốt dọc các con đường trong xã, nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc. Tôi hỏi Phó Chủ tịch UBND xã-anh Nguyễn Thái Lâm, cho biết: “Ngày kia (ngày 23-2-P.V), Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẽ đến tham quan mô hình làm nông thôn mới ở xã”.
Diện mạo nông thôn mới
Anh Lâm cho biết: Nếu không có gì thay đổi thì ngày 16- 3- 2012 này, Hà Mòn sẽ chính thức được công nhận là xã đầu tiên của Tây Nguyên hoàn thành chương trình nông thôn mới. Thực ra, trước thời điểm triển khai bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ngày 15- 2- 2008, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy Đak Hà, Đảng ủy xã đã triển khai Chương trình số 20-CTr/ĐU về xây dựng xã no đủ-vững mạnh-an toàn giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn đến năm 2015.
Bộ mặt nông thôn mới ở xã Hà Mòn (huyện Đak Hà-tỉnh Kon Tum). Ảnh: Trần Đăng Lâm |
Tiếp đó, Đảng ủy xã đã triển khai thực hiện Chương trình số 21-CTr/ĐU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với sự nỗ lực vượt bậc, Hà Mòn đã đạt được một số kết quả bước đầu như: Các chỉ tiêu kinh tế-xã hội hàng năm đều đạt kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm, đời sống nhân dân ổn định, tổng thu ngân sách đạt trên 132,7% kế hoạch… Với nền tảng cơ bản trên, xã Hà Mòn bước vào xây dựng các tiêu chí nông thôn mới cùng với 21 xã điểm của tỉnh Kon Tum.
Đến nay, còn tiêu chí thứ 12 (chuyển dịch cơ cấu lao động), xã đang triển khai hoàn thành mà theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thái Lâm thì: “Chắc chắn là hoàn thành trước ngày 16- 3”, bởi hiện chỉ còn 400 học viên-nông dân đang theo học chương trình chế biến nông sản, do một trường cao đẳng nghề uy tín ở miền Nam đứng ra đào tạo, và chỉ vài ngày nữa thôi, số học viên này sẽ hoàn thành chương trình học. Nhắc đến tiêu chí thứ 12, anh Lâm cho biết: Về cơ sở vật chất, có tiền và có tâm thì sẽ làm được, nhưng riêng tiêu chí thứ 12 là khó nhất. Nông dân Hà Mòn chủ yếu là làm cà phê và cao su tiểu điền.
Trước kia, bà con chỉ quen bán sản phẩm thô: Giá thấp, thị trường bấp bênh mà lại thừa công lao động. Nay riêng sản phẩm cà phê đã được khép kín từ khâu chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, nhằm hướng đến lộ trình “Xây dựng thương hiệu Cà phê Đak Hà”. Đến nay không có hộ nào xuất cà phê tươi ra khỏi địa bàn xã, sản phẩm xuất ra là cà phê nhân (nâng thu nhập lên 2 triệu đồng/tấn cà phê). Điều này đã nâng cao hiệu quả kinh tế, sử dụng lao động nhàn rỗi, tận dụng được vỏ cà phê để sản xuất phân vi sinh…
Đi một vòng quanh xã, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi đã đến, làm việc với hàng mấy trăm xã trên địa bàn Tây Nguyên, nhưng chưa ở đâu có được sự trù phú, ngăn nắp như ở Hà Mòn: 100% đường giao thông được rải nhựa, đèn đường vào tận các con hẻm. Những ngôi biệt thự mà rất nhiều người ở thành phố có… nằm mơ cũng không có, bao quanh những ngôi biệt thự ấy là hệ thống tường rào ngăn nắp, nhà nhà đều có số nhà. Trường học khang trang, nhà văn hóa thôn sạch sẽ và nhân dân thường xuyên lui tới, chợ búa sung túc với đủ đầy hàng hóa… Khó mà kể hết diện mạo tươi đẹp của nông thôn Hà Mòn.
Bí quyết là… làm cho dân tin
Ảnh: Trần Đăng Lâm |
Trưởng thôn Thống Nhất- anh Nguyễn Đức Thiện, thuộc thôn mình như thuộc lòng bàn tay. Thôn có 126 hộ với 512 nhân khẩu. Cả thôn (và cả xã) không còn hộ nghèo. Khi được hỏi: “Làm thế nào để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới được thuận lợi như vậy?”, trưởng thôn Thiện trả lời nhanh: “Trước tiên phải lấy được lòng tin của dân”. Anh giải thích thêm: Muốn có được lòng tin của dân, trước hết cán bộ, gia đình, kể cả dòng họ của mỗi cán bộ phải gương mẫu, nói được và làm được! Không riêng gì thôn Thống Nhất mà cả 9 thôn của xã Hà Mòn, cán bộ đều làm được điều này. Do vậy, khi triển khai chương trình, hầu hết đều nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Từ việc đồng thuận, nhất trí cao mà nhân dân đã tự nguyện đóng góp để chung tay xây dựng chương trình nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thái Lâm cho biết: Nhân dân Hà Mòn có ý thức tự giác rất cao trong việc đóng góp xây dựng chương trình nông thôn mới, cụ thể là đường điện công lộ, cột cờ gia đình, biển số nhà, cầu cống và mương thoát nước trước mỗi nhà… đều do các hộ dân tự trang bị; nhà văn hóa thì Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trước đây, giao thông nông thôn của xã chủ yếu là đường đất, lầy lội và bụi bờ. Nay thông qua chương trình đã huy động hàng ngàn ngày công lao động của nhân dân để có được những con đường nhựa như hôm nay. Từ đó, việc vận chuyển nông sản hết sức thuận lợi, con em đi học được an toàn hơn…
Có thể nói, việc triển khai đồng bộ thực hiện chương trình nông thôn mới ở Hà Mòn, đã dấy lên một phong trào rầm rộ, đầy ý nghĩa trong quần chúng nhân dân. Qua đây cũng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong nhân dân trong việc tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân, đóng góp cho chương trình như ông Nguyễn Duy Thuần (thôn Thống Nhất): Kêu gọi đóng góp 600.000 đồng, ông đã tự nguyện đóng góp thêm 10 triệu đồng để xây tường rào và sân của nhà văn hóa thôn; ông Vũ Xuân Cầu đã tự nguyện hiến đất và vườn nhãn đang thu hoạch, trị giá trên 60 triệu đồng để làm chợ nông thôn mới…
Nói như Trưởng thôn Thống Nhất Nguyễn Đức Thiện: “Một khi dân đã tin tưởng thì không có việc gì là không làm được!”.
Trần Đăng Lâm