Để thực hiện mục tiêu đó, Thị ủy, UBND thị xã đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, trong đó chú trọng đến các giải pháp đi sâu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Hồ Văn Diện-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa cho biết: Phòng Kinh tế và Trạm Khuyến nông là hai đơn vị chủ công triển khai các giải pháp này, thị xã ưu tiên bố trí nguồn vốn thích hợp theo từng năm để đưa sản xuất nông nghiệp vào chuyên sâu, hướng nông dân sản xuất hàng hóa với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo, hướng dẫn và giám sát quá trình sản xuất của các cơ quan chuyên môn.
Mô hình nuôi heo rừng lai tại phường Cheo Reo. Ảnh: Đ.P |
Về tổng thể, thị xã vẫn duy trì 4.976 ha cây trồng các loại theo kế hoạch vụ mùa, tiếp tục ưu tiên đưa vào sản xuất các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao khác như: Bắp lai C919, Bioseed 9698, CO888, LVN10; mía K84-200, DLM24; mì KM94, KM98…
Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế căn cứ đặc điểm đồng ruộng, diễn biến thời tiết và lịch mở nước của Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai chỉ đạo các phường, xã, hợp tác xã khuyến cáo nông dân điều chỉnh lịch trình thời vụ gieo sạ phù hợp.
Cùng với đó, 20 ha trồng lúa không chủ động nước tưới ở phường Cheo Reo và vùng có nguy cơ ngập lụt được chuyển sang trồng rau màu, đồng thời, mở rộng thêm vùng chuyên canh mía trên 500 ha đất chuyển đổi từ vùng đồi trọc và rẫy cũ...
Trên lĩnh vực chăn nuôi, thị xã nhân rộng các mô hình chuyển đổi vật nuôi bước đầu cho thấy hiệu quả cao như: Nuôi heo rừng lai, cá rô phi đơn tính, ổn định nguồn gen dê địa phương, nuôi dê thả núi…
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất cũng được ưu tiên đầu tư. Ông Nguyễn Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng Kinh tế Ayun Pa cho biết: Thị xã đang triển khai 6 đề án ứng dụng khoa học công nghệ với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng để xây dựng các mô hình thí điểm trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi công nghệ cao gắn với kinh tế trang trại để rút kinh nghiệm, nhân rộng ra toàn địa bàn. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đang triển khai gói thầu hoàn chỉnh chương trình ACM (ba giảm, ba tăng) trên diện tích 5 ha cây trồng tại thị xã, đây là cơ hội để các ngành chuyên môn và nông dân Ayun Pa học tập nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi, cùng với việc duy trì hơn chục nhà máy xay xát gạo, thị xã đang tích cực kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc, xây dựng nhà máy súc sản, chế biến thịt đông lạnh xuất khẩu… để từng bước nâng cao giá trị hàng hóa nông sản trên thị trường.