Ăn nhiều thịt có làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ung thư đại trực tràng là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn thế giới và thói quen ăn uống đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh này.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, theo tờ Times Of India.

Thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt lợn hoặc thịt cừu, trong khi các loại thịt đã qua chế biến, như thịt xông khói, giăm bông và xúc xích, đã được xử lý bằng chất bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng.

Vậy nếu muốn ăn thịt, phải làm sao? Sau đây chuyên gia sẽ hướng dẫn cách cho bạn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng

Nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng

Tại sao ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng?

Sở dĩ tiêu thụ nhiều thịt chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng chủ yếu là do các hóa chất được sử dụng trong quá trình chế biến thịt. Nitrat và nitrit, những chất bảo quản thông thường, có thể chuyển hóa thành hợp chất gây ung thư trong cơ thể. Khi các hợp chất này đến đại trực tràng, chúng có thể làm hỏng lớp lót tế bào, có khả năng dẫn đến ung thư.

Ngoài ra, chất sắt heme có trong thịt đỏ cũng có thể tạo thành các sản phẩm phụ có hại làm tổn thương tế bào ruột.

Sắt heme là loại sắt chỉ có trong thực phẩm động vật, chủ yếu có trong thịt đỏ. Nó được hấp thụ dễ dàng hơn sắt không phải heme.

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ), các nghiên cứu cho thấy hấp thụ nhiều sắt heme có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Các thử nghiệm lâm sàng ở người đã chỉ ra rằng sắt heme từ chất bổ sung hoặc thịt đỏ có thể làm tăng sự hình thành các hợp chất N-nitroso gây ung thư trong đường tiêu hóa.

Hơn nữa, thịt đỏ chứa nhiều sắt, mà tình trạng quá tải sắt nói chung có thể dẫn đến ung thư, theo Healthline.

Theo tiến sĩ Neeraj Goel, bác sĩ chuyên khoa ung thư đường tiêu hóa, Bệnh viện CK Birla, Delhi (Ấn Độ), tổn thương liên tục đối với các tế bào có thể gây ra đột biến trong bộ gien, bắt đầu một chuỗi các sự kiện có thể dẫn đến ung thư đại trực tràng. Các hợp chất gây ra thiệt hại này được gọi là amin dị vòng và amin đa vòng, được hình thành trong quá trình chế biến và nấu thịt.

Chế độ ăn tập trung vào thực phẩm từ thực vật, có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư đại trực tràng

Chế độ ăn tập trung vào thực phẩm từ thực vật, có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư đại trực tràng

Nên ăn uống thế nào để giảm thiểu rủi ro?

Với những rủi ro trên, điều quan trọng là phải quản lý việc tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đã qua chế biến.

Các hướng dẫn về sức khỏe ở nhiều quốc gia khuyến nghị hạn chế tiêu thụ thịt đỏ dưới 70 gram mỗi ngày, theo Times Of India.

Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF International), hãy hạn chế tiêu thụ không quá 350 gram thịt đỏ mỗi tuần.

Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro, hãy xem xét các chiến lược sau:

Giảm khẩu phần thịt: Giảm lượng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn trong bữa ăn.

Thay thế bằng các loại đạm khác:Kết hợp các loại đậu và thịt trắng, như thịt gà, cá và hải sản vào chế độ ăn uống.

Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng: Tập trung vào chế độ ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, giàu chất dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe tiêu hóa.

Ưu tiên chọn thực phẩm từ thực vật: Chế độ ăn tập trung vào thực phẩm từ thực vật, có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Phòng ngừa hiệu quả hơn điều trị. Việc áp dụng những thay đổi chế độ ăn uống trên có thể giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và góp phần mang lại sức khỏe tổng thể tốt hơn, theo Times Of India.

Có thể bạn quan tâm