Âm vang lời thề độc lập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh 2-9 luôn là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam. Với những cựu tù chính trị yêu nước, ngày này còn nhắc nhớ ký ức không thể nào quên của những năm tháng giữa chốn lao tù, xiềng xích: họ đã hát vang bài Quốc ca, trăm người như một tạo nên “một màn đại hợp xướng âm thanh rung động cả vùng trời” trong ngày Quốc khánh 2-9.

Khi nhắc về Tết Độc lập trong những ngày lao tù, ông Nguyễn Văn Thuận-cựu tù Phú Quốc (hiện trú tại tổ 12, phường Yên Thế, TP. Pleiku) xúc động nhớ lại: “Đó là cảm xúc thật đặc biệt và thiêng liêng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, sức khỏe người tù ra sao, cứ đúng vào sáng 2-9, tất cả mọi người đều đồng thanh hát vang bài Quốc ca, bất chấp họng súng quân thù chĩa thẳng vào đe dọa”.

 

Đoàn cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai viếng mộ đồng chí Lương Thạnh tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Ảnh: Tiến Dũng
Đoàn cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai viếng mộ đồng chí Lương Thạnh tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Ảnh: Tiến Dũng

Ông Thuận cho biết, ông bị giam giữ tại nhà tù Phú Quốc trong giai đoạn 1966-1973. Trong 7 năm ấy, không năm nào ông không cùng hàng ngàn tù binh ở đây mừng Quốc khánh trong không khí trang nghiêm, ý nghĩa, tràn ngập khí thế của niềm tin tất thắng. Ông kể: “Trước ngày lễ, mọi công tác được bàn bạc và chuẩn bị xong xuôi. Trong hoàn cảnh khó khăn lúc ấy, chúng tôi vẫn cố gắng may một lá Quốc kỳ đỏ thắm gắn sao vàng năm cánh. Người khéo tay còn vẽ ảnh Bác thật to. Buổi sáng 2-9, ai cũng dậy thật sớm. Hàng ngàn người tù trong các phân khu trại giam đều chung cảm xúc. Khi tiếng hát Quốc ca từ phân khu này vang lên, lập tức nó lan đi như sóng đến các phân khu khác. Cứ thế, tạo nên một màn đại hợp xướng âm thanh rung động cả vùng trời Phú Quốc”. Khí thế hào hùng bên trong nhà tù đã khiến kẻ thù điên cuồng ngăn cản. Thế nhưng, chúng vẫn không át được âm thanh vang lên từ trái tim của hàng ngàn người tù yêu nước.

Tại nhà tù Côn Đảo-nơi giam giữ tù chính trị, ngày Quốc khánh cũng được tổ chức một cách trang nghiêm, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mặc kẻ thù tìm mọi cách đe dọa, trấn áp. Ông Trần Chín-cựu tù chính trị Côn Đảo (hiện trú tại tổ 11, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) kể: “Cứ đúng 5 giờ sáng 2-9, khi hồi kẻng “tan nghiêm” vang lên, hàng ngàn tù binh ở các trại từ 1 đến 8 đồng loạt hát vang bài Quốc ca, tạo nên hợp âm vang dậy. Ngay lập tức ở ngoài trại giam, tiếng bước chân của bọn quân cảnh, trật tự chạy rầm rập với súng ống đạn dược sẵn sàng đàn áp, dập tắt khí thế đang lên ngút trời trong các trại giam tù binh. Nhưng khi chứng kiến cách những người tù đón Tết Độc lập, nhiều tên còn có ý đứng lắng nghe. Không chỉ hát Quốc ca, sau đó chúng tôi còn tổ chức văn nghệ rất vui vẻ “.

Ông Chín nói rằng, để tổ chức đón mừng ngày Quốc khánh của đất nước, ở các trại tù đều có sự chuẩn bị, chỉ đạo từ trên xuống dưới, tạo nên sự đồng lòng thống nhất cao. “Những ngày chuẩn bị đã tạo nên khí thế vô cùng phấn chấn. Lãnh đạo các trại giam bí mật bàn bạc, còn các tù binh ai có thế mạnh gì thì phát huy. Có những người tù rất tài hoa, họ nghĩ ra đủ loại hình để góp thêm vào ngày vui cho thêm phần long trọng. Có một anh hoạ sĩ bị teo cơ phải lết đi nhưng những bức vẽ của anh về Bác Hồ ai nhìn cũng xúc động. Cùng bị giam giữ tại trại số 5 với tôi có một anh nhạc sĩ sáng tác cũng hay mà hát lại càng hay. Mỗi người như vậy đóng góp một chút tạo nên khí thế cho ngày 2-9 vô cùng đặc biệt, không thể nào quên giữa chốn lao tù”-ông Chín bồi hồi.

Có một điểm giống nhau là dù ở nhà tù Phú Quốc hay Côn Đảo, khi hát Quốc ca trong ngày Tết Độc lập, mọi người đều quay về hướng Bắc. Bởi nơi đó có Thủ đô yêu dấu, có Quảng trường Ba Đình lịch sử-nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi hướng về một phương hát vang bài Quốc ca, đó cũng là giây phút mà những người tù nguyện khắc trong tim lời thề độc lập. “Dù trong đau khổ lao tù, chúng tôi luôn có niềm tin thủy chung vào Đảng, tin vào sự tất thắng”-ông Chín nói.

Đã có những người tù bị địch bắt tra tấn đến tàn phế trước hàng ngàn tù binh khác để thị phạm, có người bị đưa đi biệt giam, có người bị bắn chết...  Dù biết sẽ phải trả giá nhưng lúc ấy họ không còn nghĩ đến cái chết, mà chỉ có khát vọng độc lập dân tộc cháy rực như ngọn đuốc trong trái tim mỗi người tù yêu nước.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Chi bộ thôn 6 Lê Viết Bích Huệ (bìa trái) trao đổi công tác tổ chức đại hội chi bộ điểm với Bí thư Đảng ủy xã Ia Blang Hà Đình Thủy. Ảnh: P.D

Đảng bộ xã Ia Blang tích cực chuẩn bị đại hội điểm

(GLO)- Đảng bộ xã Ia Blang được Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê (tỉnh Gia Lai) chọn tổ chức đại hội điểm nhiệm kỳ 2025-2030 để rút kinh nghiệm trước khi chỉ đạo chung ra diện rộng. Ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Đảng ủy xã đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải tặng quà cho cán bộ và Nhân dân bôn Rưng Ma Nhiu nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Vũ Chi

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại bôn Rưng Ma Nhiu

(GLO)- Sáng 9-11, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai Phạm Thị Tố Hải đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con bôn Rưng Ma Nhiu (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.