Ẩm thực Tây Nguyên trải nghiệm thú vị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ăn những gì tinh túy nhất trong ẩm thực bản địa, trong không gian đậm chất Tây Nguyên là cách mà các nhà hàng kinh doanh ẩm thực truyền thống ở Phố núi đã làm để mang đến cho thực khách những trải nghiệm thú vị, chứ không đơn thuần chỉ là chuyện ăn.

1. Mới khai trương được đúng 1 tuần, quán gà nướng cơm lam Plây Cồng chiêng (nằm sát ngôi nhà rông ở làng Văn hóa-Du lịch Plei Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) như một nét chấm phá cho không gian làng bởi quán ăn như một bảo tàng nhỏ về Tây Nguyên. Chủ quán khéo léo dùng cả một hệ thống tượng gỗ dân gian Tây Nguyên để bài trí cho toàn bộ không gian quán rộng gần 2,5 ha. Nếu gần 100 tượng gỗ ở đây là sản phẩm của nghệ nhân trứ danh Ksor H'Nao và những học trò của ông thì cùng với đó còn có hàng chục loại nhạc cụ dân tộc-sản phẩm của nghệ nhân tài hoa Rơ Châm Tih-được trang trí xung quanh tạo thêm điểm nhấn. Chủ quán-anh Hoàng Cương là con nuôi của nghệ nhân Ksor H'Nao. Plây Cồng chiêng ra đời vừa mang yếu tố kinh doanh, vừa có chút lãng mạn của một người Kinh đã “cải đạo” Jrai. Anh Cương chia sẻ: “Bản thân tôi bị sức hút của văn hóa bản địa mê hoặc nên mới có ý tưởng mở quán này”.

Hấp dẫn món gà nướng ở “quán nghệ nhân Ksor H'Nao”. Ảnh: H.N
Hấp dẫn món gà nướng ở “quán nghệ nhân Ksor H'Nao”. Ảnh: H.N



Mong muốn tạo ra cảm nhận khác biệt cho thực khách khi đến đây thưởng thức ẩm thực địa phương, đó là được trải nghiệm thêm về văn hóa, chàng trai trẻ này đã tận dụng triệt để các yếu tố bản địa trong kinh doanh. Đầu tiên phải kể đến nguồn nguyên liệu phục vụ quán. Nguồn thực phẩm bà con trong làng làm ra nhưng dùng không hết như các loại rau, lá mì, cà đắng, hoa đu đủ, gà, gạo nếp… từ nay sẽ không còn phải mang ra chợ, thay vào đó là mang vào nhà bếp của quán. Quán chủ yếu sử dụng lao động tại chỗ, tạo việc làm thường xuyên cho 10 người dân trong làng. Đặc biệt, Plây Cồng chiêng có cả đội ngũ nghệ nhân của làng Ốp giúp sức để phục vụ thực khách ở phương diện giải trí và tìm hiểu văn hóa. Anh Cương cho hay: “Có 2 đội chiêng, một đội 9-14 tuổi và một đội chiêng người lớn sẵn sàng phục vụ thực khách bất cứ khi nào. Lợi thế của quán là nằm ngay trong làng, được dân làng hoàn toàn ủng hộ. Ngược lại, chúng tôi cũng cam kết trích 30% doanh thu từ hoạt động văn hóa văn nghệ này để đóng góp vào quỹ chung của làng. Bên cạnh đó, để làm phong phú thêm các bài nhạc chiêng, tôi đã nhờ các nghệ nhân giúp sức sưu tầm, khôi phục những bài chiêng cổ đã thất truyền và có sự đãi ngộ đối với họ trong công việc này. Đây hoàn toàn không vì lợi nhuận, mà tôi muốn từ hoạt động kinh doanh của mình có thể góp phần khôi phục các giá trị văn hóa bản địa. Đây cũng là tâm huyết trọn đời của cha nuôi tôi, nghệ nhân Ksor HNao”-anh Cương bộc bạch.

2. Trong khi đó, mới khai trương chưa đầy 1 tháng nhưng nhà hàng Tơ Nưng ngay đối diện cổng vào danh thắng Biển Hồ (hồ Tơ Nưng) đã trở thành địa chỉ ẩm thực Tây Nguyên được săn lùng hàng đầu của khách du lịch. Nhà hàng bề thế, tạo ấn tượng mạnh mẽ bởi toàn bộ kiến trúc đều được làm bằng vật liệu tự nhiên: mái lá, cầu thang gỗ, sàn tre nứa… Có thể thấy sự dụng công của nhà hàng này khi tạo ra một không gian hoàn toàn Tây Nguyên ở mọi góc nhìn, mọi chi tiết: Từ ngôi nhà rông đường bệ chính giữa, phía trước là cây nêu cao vút, dãy nhà sàn 2 bên đến những tấm thổ cẩm với hoa văn sặc sỡ, cầu kỳ, những hàng rượu trăm ghè xếp thành hàng dưới gầm nhà sàn hay đơn giản chỉ là một hoa văn nhỏ ở cầu thang lên xuống... Còn tại góc bếp của nhà hàng này là những trái bắp khô cột vào nhau treo thành dãy, từng trái bầu già xếp ngay ngắn trên giá đỡ… Từng chi tiết trang trí đều rất tỉ mỉ, cho thấy sự tinh tế và hiểu biết về văn hóa Tây Nguyên của chủ nhân. Anh Hồng Trung Hảo-quản lý nhà hàng-cho biết: “Quán được thi công hơn 1 năm mới hoàn thành với rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên-vật liệu gần gũi tự nhiên. Nhà hàng đã phục vụ nhiều đoàn khách du lịch và tất cả đều rất thích thú với không gian ẩm thực độc đáo này”.

Không gian đậm chất Tây Nguyên của nhà hàng Tơ Nưng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T
Không gian đậm chất Tây Nguyên của nhà hàng Tơ Nưng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T



3. Tuy nhiên, những người thực sự muốn tìm hiểu sâu về văn hóa qua ẩm thực lại thường tìm đến “Quán nghệ nhân Ksor HNao” ở làng Kép (TP. Pleiku). Khai trương đã 1 năm rưỡi và hầu như ngày nào cũng tấp nập thực khách ra vào, điều đó minh chứng cho sức hấp dẫn của món ăn địa phương ở đây. Khu vực này vốn là nhà của nghệ nhân Ksor H'Nao, sau khi mở quán kinh doanh ẩm thực, ông cho dựng thêm một số nhà sàn. Quán không có sự đầu tư cầu kỳ như nhà hàng Tơ Nưng, nhưng nơi này lại chứa đựng một gia tài khổng lồ về văn hóa mà không tiền nào có thể mua nổi, cũng không kiến trúc sư nào có thể thiết kế ra. Đó là hàng trăm tượng gỗ-gia tài cả đời của nghệ nhân này. Đó là những dàn cồng chiêng quý ông sưu tầm qua hàng chục năm cùng với vô số sản phẩm thủ công truyền thống do chính tay ông làm ra. Cũng trong không gian này, nghệ nhân trưng bày thêm tượng gỗ của nhiều thế hệ học trò, khẳng định dòng chảy văn hóa luôn có sự kế thừa mạnh mẽ. Khu vườn tượng ở quán ăn của nghệ nhân này vì thế đã mang lại những cảm xúc rất đặc biệt về các giá trị văn hóa.  

4. Nhưng nói gì thì nói, nhà hàng, quán ăn có làm theo phong cách nào thì món ăn phải ngon trước đã. Những món ăn đã trường tồn cùng đời sống văn hóa của cư dân bản địa, trong mỗi bữa ăn hàng ngày hay chỉ có ở những dịp hội hè… giờ sẵn sàng có mặt trên những bàn tiệc ẩm thực để kể câu chuyện về văn hóa, về đời sống. Nói về kinh doanh ẩm thực truyền thống ở Phố núi, anh Hoàng Cương cho rằng rất nhiều quán đã thành công, tạo được dấu ấn với những thế mạnh riêng. Tuy nhiên, cốt lõi của món ăn truyền thống vẫn phải tôn trọng yếu tố… truyền thống, tức là không lạm dụng gia vị mà chủ yếu chú trọng đến sự mộc mạc, hương vị nguyên thủy của món ăn: cơm lam phải dẻo, thơm mùi nếp mới, thịt gà hay heo đồng bào phải thơm đúng mùi… thịt nướng chứ không phải của gia vị tẩm ướp. Cũng vì vậy, để chế biến một món ăn ngon, đầu bếp phải có những kiến thức mà không phải ai cũng rành rẽ. “Rau dớn thường mọc bên bờ suối, người bản địa chỉ hái chúng vào lúc sáng sớm khi mặt trời chưa cao quá ngọn tre, lúc họ đi lấy nước buổi sáng. Hái đúng thời điểm thì chế biến kiểu nào rau cũng giữ được vị ngọt đặc trưng của rau rừng. Những chuyện “bếp núc” ấy không phải thực khách nào cũng biết, riêng chúng tôi khi chọn nguyên liệu để kinh doanh ẩm thực truyền thống thì phải để ý cả những điều như vậy”-quản lý của quán nghệ nhân Ksor H'Nao chia sẻ.

Hoàng Ngọc

 

Có thể bạn quan tâm

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Ngày 25/10, theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, chiều 21/10, nhận tin báo từ người dân có ô tô rơi xuống vực trên đèo Bảo Lộc, Công an TP Bảo Lộc phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân.