(GLO)- Một ngày thượng tuần tháng 4, tôi lại về A Dơk (huyện Đak Đoa), xã chỉ cách TP. Pleiku chừng vài chục cây số về hướng Đông-Nam. Xã này về lĩnh vực kinh tế và xã hội xếp vào hàng trung bình khá của Đak Đoa, diện tích chung trên 21.000 ha, dân số khoảng 5.000 người; trong số 11 thôn, làng thì có 1 làng của người Jrai còn lại là người Bahnar, một số không nhiều đồng bào Kinh ở xen kẽ với các làng Bahnar và Jrai. Tiếp chuyện với chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã người Bahnar-Byưi rất vui, anh coi tôi là người nhà nên câu chuyện cũng là của người nhà kể với người nhà...
Một góc đường làng xã A Dơk, huyện Đak Đoa. |
Những năm 2004 trở về trước, A Dơk là xã trọng điểm về mất an ninh chính trị, các thế lực phản động và FULRO, “Tin lành Đê-ga” hoạt động chống phá chính quyền, trong sự kiện nhớ đời tháng 2-2001 và tháng 4-2004, chúng đã kích động nhân dân biểu tình bạo loạn, gây rối an ninh trật tự; kinh tế khó khăn, hoạt động của chính quyền, đoàn thể yếu kém... Khi ấy xã có đến trên 4.000 dân nhưng vẻn vẹn 25 đảng viên, trong đó một số người từ huyện tăng cường về. Trước tình hình như vậy Báo Gia Lai được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ phụ trách toàn diện xã này, với mục tiêu xây dựng xã đến khi được công nhận là đơn vị vững mạnh toàn diện sẽ thôi việc phụ trách.
Cũng có chuyện hay hay, đảm đương nhiệm vụ trên, chúng tôi nhận được không ít “ánh mắt ngờ vực” về một cơ quan báo chí sao có thể làm được việc xây dựng một xã yếu kém về an ninh chính trị nằm ở vị trí tóp đầu của tỉnh? Thế mà... Vừa lội vào những thửa ruộng lúa khô nứt nẻ chằng chịt bởi cơn khát nước mấy tháng ròng vừa qua, nói chuyện với bà con Bahnar đang gặt những đám lúa cháy về... cho bò ăn, tôi vừa mung lung nghĩ về chuyện cũ là thế. Byưi bảo, nghe lời cấp trên, năm nay chúng tôi vận động bà con không gieo sạ lúa vào những thửa ruộng hay bị hạn, bà con nghe theo, nhưng bảo chuyển đổi trồng cây gì thì khó quá. Bởi vậy, vụ Đông Xuân này cả xã chỉ làm 215 ha mà vẫn bị khô hạn, mất trắng đến trên 50 ha. Đấy, anh thấy rồi chứ gì, Byưi đưa tay “vòng” một cái quanh cánh đồng bị hạn nặng mà bà con đang gặt... rơm cho bò. Riêng nhà tôi-anh bảo, gieo 1 ha, mất luôn, cũng chỉ làm rơm cho bò.
Lãnh đạo Báo Gia Lai trao đổi và cùng người dân cắt lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: N.G |
Quanh mấy vườn cà phê, hồ tiêu, nhiều vườn đã không ít cây chết đứng, héo xèo, trụi lá. Byưi nói, có vườn bà con đào những 2, 3 giếng, tận dụng mọi nguồn nước để tưới mà cũng chẳng ăn thua gì, nhiều vườn khả năng năm nay sẽ thất thu nghiêm trọng. Cả xã có trên 520 ha cà phê, nhưng chưa thống kê đợt hạn này đã có bao nhiêu ha bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ đến cái đói có thể xảy ra, hỏi thì Chủ tịch Byưi bảo đã cho người về các làng nắm tình hình này, chưa cụ thể lắm, nhưng chẳng mấy hộ bị đói đâu. Tết vừa rồi cũng chỉ một số ít hộ được hỗ trợ thêm gạo, nói chung nghèo thì còn nhiều, lên đến hơn 200 hộ, mà đa số họ rơi vào chuyện thiếu sức lao động, thiếu đất canh tác. Một số hộ có lao động mà thiếu đất cũng đã được Công ty Cao su Mang Yang nhận vào làm công nhân nên thu nhập cũng tạm ổn rồi.
Nhân chuyện gặt lúa cho bò ăn, tôi hỏi việc chăn nuôi ra sao, nhớ mấy năm trước A Dơk là xã phát triển chăn nuôi khá, có nhiều gia đình đã có đàn bò lai; Byưi cho hay bây giờ không còn nhiều chỗ để chăn thả, bà con nuôi ít thôi, mỗi hộ chừng 3, 4 con, vừa tận dụng được phân bón, vừa cho... lũ trẻ có việc làm sau ngày đi học. Dắt dây qua chuyện học, thì bây giờ xã đã có trường cấp III, nhưng buồn là các cháu ở đây bỏ học nhiều hơn mấy xã lân cận. “Thế là không được rồi”- tôi nhắc khéo, nhưng Chủ tịch xã cũng chỉ thở dài, “Biết làm sao, bọn em cũng đã cố gắng vận động nhiều đấy...”. “Thế còn chuyện nông thôn mới?”-“Ồ, mới được 9 tiêu chí, huyện chỉ đạo năm 2015 này cố gắng, bảo cố gắng mà xã xin đầu tư mấy thứ, chỉ cho làm mỗi con đường nhựa từ xã ra trung tâm huyện, xuyên qua cánh đồng kia kìa, mà đường xong thì thuận lợi giao thông cho bà con lắm, chỉ có mấy cây số, mấy chục phút xe máy đã từ đây ra thị trấn Đak Đoa rồi...”.
Anh cán bộ phụ trách nông nghiệp, địa chính đi cùng cho hay, tất cả các con đường liên thôn đều đã nhựa hóa, rộng rãi, sạch đẹp, khi làm đụng đến vườn nhà ai, thì bà con tự giác tháo dỡ, dọn dẹp, nhường đất cho đường; đường ta đang đi đây-anh chỉ con đường từ cánh đồng chúng tôi vừa đến trở vào làng, bảo đây là một trong những đường mà bà con tự nguyện đóng góp tiền và công để làm, riêng Chủ tịch Byưi góp 1 triệu đồng cho con đường này đấy. Hồi trước đưa điện về xã cũng thế, “chính sách” Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân hưởng lợi được phát huy tối đa.
Lang thang ngoài ruộng, ngoài đồi đã ngấm nắng, mồ hôi túa ra, cái nắng như chực đổ lửa xuống cánh đồng mênh mông có đến hàng ngàn ha trước mặt, lỗ chỗ những đám xanh, đám vàng, nhiều bà con đang chăm chỉ với công việc của mình. Nhớ ra khi nãy nghe có người nói có một chương trình dự án có vốn nước ngoài đang vào giai đoạn cuối đầu tư vào xã với kiểu “đối ứng” theo tỷ lệ, giúp bà con khôi phục nghề truyền thống, xây dựng hạ tầng, phát triển nông nghiệp... và với chính sách vận động, tự nguyện là chủ yếu. Hỏi về chuyện này, Trưởng thôn Biă Tih 1 Yycơn nói bà con phấn khởi lắm. Anh mở cửa căn nhà vừa mới xây cách đây chưa lâu nằm gần sân bóng đá của làng, chỉ cho chúng tôi xem 10 chiếc máy may, 2 máy vắt sổ mới tinh-nó là của dự án cấp, các bạn nữ thanh niên đã học và sử dụng tốt. Trưởng thôn còn khoe, căn nhà trên 200 triệu đồng này, 20% trong số đó là của bà con 2 làng Biă Tih 1 và Biă Tih 2 đóng góp. Có tiền của bà con đóng góp, nhà sẽ được bà con bảo vệ và sử dụng tốt hơn và nhà này còn là nơi họp hành, sinh hoạt của làng...
Thăm một trong 3 căn nhà mà Báo Gia Lai xây tặng cho các gia đình chính sách cách nay đã mấy năm. Tiền không nhiều, những thứ “kiếm được” thì gia đình, bà con trong làng ủng hộ thêm, cho nên những căn nhà được xây dựng khá khang trang. Và giờ vẫn khang trang, thật mừng. Chủ nhà, ông Đinh Yên ở làng Biă Tih 2 nghe có người đến thăm, từ đâu chạy xe máy về, vội mở cửa mời khách; khi biết cuộc viếng thăm không báo trước của người viết bài này và Chủ tịch xã, ông xởi lởi bằng những tràng tiếng Bahnar, khi biết tôi nghe và hiểu được ông đã nói gì với Chủ tịch xã, ông ra vẻ áy náy lắm. “Không sao, gia đình mình đã làm ăn khấm khá hơn từ sự “hên” của căn nhà do Báo tặng là đúng rồi”-tôi góp vui tiếp theo lời ông. Chủ gia nhanh tay lấy chiếu trải xuống nền xi măng sạch bóng, tìm bình pha nước; hiểu ý, tôi thưa, rằng chúng tôi chỉ ghé qua thăm gia đình ta một lát thôi, ông hết nhìn tôi, lại nhìn Chủ tịch xã như tỏ vẻ chẳng bằng lòng. Đã trưa, tôi còn có cuộc hẹn khác, nếu ngồi xuống chiếu tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra-lướt nhìn trong góc nhà, một cơ số ghè rượu, một chai to “mắt mèo” ở đó, cộng với vốn tiếng Bahnar của tác giả bài này thì chỉ có hết ngày thâu đêm...
Ngôi nhà Báo Gia Lai xây tặng gia đình chính sách xã A Dơk. Ảnh: N.G |
Trên đường về trụ sở xã, Byưi, cho biết, lẽ ra Đảng bộ đã tổ chức đại hội xong rồi, nhưng còn vài việc nữa nên Huyện ủy bảo dừng, hôm nay Bí thư Y Mưng cùng Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy ra huyện làm việc lại. Bây giờ cả Đảng bộ có 75 đảng viên rồi đấy. Nhiều năm liền được công nhận loại khá và trong sạch vững mạnh. Tôi nhớ hồi năm 2004, ở đây là chi bộ yếu kém, những người đứng đầu xã là người của huyện thay nhau tăng cường về. Cũng nói thêm, kể từ khi Báo Gia Lai không còn phụ trách đến nay, A Dơk vẫn giữ ổn định về an ninh chính trị. Các tôn giáo sinh hoạt, hoạt động bình thường, bà con giáo dân tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào địa phương khá tốt.
Từ khi trở thành xã vững mạnh, cơ quan Báo Gia Lai bàn giao lại cho huyện, năm 2008 đến nay, cả Bí thư, Chủ tịch và những người đứng đầu các tổ chức quần chúng ở đây đều là các cán bộ, đảng viên người tại chỗ, người Bahnar, Jrai, trẻ, có đào tạo đảm trách. Đúng là, cán bộ nào phong trào nấy và nếu cấp trên thường xuyên gần gũi, gắn bó, đôn đốc nhắc nhở, động viên, giao việc cụ thể và kiểm tra uốn nắn, chỉ bảo thì cán bộ cấp dưới sẽ phấn khởi, hăng hái và làm tốt mọi việc. Ở A Dơk này là một đơn cử như vậy!
Đoàn Minh Phụng